Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

'Kỳ lân công nghệ' VNG nối dài mạch thua lỗ

Thứ ba, 06/05/2025 15:15 (GMT+7)

Từ năm 2022 đến nay, VNG lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Quý đầu năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục nối dài mạch thua lỗ.

Báo cáo hoạt động quý I/2025 của CTCP VNG (Mã: VNZ) công bố cho thấy doanh thu đạt trên 2.232 tỷ đồng, ổn định so với cùng kỳ.

Mảng trò chơi trực tuyến đóng góp lớn nhất trong tổng doanh thu với gần 1.400 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu còn lại của VNG từ quảng cáo trực tuyến, các dịch vụ giá trị gia tăng trên internet, nhạc chờ và bản quyền bài hát.

Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 790 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt 35,4%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 185 tỷ, tăng mạnh so với với 1 tỷ đồng quý I/2024.

Tuy nhiên trừ đi các chi phí, kỳ lân công nghệ này vẫn lỗ ròng sau thuế 15 tỷ đồng. Mức lỗ này đã phần nào cải thiện so với quý cùng kỳ năm 2024 (lỗ hơn 31 tỷ). Tính đến nay, VNG đã có 7 quý thua lỗ liên tiếp.

Trong báo cáo thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT VNG Lê Hồng Minh cho biết 3 năm qua là giai đoạn "thực sự thử thách" bởi thị trường game toàn cầu tăng trưởng chậm lại và sự thận trọng trong chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam. Trong khi đó, các hướng đi mới như fintech, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo đều đang trong quá trình chứng minh hiệu quả tài chính.

Theo ông Minh, tốc độ tăng trưởng gần đây chậm lại nhưng các hướng đi mới sẽ bứt phá trong một thập kỷ tới. Công ty đang cân đối giữa tăng trưởng bền vững ở các mảng cốt lõi và đổi mới sáng tạo một cách thận trọng.

VNG thường xuyên thua lỗ. Nguồn: BCTC của VNG.

Từ năm 2022 đến nay, VNG thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, doanh nghiệp lỗ hơn 1.500 tỷ, sang năm 2023, mức lỗ đạt hơn 2.300 tỷ và đến năm 2024, số lỗ gần 1.200 tỷ. Như vậy khoản lỗ liên tiếp đã bào mòn lợi nhuận chưa phân phối của VNG xuống còn khoảng 800 tỷ đồng.

Hiện tại, VNG đang sở hữu 11 công ty con trực tiếp và 37 công ty liên kết trực tiếp, gián tiếp hoạt động trong các mảng kinh doanh chính là trò chơi trực tuyến, thanh toán điện tử, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Các ứng dụng phổ biến thuộc sở hữu của VNG là Zalo, Zalopay, ZingMP3, Tiki, các tựa game trực tuyến,...

Cổ phiếu VNG đang là cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán với 339.000 đồng/cp, chốt phiên 6/5. Cổ phiếu này đã lao dốc mạnh trong thời gian qua từ mốc kỷ lục hơn 1 triệu đồng/cp do kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm liền.

VNG hiện đang lưu hành hơn 28,7 triệu cổ phiếu, ghi nhận trong năm 2024, mức lỗ trên mỗi cổ phiếu của kỳ lân công nghệ này là 37.607 đồng/cp.

Trong đó, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT VNG hiện là cổ đông cá nhân lớn nhất, nắm giữ 8,85% cổ phần với 2,5 triệu cổ phiếu. Thu nhập năm 2024 của ông Minh trên báo cáo tài chính là 7,1 tỷ đồng, tương đương mức lương trung bình 592 triệu đồng/tháng.

Ông Vương Quang Khải là cổ đông cá nhân lớn thứ hai với 1,435 triệu cổ phiếu, ứng với 4,99% cổ phần. Thu nhập năm 2024 của ông Khải tại VNG đạt 6,5 tỷ đồng.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn