Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cuộc đua 'tay đôi' của đại gia bán lẻ FRT và Thế Giới Di Động

Thứ tư, 07/05/2025 06:25 (GMT+7)

FRT Retail (FRT) và Thế Giới Di Động (MWG) từng cạnh tranh nhau trong lĩnh vực hàng công nghệ. Thế nhưng thời thế thay đổi, cả hai đã chọn cho mình con đường khác nhau. Nếu như FRT đang đẩy mạnh cho chuỗi nhà thuốc và dần bổ sung thêm mảng xét nghiệm, vắc xin, thì MWG có động lực tăng trưởng từ chuỗi Bách Hoá Xanh và chuỗi Era Blue tại thị trường Indonesia.

Khởi đầu năm mới 2025, hai ông lớn ngành bán lẻ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) và CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã có một quý kinh doanh khả quan, bất chấp dự báo ban đầu sức mua suy giảm.

FRT lãi gấp 3 lần cùng kỳ, chuỗi Long Châu là động lực chính

Cụ thể trong quý I/2025, FRT ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.670 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty và giúp FRT hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu năm.

Hiện tại, FRT đang có hai chuỗi cửa hàng chính là chuỗi nhà thuốc Long Châu và chuỗi điện tử FPT Shop.

Động lực tăng trưởng chính trong quý đầu năm của FRT tiếp tục đến từ chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.

Trong quý I, Long Châu đem về 8.054 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 46% so với cùng kỳ 2024 và chiếm tới 69% tổng doanh thu của FRT. Tính tới cuối quý I/2025, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã nâng số cửa hàng hàng lên 2.022 cửa hàng, đồng thời ghi nhận doanh thu trung bình đạt mức 1,3 tỷ đồng/nhà thuốc/tháng.

Trong khi đó, chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ FPT Shop đóng góp 3.682 tỷ đồng doanh thu trong bối cảnh chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ của người dân đang giảm sút. FPT Shop hiện vẫn đang tiếp tục chiến lược tối ưu hoạt động vận hành và tái cơ cấu danh mục tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, doanh thu online của FPT Retail tăng trưởng 38% so với cùng kỳ, đạt mức 2.146 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp cả quý của FRT tăng trưởng 29% đạt 2.325 tỷ đồng, duy trì mức biên lãi gộp quanh 20%. Khấu trừ chi phí, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 273 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 30% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp lý giải doanh thu công ty mẹ tăng nhờ tối ưu hóa vận hành chuỗi FPT Shop, song song với việc mở rộng hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng để cải thiện doanh thu trong kỳ.

Nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, tổng tài sản của doanh nghiệp cũng được mở rộng thêm 800 tỷ đồng lên mức hơn 16.600 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng được làm dày thêm với 4.272 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.200 tỷ so với đầu năm.

Chuỗi nhà thuôc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng cho FRT trong những năm gần đây. Ảnh: Long Châu

Năm nay, FRT đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 48.100 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, cao hơn 71% so với kết quả năm 2024. Nếu đạt được đây đều là các con số cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Vốn dĩ mảng dược phẩm của FRT những qua đã mang về lợi nhuận tích cực cho tập đoàn. Thế nhưng đứng trước nhiều biến động kinh tế vĩ mô trong năm 2025, ban lãnh đạo đang xây dựng các kịch bản để phòng ngừa và việc bóc tách con số Long Châu là rất khó.

Chủ tịch Nguyễn Bạch Diệp chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên vừa rồi: "Chúng tôi vẫn tiếp tục làm nhà thuốc, nhưng sẽ đến lúc nhà thuốc không còn là động lực chính, có thể đưa thêm các sản phẩm có lợi nhuận cao vào kinh doanh.

Nhưng rồi đến lúc tăng trưởng chậm đi, khi đó những "cánh hoa trắng" sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận chung. Ngoài nhà thuốc, thương mại điện tử, tiêm chủng, hướng tiếp theo trong quá trình mở rộng được chúng tôi đánh giá dễ tiếp cận nhất là mảng xét nghiệm".

MWG báo lãi cao thứ hai trong lịch sử hoạt động

Với CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG), ba tháng đầu năm, MWG ghi nhận 36.135 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng tăng trưởng 71% so với cùng kỳ, đạt 1.546 tỷ đồng và là quý có lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau kỷ lục quý IV/2021.

Động lực giúp MWG báo lãi lớn quý I đến từ chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh.

