Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cú sốc tăng phí sàn: Thương mại điện tử không còn là mảnh đất 'ai cũng có thể bán'

Thứ hai, 28/04/2025 07:08 (GMT+7)

Phí sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng mạnh khiến hàng nghìn nhà bán nhỏ “ngộp thở”. Nhiều người tính rời sàn, lập website riêng hay quay về Facebook, Zalo. Thị trường TMĐT bước vào cuộc thanh lọc khốc liệt giữa lúc luật còn nhiều khoảng trống.

Từ 1/4, ba “ông lớn” thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, TikTok Shop và Lazada đồng loạt nâng phí sàn. Trong đó, Shopee và TikTok Shop là hai nền tảng chiếm tới 97% thị phần giao dịch TMĐT, khiến bất kỳ thay đổi nào cũng tác động sâu rộng tới hàng trăm nghìn nhà bán hàng đặc biệt là nhóm cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ lẻ.

Người bán "lao đao"

Theo biểu phí mới, TikTok Shop đã điều chỉnh mức hoa hồng từ 1 - 3% lên 4 - 7,7%, tùy ngành hàng và loại gian hàng. Shopee thì tăng phí cố định lên tối đa 10% cho gian hàng thường, chưa kể phí thanh toán, phí hoàn trả hay phí vận hành. Trong khi đó, Lazada đã “ra đòn” từ tháng 2, nâng phí lên gần 4%, tạo hiệu ứng dây chuyền trên toàn thị trường.

Việc tăng phí khiến nhiều nhà bán hàng nhỏ rơi vào thế khó. Lê Phương Anh, chủ shop mỹ phẩm online lâu năm tại Hà Nội chia sẻ với PV: “Mỗi đơn lãi 10 - 15%, giờ phí chiếm gần hết. Tăng giá thì mất khách, giữ giá thì lỗ vốn. Tôi đang tính quay về bán trên Facebook và Zalo để kiểm soát chi phí”.

Các sàn TMĐT đồng loạt điều chỉnh biểu phí mới từ ngày 1/4.

Cùng quan điểm với Phương Anh, anh Nguyễn Thanh Hưng, chủ shop thời trang tại TP HCM cho biết, phải cắt giảm sản phẩm bình dân, chỉ giữ lại các mặt hàng cao cấp để đủ biên lợi nhuận. “Bán online từng là cách khởi nghiệp tiết kiệm, giờ lại thành bài toán đau đầu. Tôi đang suy tính có nên đầu tư vào website riêng để thoát khỏi phụ thuộc vào sàn TMĐT hay không”, anh Hưng chia sẻ.

Không chỉ người bán, người tiêu dùng cũng đang cảm nhận rõ làn sóng tăng giá. Nguyễn Minh Long, nhân viên văn phòng tại Hà Nội bày tỏ: “Trước tôi mua đồ gia dụng online vì rẻ hơn siêu thị, giờ giá tương đương mà còn phải chờ ship. Có khi ra ngoài mua cho nhanh, chọn trực tiếp có khi mua được nhiều đồ hơn”.

Chị Lê Thảo, nội trợ tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi thường săn voucher mua bỉm sữa trên TikTok Shop, nhưng giờ phí cao, mã giảm ít, mua chẳng lợi bao nhiêu. Giờ tôi thấy đặt trên facebook và instagram giá cũng khá tốt và nhiều ưu đãi, thời gian vừa rồi tôi cũng chuyển qua nền tảng khác để mua sắm”.

Thống kê về các sản phẩm có nhu cầu mua sắm cao trên sàn TMĐT của Metric.vn. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh áp lực chi phí, nhiều nhà bán hàng nội địa còn lo ngại sự cạnh tranh thiếu công bằng từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Anh Trần Nhật Quang, chủ một cửa hàng đồ máy tính công nghệ tại Hà Nội than: “Hàng nội bị ép giá thấp hơn cả chi phí sản xuất, trong khi hàng ngoại được ưu ái hiển thị và phí thấp hơn. Không có chính sách bảo vệ thì doanh nghiệp Việt chết dần”, anh Quang nói.

Thực tế, theo dữ liệu từ Metric, Shopee đã mất hơn 88.000 gian hàng chỉ trong năm 2024, trong khi TikTok Shop cũng giảm hơn 15.500 shop, dù ngành TMĐT vẫn được đánh giá là “bùng nổ”. Điều này cho thấy một nghịch lý: Số lượng người bán suy giảm ngay trong giai đoạn tăng trưởng, do sức ép cạnh tranh và chi phí tăng vọt.

Đại diện Shopee lý giải, việc điều chỉnh biểu phí đã được “cân nhắc kỹ lưỡng” dựa trên xu hướng tiêu dùng, nhu cầu cải thiện trải nghiệm và đầu tư cho hệ sinh thái bền vững. “Người dùng ngày càng yêu cầu cao về dịch vụ, sản phẩm, logistics… Shopee cần tăng phí để tái đầu tư vào công nghệ, tiếp thị, hỗ trợ vận chuyển và chiến dịch bán hàng”.

