Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Khi 'máy bán hàng tự động' trở thành bác sĩ

Thứ năm, 15/05/2025 09:16 (GMT+7)

Việc hoài nghi về các ki-ốt không người phục vụ để tư vấn y tế là điều dễ hiểu nhưng theo nhà nghiên cứu Mathavi Senguttuvan từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), điều quan trọng là phải nhìn nhận mặt tích cực.

Một đêm khó chịu, bạn không thể ngủ vì đau dạ dày dữ dội. Bạn đã uống thuốc trung hòa axit, nhưng không có tác dụng. Các phòng khám và bệnh viện gần nhất đều đóng cửa, và bạn cũng không chắc tình trạng của mình có cần đến phòng cấp cứu – nơi có thể phải chờ rất lâu. Bạn sẽ làm gì?

Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người chuyển từ mô hình chăm sóc sức khỏe truyền thống – đến khám trực tiếp tại phòng khám – sang các hình thức mới. Ứng dụng khám bệnh từ xa (telehealth) nhanh chóng trở nên phổ biến, cho phép người dùng gặp bác sĩ gần như 24/7, nhận chẩn đoán và thậm chí cả thuốc được giao tận nhà.

Những lợi ích đó vẫn còn tồn tại sau 5 năm, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ này. Thậm chí, với một số người, telehealth chỉ còn là cách tiện lợi để xin giấy nghỉ bệnh (MC) mà không cần rời khỏi giường. Điều này khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ bị điều tra do nghi ngờ vi phạm đạo đức, cấp đơn thuốc mà không đánh giá lâm sàng đầy đủ.

Giữa lúc telehealth gặp nhiều tai tiếng, một ki-ốt có tên Dr Kart tại trạm xăng ở Tampines (Singapore) đã thu hút sự chú ý. Một “máy bán hàng tự động” cho dịch vụ y tế khiến dư luận nghi ngờ.

"Máy bán hàng tự động" trong lĩnh vực y tế đang ngày càng phát triển. Ảnh: CNA.

Ki-ốt y tế tự động khác gì ứng dụng điện thoại?

Phóng viên CNA đã trải nghiệm ki-ốt Dr Kart và xác nhận, trải nghiệm sử dụng thực tế tại ki-ốt khác hẳn so với dùng ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hai hình thức này được xếp cùng một loại.

Theo Hướng dẫn Quốc gia về Telemedicine 2015 của Bộ Y tế Singapore (MOH), các dịch vụ telehealth phải đảm bảo chất lượng tương đương khám trực tiếp, dù thực hiện từ xa. Điều này áp dụng cho mọi hình thức – từ ki-ốt đến điện thoại, miễn là không gặp mặt trực tiếp.

Luật và quy tắc đạo đức hiện hành như Bộ Quy tắc Đạo đức Y khoa, Luật Dịch vụ Y tế và Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân cũng áp dụng cho cả hai hình thức.

Đối với giấy nghỉ ốm, MOH đã nhiều lần khẳng định rằng giấy phép nghỉ ốm chỉ được cấp sau khi có đánh giá lâm sàng phù hợp, bất kể nơi hay hình thức khám bệnh. Do đó, dù khám qua điện thoại hay ki-ốt tại trạm xăng, người bệnh vẫn cần được bác sĩ thẩm định đúng quy trình.

Quy định mới năm 2023 về Dịch vụ Y tế Ngoại trú (OMS) còn yêu cầu các ki-ốt như ở Tampines phải đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh, bảo trì và an toàn.

“Máy bán hàng y tế” đang nổi lên

Thực tế, ki-ốt Dr Kart không phải là mô hình đầu tiên. Năm 2023, công ty SmartRx phối hợp với Minmed đã triển khai ki-ốt y tế tại Đại học Công nghệ & Thiết kế Singapore (SUTD). Sinh viên và nhân viên có thể đo chỉ số sức khỏe và gặp bác sĩ qua màn hình trong một buồng kín, sau đó nhận thuốc từ máy bán hàng tích hợp. Sau đó, mô hình này được nhân rộng tại sân vận động Jalan Besar.

Hiện nay, các máy bán thuốc và vật tư y tế (khẩu trang, băng gạc…) đã xuất hiện tại nhiều nơi như chung cư, khu dân cư và bệnh viện. Một số máy còn có thể cấp thuốc kê đơn sau khi người bệnh hoàn thành cuộc tư vấn video với dược sĩ đã đăng ký.

Bản chất của các dịch vụ này là mở rộng khả năng tiếp cận y tế, đặc biệt cho người cao tuổi hoặc ít dùng công nghệ. Nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ đang triển khai các ki-ốt telehealth ở vùng nông thôn để giảm tải cho hệ thống y tế truyền thống.

Tuy nhiên, việc triển khai cần đi kèm kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân. Ví dụ, OMS yêu cầu bảo mật dữ liệu cá nhân trong quá trình khám từ xa – điều có thể bị vi phạm nếu ki-ốt đặt nơi đông người. Một số chuyên gia đề xuất tích hợp buồng tư vấn riêng tư, tương tự mô hình đã triển khai tại Đại học Công nghệ & Thiết kế Singapore, nơi sinh viên có thể khám từ xa và nhận thuốc ngay tại chỗ.

Mô hình ki-ốt khám bệnh tự động được kỳ vọng sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi tại phòng khám; cung cấp dịch vụ y tế 24/7; tăng khả năng chủ động chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng mở rộng mô hình này cần đi kèm với giám sát chặt chẽ, tuân thủ đạo đức y khoa, và bảo vệ dữ liệu người bệnh.

"Thách thức hiện tại không chỉ là chấp nhận công nghệ, mà là xây dựng một hệ thống lấy người bệnh làm trung tâm, đặt chất lượng chăm sóc lên trên sự tiện lợi", chuyên gia Mathavi Senguttuvan từ Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn