Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Doanh nghiệp thực hiện tốt ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư

Thứ tư, 23/04/2025 19:17 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất “Chiến lược để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” do Báo Dân Trí tổ chức chiều 23/4.

Diễn đàn là không gian kết nối giữa cơ quan quản lý, giới chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, cùng nhau trao đổi, thảo luận về những bước tiến trong thực thi các tiêu chí ESG tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm.

ESG là xu thế tất yếu, thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, ESG với 3 nội hàm: môi trường, xã hội và quản trị đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới. Đồng thời là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các yếu tố trên trong quá trình phát triển.

“Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Mạnh Quân

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo khung khổ pháp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức xã hội. Đặc biệt, Bộ cũng đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và phát triển thị trường lao động, nguồn nhân lực của quốc gia. Những nỗ lực của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực này góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho thực hành ESG, thúc đẩy phát triển bền vững và kiến thiết một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đồng thời, Thứ trưởng Hà cũng nêu ra 3 vấn đề về việc thực hiện các tiêu chuẩn ESG. Vấn đề đầu tiên, làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận và triển khai ESG một cách hiệu quả?

Thứ hai là bài toán về nguồn nhân lực. Làm thế nào để xây dựng một lực lượng lao động bền vững, có đủ kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn?.

Cuối cùng là hướng đến tầm nhìn dài hạn, đặt khoa học công nghệ vào trung tâm của quản trị và phát triển bền vững.

Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức chiều 23/4. Ảnh: Mạnh Quân 

Kinh nghiệm thực thi ESG tại những "cánh chim đầu đàn"

Cũng tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày tham luận về hành trình và hiệu quả trong thực thi ESG từ những doanh nghiệp "cánh chim đầu đàn" như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN), Công ty cổ phần Sữa TH, Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM)… 

Ông Phạm Tuấn Anh – Thành viên HĐQT Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia (PVN) nhận định, đổi mới mô hình tăng trưởng là yêu cầu sống còn. Theo đó, PVN đã chủ động thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng với ba trụ cột chiến lược gồm năng lượng, công nghiệp và dịch vụ. Việc phát triển hài hòa ba trụ cột này không chỉ giúp đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn nâng cao khả năng thích ứng linh hoạt của PVN trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong thực thi ESG của tập đoàn TH, ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH, đại diện Ban lãnh đạo Tập đoàn TH cho biết, ESG không phải là yếu tố phụ trợ mà được tích hợp sâu vào chiến lược lõi cũng như các trụ cột Phát triển bền vững của Tập đoàn TH. Mỗi sản phẩm sạch, hữu cơ ra đời đều gắn với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH nhấn mạnh, việc phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm doanh nghiệp, mà còn là lợi thế cạnh tranh mang tính chiến lược và lâu dài. Kiên định với con đường xanh, tập đoàn cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng và các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình kiến tạo tương lai bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT trình bày tham luận tại Diễn đàn

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ về việc thực thi ESG tại FPT với 3 nguyên tắc: không sao chép; không hình thức; đo lường nghiêm túc.

"Đưa ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao hoạt động, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt, thu hút lao động trẻ. Đừng xem ESG là một gánh nặng mà nó là một cơ hội, nếu nhìn thấy ESG là cơ hội sẽ luôn có cách để làm", Tổng giám đốc FPT nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với các lãnh đạo FPT, TH và PVN, bà Phan Thị Hồng Dung - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM - nói, đối với Xanh SM, ESG không còn là khẩu hiệu. Các tài xế của Xanh SM khi được hỏi về một trong những điều tự hào, chắc chắn câu trả lời của họ là bảo vệ môi trường.

Bà Dung thông tin, sau 2 năm ra đời, Xanh SM đã đạt 300 triệu chuyến xe và mang lại việc làm cho 100.000 tài xế. Công ty này đã giúp giảm hơn 211.000 tấn CO2. Khi Xanh SM ra đời, doanh nghiệp đã xác định những điểm khác biệt như xe điện độc đáo, dịch vụ 5 sao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sau khi chuyển sang xe điện đã giảm 40% chi phí nhiên liệu, giảm 40% chi phí bảo dưỡng.

Trong phần thảo luận, các diễn giả là các chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu cùng trao đổi và thảo luận về những thực trạng, giải pháp tháo gỡ những "nút thắt" mà doanh nghiệp đang gặp phải trong thực thi ESG tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.

Lễ vinh danh Vietnam ESG Awards lần thứ nhất

Trong khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam đã diễn ra Lễ vinh danh Vietnam ESG Awards lần thứ nhất - tôn vinh 31 doanh nghiệp, đơn vị có thành tựu xuất sắc trong việc thực hiện các tiêu chí ESG.

Trong đó, 10 đơn vị được vinh danh hạng mục ESG Toàn diện (các doanh nghiệp xuất sắc nhất, hội tụ đầy đủ các giá trị Môi trường - Xã hội - Quản trị) gồm: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động; Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (Tập đoàn DIC); Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Vinfast; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Công ty cổ phần Điện Gia Lai.

ESG - viết tắt của Environmental, Social, and Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp.
ESG đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp dựa trên ba trụ cột chính:
Environmental (Môi trường): đánh giá cách doanh nghiệp quản lý các tác động đến môi trường. Tiêu chí xét đến các yếu tố như khí thải nhà kính, quản lý tài nguyên thiên nhiên (nước, đất, khoáng sản), tiết kiệm năng lượng, quản lý chất thải (tái chế, xử lý chất thải), bảo tồn đa dạng sinh học, và khả năng ứng phó với các rủi ro khí hậu (biến đổi khí hậu, thiên tai).
Social (Xã hội): xem xét mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và nhà cung cấp. Các yếu tố trong lĩnh vực này bao gồm điều kiện lao động (tiền lương, phúc lợi, sự an toàn tại nơi làm việc), quản lý vốn con người (đào tạo, phát triển nhân viên), tác động đối với cộng đồng (các chương trình trách nhiệm xã hội), sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ (như giáo dục và y tế).
Governance (Quản trị): đánh giá cách doanh nghiệp quản lý và điều hành. Tiêu chí này xét theo các yếu tố như cấu trúc lãnh đạo (cơ cấu hội đồng quản trị, vai trò của cổ đông), quy trình ra quyết định (tính minh bạch, trách nhiệm giải trình), các chính sách về quản lý rủi ro, và tuân thủ quy định (pháp luật và các quy chuẩn ngành).

Ngọc Anh
Nguồn: sohuutritue.net.vn