Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Đồ uống có đường đã ăn sâu vào đời sống người Singapore như thế nào?

Thứ hai, 19/05/2025 06:55 (GMT+7)

Một ly trà sữa trân châu có thể là niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhiều người đang uống nhiều đường hơn mức cơ thể cần và hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

Trên Instagram, có một meme hài hước lan truyền mô tả câu khen ngợi lớn nhất của các bậc cha mẹ châu Á dành cho món tráng miệng là: “Không ngọt lắm”. Ấy vậy mà, giữa thế hệ trẻ Singapore lại đang nở rộ một xu hướng ngược lại là say mê đồ uống ngọt, đặc biệt là trà sữa trân châu.

Từ thời kỳ đỉnh cao của làn sóng trà sữa những năm 2000, việc mua trà sữa số lượng lớn cho gia đình được xem như một hành động quan tâm. Trong giới trẻ ở Singapore, việc đi ăn đêm là một thói quen phổ biến, và đi kèm với đó luôn là những món nước ngọt như teh tarik (trà sữa nóng truyền thống rất phổ biến ở Malaysia và Singapore), nước lúa mạch hay bandung – dù có gọi món ăn hay không. Thói quen văn hóa này, tuy gắn với những kỷ niệm thân thương lại đang để lại cái giá đắt về mặt sức khỏe cộng đồng.

Theo Khảo sát Dinh dưỡng Quốc gia Singapore năm 2022, mỗi người trưởng thành tiêu thụ trung bình 56g đường mỗi ngày, trong đó hơn một nửa đến từ đồ uống có đường. Đây không chỉ là con số đáng lo ngại mà nó là quả bom hẹn giờ cho sức khỏe toàn dân. Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần uống thêm 250ml đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ mắc tiểu đường có thể tăng tới 26%.

Một khảo sát tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cho thấy nhiều người trẻ Singapore uống tới 4 ly đồ ngọt mỗi ngày và thiếu kiến thức về lượng đường ẩn chứa trong các loại đồ uống, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và béo phì.

Trà sữa trân châu có một vị thế đặc biệt trong văn hóa ẩm thực trẻ tại Singapore. Ảnh: iStock.

Cơn sốt trà sữa trân châu – không đơn thuần là đồ uống

Trà sữa trân châu có một vị thế đặc biệt trong văn hóa ẩm thực trẻ tại Singapore – vừa là thức uống, vừa là món ăn vặt. Một số văn phòng thậm chí có hệ thống đặt trà sữa chung, trong khi một số thương hiệu nổi tiếng đã chuyển từ mô hình mang đi sang các quán ngồi lại như quán cà phê truyền thống.

Thị trường trà sữa trân châu của Singapore có doanh thu hàng năm là 342 triệu USD mỗi năm, trở thành thị trường lớn thứ tư ở Đông Nam Á mặc dù có dân số nhỏ nhất trong 6 thị trường chính của khu vực.

Trà sữa không chỉ giải khát – nó thỏa mãn cảm giác "buồn miệng", một khái niệm trong tiếng Nhật gọi là kuchisabishii. Đó là khi con người ăn hoặc uống không phải vì đói, mà chỉ vì buồn miệng.

Ở một đất nước được biết đến là thiên đường ẩm thực, sự nhiệt tình của người trẻ Singapore đối với trà sữa có thể sánh ngang với việc người dân địa phương tranh luận về những nơi tốt nhất để thưởng thức cơm gà hoặc nasi lemak (một món ăn truyền thống rất phổ biến ở Singapore). Cộng đồng trực tuyến đua nhau đánh giá thương hiệu yêu thích, độ dẻo lý tưởng của trân châu, hay hương vị “chuẩn gu”.

Nắm bắt xu hướng, các hãng không ngừng sáng tạo ra sản phẩm pha trộn giữa đồ uống và món tráng miệng như: trà sữa genmaicha nướng mía, trà hoa cúc trân châu mật ong, ô long đào...

Không ít người cho rằng việc chọn mức đường thấp hoặc bỏ syrup sẽ biến ly trà sữa thành đồ uống lành mạnh. Nhưng theo Hội đồng Xúc tiến Sức khỏe Singapore (HPB), ngay cả trà sữa 0% đường với trân châu vẫn chứa 3 thìa cà phê đường trong 500ml – tương đương 30% lượng đường khuyến nghị mỗi ngày.

Làm gì để giải cứu giới trẻ khỏi đồ ngọt?

Trước thực trạng này, chính phủ Singapore đã có những động thái mạnh mẽ. Hệ thống Nutri-Grade bắt buộc dán nhãn dinh dưỡng phía trước bao bì từ 2022 (đối với đồ uống đóng gói), và mở rộng sang đồ uống pha chế tươi trong năm 2023.

Phong trào "siu dai by default" (ít đường mặc định) khuyến khích quán nước giảm đường cho các món uống. Đến nay có khoảng 60% cửa hàng hưởng ứng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta đã đủ tỉnh táo để nhận ra rằng xã hội đang bị “nghiện đường” hay chưa? Giáo dục chính là chìa khóa. Chính phủ cũng cần siết chặt quảng cáo, đặc biệt trong trường học để tránh việc bình thường hóa thói quen uống đồ ngọt.

Với nhiều người, vị ngọt trong đồ ăn, thức uống gắn liền với niềm vui, sự an ủi tâm trạng. Một ly trà sữa đôi khi thật sự mang đến hạnh phúc nhỏ bé trong ngày dài mỏi mệt. Vấn đề chỉ phát sinh khi chúng ta tiêu thụ đường quá mức cần thiết. Việc giảm đường không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng đó là nỗ lực dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp từ chính phủ, nhà trường, doanh nghiệp và từng cá nhân. Bởi sức khỏe cộng đồng là điều không thể "mặc cả" dù chỉ bằng một ly trà sữa.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn