Làm báo thời 4.0: Để công nghệ chắp cánh nội dung hay

Thứ ba, 20/06/2023, 14:57 PM

Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trong hầu hết các lĩnh vực và báo chí không phải là ngoại lệ.

Các phương tiện truyền thông truyền thống đang chịu áp lực để thích ứng với môi trường số phát triển nhanh chóng. Từ đó đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp, để thích ứng theo kịp sự phát triển.

Bắt kịp xu hướng của báo chí hiện đại

Kỷ nguyên số đã và đang giúp cho nền báo chí toàn thế giới phát triển nhanh hơn về mọi mặt. Công nghệ số làm cho báo chí có bước nhảy vọt về thời gian thông tin, không gian bao phủ, cách thức tiếp cận thông tin, tăng về số lượng bạn đọc, cũng như số lượng và chất lượng thông tin...

Mới chỉ qua hơn một thập niên công nghệ thông tin bùng nổ, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một thực tế là trong kỷ nguyên số, báo chí đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn, làm nảy sinh những thách thức chưa từng có, trở thành vấn đề ngày càng cấp bách của nền báo chí nói chung, trong đó có báo chí Việt Nam.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 6/4 đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 đưa nội dung lên các nền tảng số với tỷ lệ 70% cơ quan báo chí sử dụng các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước), 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Ngoài ra, 80% cơ quan báo chí sẽ hoạt động và vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

Đến năm 2030, hướng tới mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. Cùng với đó, 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số...

Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Đề cập những thách thức với người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Vấn đề sống còn của chuyển đổi số báo chí chính là “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc chú trọng phát triển nội dung, rất cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật. Trong thời gian khá dài, các cơ quan báo chí vẫn phát triển chiến lược lấy công chúng làm trọng tâm, tuy nhiên, giờ đây câu chuyện đã khác, công nghệ thay đổi nhanh đến mức, báo chí truyền thống không biết nền tảng nào là quan trọng nhất trong việc tiếp cận công chúng.

Song song đó, mạng xã hội bùng nổ là một lợi thế cho “báo chí công dân” phát triển. Một sự kiện xảy ra, khi nhà báo chưa có mặt thì chính độc giả đã trở thành nguồn tin, là những phóng viên truyền tải thông tin rất nhanh đến bạn đọc khác, thông qua tòa soạn báo. Thế nhưng, cũng vì tính chất nhanh nhạy, tức thời vượt trội, lan truyền rộng mà sự chắt lọc thông tin để lại nhiều lỗ hổng, dễ vướng phải những sai sót, thiếu chính xác vì chưa được thẩm định.

Theo ông Lợi, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, tinh thần cống hiến, chiến đấu của các nhà báo cũng không bao giờ thay đổi. Công nghệ số càng phát triển, trách nhiệm của nhà báo càng lớn hơn. Ngoài những thông tin thông thường, các nhà báo phải tự học hỏi, để thông tin của mình khác biệt, chuyên sâu. Các nhà báo sử dụng công nghệ thế nào để có thể vừa biết làm báo, biết chụp ảnh, biết làm postcard, dẫn hiện trường... Đây là áp lực lớn, đòi hỏi nhà báo phải làm chủ được báo chí đa phương tiện. Do đó, nội dung và công nghệ luôn phải song hành.

Về giải pháp và kinh nghiệm trong thời gian tới, nhà báo Hồ Quang Lợi nêu rõ, với tất cả những người học nghề, làm nghề cần có 3 điều quan tâm: Học, lao động, sáng tạo. Nghề báo là nghề của sự sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo cá nhân thì người làm báo khó có thể khẳng định được bản sắc của mình. Tính sáng tạo cũng là vấn đề lớn của tác phẩm báo chí, đòi hỏi người làm báo phải rèn luyện, từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến khi đi làm. Nghiệp vụ báo chí cần học từ thực tiễn, từ nhân dân, không chỉ tập trung vào nội dung truyền thống, phải cần tìm tòi cả công nghệ số.

Làm chủ báo chí đa phương tiện

Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ mang đến những lợi ích mà còn đặt ra những thách thức đối với phóng viên và nhà báo. Như trước đây, phóng viên và nhà báo có thể tập trung chủ yếu vào việc thu thập thông tin và viết bài. Tuy nhiên, trong thời đại số, họ phải thích ứng với nhiều vai trò khác nhau như thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, tạo nội dung đa phương tiện, và tương tác với độc giả trên các nền tảng truyền thông xã hội. Điều này đòi hỏi phải có những kỹ năng kỹ thuật mới và thích nghi nhanh với công nghệ.

Trong môi trường truyền thông số, thông tin diễn ra nhanh chóng và đòi hỏi phản ứng nhanh. Phóng viên và nhà báo phải đảm bảo khả năng cập nhật tin tức liên tục và cung cấp nội dung mới nhất cho độc giả. Điều này có thể tạo ra áp lực cao về thời gian và yêu cầu sự linh hoạt khi tác nghiệp.

Internet đã mở ra cánh cửa cho một lượng lớn thông tin và nền tảng truyền thông mới. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút và giữ chân độc giả. Người làm báo cần tạo ra nội dung chất lượng cao và sáng tạo, đồng thời phải định hình được danh tiếng và độ tin cậy của chính mình trong một môi trường trực tuyến phức tạp.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong báo chí tăng khả năng tương tác và tham gia của người đọc. Trước kia, báo chí truyền thống chỉ hỗ trợ một hướng thông tin, người đọc chỉ có thể đọc và tiếp thu những gì đã được viết sẵn. Nhưng hiện nay, người đọc có thể bình luận, chia sẻ, đánh giá và tương tác trực tiếp với các bài viết. Điều này tạo ra một môi trường thảo luận đa chiều và động lực cho sự phát triển của thông tin.

Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng.

Nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong thực tế đời sống báo chí hiện nay, một số tờ báo đang đánh mất đi vị thế là báo chính thống, chạy theo trend để chạy đua với các trang mạng xã hội. Trong khi đó, công nghệ AI đang “đe dọa” lao động nhà báo.

Thời đại công nghệ số vừa là thời cơ, cũng là thách thức rất lớn đối với nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Một bài báo hay ngoài nội dung tốt còn cần có công nghệ tốt. Công nghệ xây dựng nền báo chí đa phương tiện, giúp cho nội dung được truyền tải một cách trực quan và sinh động hơn. Đó cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh báo chí hiện đại.

Để phù hợp với môi trường báo chí trong thời đại số, đội ngũ những người làm báo cần phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Trong đó, báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn và điều nhà báo cần học chính là công nghệ. Người làm báo không chỉ đơn thuần là người viết, người chụp ảnh, người quay phim, hay người làm họa sĩ thiết kế…

Bên cạnh đó, các nhà báo hiện nay cũng đang phải đối diện những “cám dỗ” mà công nghệ số mang lại. Với mạng lưới internet phủ khắp, nếu phóng viên chỉ ngồi tại nhà lướt mạng xã hội để kiếm đề tài, tìm những nội dung trôi nổi thay vì kiểm chứng thì sẽ làm mất đi giá trị của báo chí. Tạo cơ hội cho tin giả lan rộng, chi phối tâm lý của đông đảo công chúng.

“Nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ, để tin giả lấn lướt cả những bài viết hay thì chúng ta đang không hoàn thành được sứ mệnh của mình. Không giữ được trận địa thông tin thì chúng ta sẽ thua ngay trên sở trường của mình”, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

NGUYÊN THẢO - TRANG NHI

Theo congly.vn

largeer