Một số chương trình hỗ trợ đi kèm được Shopee công bố bao gồm, ưu đãi phí vận chuyển, livestream cùng KOLs, quảng cáo có mục tiêu, tiếp thị liên kết, hỗ trợ phân phối nông sản và mở rộng ra các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philippines…

TikTok Shop cũng đưa ra thông điệp tương tự, cho rằng việc tăng phí là cần thiết để nâng cao hiệu quả vận hành và tối ưu hoá kênh bán hàng.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết: “Chúng tôi điều chỉnh biểu phí theo định kỳ nhằm cân bằng quyền lợi giữa người mua và người bán. Bên cạnh đó, TikTok cam kết nâng cao năng lực cho các nhà bán hàng địa phương thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu”.

Cuộc chơi đã thay đổi

Trong thời điểm các sàn TMĐT đồng loạt điều chỉnh biểu phí, giới chuyên gia cảnh báo rằng "cánh cửa" dành cho nhà bán nhỏ lẻ đang ngày càng hẹp lại. Một mặt hàng tiêu dùng nhanh hiện đang phải gánh tổng mức phí dao động từ 19,5% đến 21,5%, chưa kể đến chi phí quảng cáo, khuyến mãi, vận chuyển, thuế... Tổng cộng, con số này có thể đội lên tới 45 - 50% giá bán, mức giá mà chỉ những thương hiệu lớn mới có đủ nguồn lực để gồng gánh.

“Thời kỳ vàng son của nhà bán hàng nhỏ lẻ đang dần trôi qua”, các chuyên gia nhận định. Các sàn TMĐT đang tái cấu trúc cuộc chơi, chuyển hướng ưu tiên sang các shop mall, thương hiệu lớn và gian hàng chính hãng. Đối với nhà bán hàng cá nhân, đây là thời điểm cần nhìn lại chiến lược: Tinh gọn vận hành, cắt giảm các sản phẩm rủi ro và nếu có thể, hãy đầu tư phát triển thương hiệu riêng hoặc xây dựng kênh bán độc lập.

Điều này cũng được Metric đề cập trong báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu quý 1/2025. Metric nhận định, thị trường đang phân hóa rõ nét khi phần lớn shop nhỏ lẻ dần rời bỏ thị trường, trong khi các nhà bán lớn mở rộng quy mô.

Theo đó, quý I/2025 ghi nhận số lượng shop đạt doanh số cao lại tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhóm shop có doanh số trên 50 tỷ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, sự sụt giảm mạnh về số lượng shop có phát sinh đơn hàng, giảm hơn 38.000 shop so với cùng kỳ.

Báo cáo nhận định, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng ngày càng nghiêng về mô hình gian hàng chính hãng (Shop Mall), biến nhóm này thành động lực tăng trưởng trọng yếu của các sàn TMĐT. Điều này cho thấy, phần thắng đang dần nghiêng về các nhà bán hàng lớn với quy mô và năng lực vận hành vượt trội.

Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra, hiện các shop ngoại quốc đang trở thành áp lực đối với các nhà bán nội địa trên nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, trên Shopee, trong quý I/2025 nhóm hàng nhập khẩu đạt doanh số 3,6 ngàn tỷ đồng với hơn 80 triệu sản phẩm bán ra, tăng lần lượt 12,2% về doanh số và gần 7,2% về sản lượng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng TMĐT vẫn là một kênh bán hàng hiệu quả nếu người bán biết cách tối ưu chi phí và chiến lược. Cuộc chơi đã thay đổi, TMĐT không còn là mảnh đất “ai cũng có thể bán”, mà đã trở thành sân chơi cho những người chuyên nghiệp, bài bản và có tầm nhìn dài hạn.

Metric dự báo doanh số sàn TMĐT năm 2025. (Ảnh chụp màn hình)


Theo các chuyên gia từ Metric, để thích ứng với môi trường ngày càng khắc nghiệt trên sàn TMĐT, đòi hỏi các nhà bán hàng không chỉ duy trì sản phẩm tốt mà còn phải liên tục đổi mới, linh hoạt và có chiến lược rõ ràng hơn.

Đồng thời, cần chủ động phát triển các dòng hàng thông minh, đa năng, có khả năng tùy chỉnh cao hoặc ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, cần tối đa hóa các giải pháp hệ thống tự động trong quy trình chăm sóc khách hàng, quản lý bán hàng hay phân tích dữ liệu. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn hỗ trợ vận hành hiệu quả hơn. Việc triển khai mô hình kinh doanh đa kênh cũng được các chuyên gia Metric khuyến nghị.

Mặt khác, đại diện Metric cho rằng, để cạnh tranh với các shop ngoại nhập, các nhà bán nội địa buộc phải nâng cao chất lượng và có chiến lược định giá. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế về tốc độ giao hàng, hiểu thị trường để vững được thị phần.

Công Thành
Nguồn: sohuutritue.net.vn