Thấy khách đã tới, anh Thuận liền ới thằng con. Cậu bé đã chuẩn bị sẵn cái que dài chừng 1,5 m, đầu que có sợi dây buộc miếng thịt sống ra đằng sau nhà, nơi có cái vuông tôm lớn.
Thả mồi chưa đến một phút, cậu bé nhấc cần
câu, lôi lên một con cua xanh to bằng bàn tay. Và cứ thế, trong vòng 15 phút,
nó đã kéo lên đầy một rổ cua.
Gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận ở ấp 13, xã
Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau sống nhờ nghề làm ruộng và nuôi tôm, cua. Hôm
nay anh mời tôi và một tình nguyện viên người Nhật qua nhà nhậu chơi. Keisuke
Murota đến huyện U Minh theo chương trình trao đổi chuyên gia của Tổ chức Hợp
tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Keisuke, 26 tuổi, đã làm việc với anh Thuận
trong một vài dự án ở địa phương và hôm nay đây là lần đầu tiên anh chàng người
Nhật, tốt nghiệp đại học Waseda, ghé thăm gia đình anh Thuận. Anh chàng này rất
thích đồ ăn Việt Nam. Cứ mỗi lần ghé quán cơm, câu đầu tiên Keisuke nói, bằng
thứ tiếng Việt bập bẹ, là “cho tôi một đĩa rau muống xào tỏi”. Lần nào anh ta
cũng gọi món đó.
Cua biển, cua nước lợ là sản vật nổi tiếng của Cà Mau.
Bữa ăn đãi khách nhanh chóng được dọn ra với
hai đặc sản chính rất nổi tiếng của Cà Mau: tôm đất và cua biển. Bữa tiệc của
người nông dân miệt vườn với những loại thực phẩm thượng hạng nhưng được “trình
bày” đơn giản: Một cái mâm nhôm, trên xếp một rổ cua đã hấp chín đỏ au, đang bốc
hơi nghi ngút, một đĩa tôm đất nướng, đĩa muối tiêu chanh, đĩa xoài xanh, cạnh
mâm là hai thùng bia chai Sài Gòn.
“Trông giản dị vậy nhưng nếu ở TP HCM thì
cái mâm này giá vài triệu đồng, mà chưa chắc đã đúng là tôm đất và cua Cà Mau”,
Keisuke nói. Anh bảo đã từng ăn cua Cà Mau ở TP HCM, “nhưng không ngon như thế
này”.
Anh Thuận, 39 tuổi, nói ở Cà Mau có nhiều
sản vật nhưng cua và tôm đất là đầu bảng. Tôm đất sống chủ yếu ở vùng nước lợ,
nơi có sự giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là các khu rừng ngập mặn,
kênh rạch, cửa sông. Vùng đất bùn, nhiều phù sa của Cà Mau là nơi lý tưởng để
tôm đất sinh trưởng, chúng thường đào rúc vào bùn để trú ẩn và kiếm ăn.
Tôm đất có vỏ màu nâu hồng, hơi đỏ hoặc
vàng nhạt, trông giống màu phù sa hoặc đất bùn, khác với tôm sú (vỏ xanh đậm, sọc
trắng) hoặc tôm thẻ (vỏ trắng trong). Khi luộc lên, tôm đất chuyển sang màu đỏ
tươi rất đẹp mắt.
“Gọi là tôm đất vì nó có màu giống màu đất,
đã vậy nó lại hay ở tầng đáy, trong lớp bùn”, anh Thuận nói.
Keisuke và một anh bạn người Úc.
Cua Cà Mau thì chắc khỏi phải giới thiệu về
độ nổi tiếng. Đi khắp TP HCM, đâu đâu cũng có cửa hàng trưng biển cua Cà Mau. Mặc
dù rất nhiều tỉnh có cua biển, cua nước lợ, nhưng chỉ có Cà Mau là địa danh được
gắn với tên loài giáp xác này như một “bảo chứng” cho chất lượng.