Lũy kế quý I, tổng doanh thu của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đạt hơn 24.200 tỷ đồng, tăng 14% so với mùa cùng kỳ. Còn chuỗi Bách Hóa Xanh đạt hơn 11.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ.

Sự cải thiện mạnh mẽ về lợi nhuận của MWG đến từ nhiều yếu tố. Doanh thu tài chính tăng hơn 18% lên gần 700 tỷ đồng. Các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp được kiểm soát tốt, thậm chí giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết, trong đó có chuỗi điện máy EraBlue tại Indonesia, cũng có đóng góp tích cực hơn.

Riêng đối với hoạt động tài chính, MWG được coi là "tay chơi có tiếng". Tính tới cuối kỳ doanh nghiệp bán lẻ này nắm giữ 35.048 tỷ đồng tiền, tiền gửi ngân hàng và đầu tư khác, chiếm 48% quy mô tài sản. Đây cũng là con số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Trong đó các khoản tiền mặt, tiền gửi ghi nhận 22.773 tỷ đồng và 12.276 tỷ đồng là các khoản đầu tư vào trái phiếu và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm.

Ba tháng đầu năm, MWG thu về 637 tỷ đồng lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu, đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh của công ty.

Dù sở hữu lượng tiền mặt lớn song MWG vẫn đi vay với mức lãi suất thấp trong khi được hưởng lãi suất tiền gửi cao.

Tính tới cuối quý I dư nợ vay của MWG là 26.222 tỷ đồng, chiếm 36% nguồn vốn và hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn. Tổng chi phí lãi vay quý I là 323 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với khoản lãi tiền gửi, lãi đầu tư trái phiếu mà MWG thu về với 637 tỷ đống nói trên.

Năm 2025, MWG đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 30% so với năm 2024. Với kết quả quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hiện tại, giai đoạn mở rộng cửa hàng của MWG đã qua, tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài sẽ tập trung tăng trưởng trên nền tảng hiện hữu: hợp tác sâu với đối tác (familyship), mở rộng danh mục hàng hóa, tối ưu chỉ phí vận hành và đẩy mạnh bán hàng trả chậm để kích cầu.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT chia sẻ trong ĐHĐCĐ thường niên: "15 năm đầu, công ty phát triển bằng mở rộng kênh phân phối. Từ 2023, chúng tôi chuyển sang mô hình mới, phát triển trên quy mô và chất lượng sẵn có.

Trong 5 năm tới, "Chúng tôi dự báo ngành điện thoại, điện máy năm 2025 tăng trưởng nhẹ 5–8%. Chuỗi Thế Giới Di Động đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh và tham vọng nâng thị phần từ 50–60% hiện tại lên 70–80% vào năm 2030", Thành viên HĐQT MWG thông tin.

Chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động vẫn đem về doanh thu chính cho MWG, trong khi động lực tăng trưởng đến từ Bách Hoá Xanh. Ảnh: MWG

Tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu bán lẻ FRT và MWG

Trong báo cáo phát hành ngày 25/4 của Chứng khoán VPBank (VPS), các nhà phân tích cho rằng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của FRT nhờ vào sự đa dạng hoá kinh doanh và đẩy mạnh lĩnh cực chăm sóc sức khoẻ. Hiện Long Châu đang có cơ hội lớn mở rộng thị phần tiêm chủng. Công ty cũng đang khai thác thêm dịch vụ xét nghiệm, khám chữa bệnh, chăm sóc tại nhà và bảo hiểm.

VPS đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu FRT khoảng 194.000 đồng/cp với tiềm năng tăng giá khoảng 19%. Trong khi Chứng khoán SSI đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu FRT là 220.000 đồng/cp, tương đương tiềm năng tăng giá là 24%.

Đối với MWG, Chứng khoán SSI đưa ra giá mục tiêu là 74.000 đồng/cp (từ mức 69.000 đồng/cp).

Theo các nhà phân tích, các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 của MWG đến từ (1) chu kỳ thay mới điện thoại cùng với áp lực cạnh tranh suy giảm từ các đối thủ thương mại điện tử khi người bán có thể nâng giá bán cho người tiêu dùng cuối sau khi bị sàn tăng phí gần đây; (2) mở rộng mạng lưới cửa hàng và cải thiện biên lợi nhuận chuỗi cửa hàng bách hóa; (3) không phát sinh chi phí bất thường; và (4) chuỗi sản phẩm công nghệ và điện máy tại Indonesia, chuỗi nhà thuốc và chuỗi mẹ và bé đều ghi nhận kết quả hoạt động tốt hơn.

Minh Hằng
Nguồn: sohuutritue.net.vn