Một số tài liệu cho rằng cua Cà Mau ngon
vì nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến môi trường sống và đặc điểm sinh trưởng.
Loài này sống trong vùng rừng ngập mặn ven biển, nơi có nguồn nước lợ giàu
khoáng chất, giúp thịt cua săn chắc và ngọt hơn. Hệ sinh thái tự nhiên phong
phú cung cấp nguồn thức ăn dồi dào, giúp cua phát triển tốt.
Cua biển Cà Mau (chủ yếu là cua xanh) có vỏ
cứng, thịt dày, chắc nịch, không bị bở hay xốp như nhiều nơi khác. Cua gạch có
nhiều gạch son, béo ngậy, không bị nhão hay có mùi tanh nặng.
“Cách ăn cua Cà Mau đúng là thế này”, anh
Thuận hướng dẫn. “Lật con cua sao cho phần mai hướng xuống dưới, phần bụng ở
phía trên, bóc nhẹ để tách mai khỏi mình cua, không để nước trong mình cua chảy
đi mất. Uống hết nước cua đọng ở mai, rồi mới bắt đầu ăn thịt cua”.
Người nông dân có hàng chục năm gắn bó với
nghề thủy sản, hiện có 21 công đất nuôi tôm, cua cho hay cua Cà Mau thường được
nuôi theo hình thức tự nhiên, ít can thiệp bằng thức ăn công nghiệp, giúp giữ
được hương vị tự nhiên, thơm ngon. “Thức ăn chính là cá rô phi hay cá tạp băm
nhỏ, nuôi khoảng 7-8 tháng thì thu hoặc đánh tỉa, thả bồi”, anh Thuận nói.
Nuôi cua là nghề phổ biến ở Cà Mau.
Cua nuôi ở Cà Mau được đánh bắt thủ công bằng
rập, lưới, hạn chế làm cua bị sốc nước, giúp giữ độ tươi ngon khi đến tay người
tiêu dùng. Chính những yếu tố này giúp cua Cà Mau có chất lượng vượt trội, trở
thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.
Anh Thuận nói thường chọn cua giống từ tự
nhiên hoặc từ trại giống. Nhà anh không dùng thức ăn công nghiệp. Ngoài thức ăn
người nuôi chuẩn bị, cua tự kiếm mồi như cá nhỏ, động vật phù du, lá cây mục,
sinh vật đáy... Người ta nói việc này giúp thịt cua chắc, thơm và ngọt tự
nhiên.
“Với tôi, cua Cà Mau là loại cua ngon nhất
thế giới”, anh chàng người Nhật nói. Keisuke cho hay đã được thưởng thức nhiều
loại cua ngon ở Nhật, Malaysia, Trung Quốc… “Tôi cũng đã ăn món cua lông Thượng
Hải nổi tiếng. Nhưng nói thật là không so được với cua Cà Mau”, Keisuke nói bằng
tiếng Anh, lâu lâu chêm vào bập bẹ vài từ tiếng Việt.
Với tôi, đó là cơ hội hiếm hoi được ăn đặc
sản Cà Mau “tại vườn”, ngay tại nơi sản sinh ra chúng. Ít nhất thì từ giờ tôi
đã có cơ sở để so sánh chất lượng cua Cà Mau với nhiều vùng khác, và sẽ không dễ
để mấy tay bán cua nơi khác “lòe” mình đó là cua Cà Mau.
Hơn 10.000 người, đặc biệt là phụ nữ dễ bị tổn thương, tại Ninh Thuận và Cà Mau đã cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và sinh kế thông qua dự án do UN Women và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc, show diễn “Huyền tích U Va” đã tái hiện huyền tích lịch sử và các vũ điệu dân gian độc đáo, văn hóa dân gian dân tộc Thái gắn với điểm đến du lịch của Điện Biên.
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thúy Hằng chia sẻ, cô từng muốn can thiệp thẩm mỹ khuôn mặt nhưng tất cả chỉ dừng lại ở suy nghĩ chứ chưa dám quyết định.