3 tác phẩm văn học châu Á dành cho giới trẻ

Thứ năm, 26/04/2018, 15:56 PM

Nhắc đến văn học châu Á, mọi người và đặc biệt là giới trẻ thường nghĩ ngay đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc mà bỏ quên Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Trong bối cảnh hội nhập, việc tìm hiểu về văn hoá của các nước cùng khu vực là một điều cấp thiết. Giới trẻ Việt Nam sẽ dễ dàng nắm bắt suy nghĩ, lối sống của những người trẻ ở các nước bạn thông qua các tác phẩm văn học tưởng chừng xa lạ mà rất đỗi thân quen.

Chiến binh cầu vồng - Andrea Hirata

Được xem là tác phẩm văn học hiện đại có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Indonesia. “Chiến binh cầu vồng” là câu chuyện về ngôi trường tiểu học Muhammadiyah đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không đủ chỉ tiêu mười học sinh trong ngày khai giảng. Trong thời khắc quyết định cuối cùng, cậu bé thiểu năng trí tuệ Harun xuất hiện trở thành học sinh thứ 10 đã cứu lấy ngôi trường làng là tâm huyết cả đời của thầy hiệu trưởng Harfan, cũng như khao khát được đứng trên bục giảng của cô giáo trẻ Mus mới vừa 15 tuổi và ước muốn được đi học của những đứa trẻ nghèo khó mong muốn đổi đời bằng con chữ.

“Chiến binh cầu vồng” là bài học đắt giá bởi đó là cuộc chiến giữa giàu - nghèo, thiện – ác,con đường chinh phục tri thức và những rung động đầu đời trong sáng ngây thơ của lứa tuổi học trò đi kèm với băn khoăn của những người mong muốn phát triển giáo dục một cách toàn diện.

Chai thời gian – Prabhassorn Sevikul

Tiểu thuyết bestseller của thế hệ học sinh, sinh viên Thái Lan vào thập niên 70. Trải qua hơn 40 năm tồn tại, không những không cũ kĩ mà ngược lại vẫn mang đến cho người đọc một cảm giác rất gần gũi, chân thật với cuộc sống hiện tại của những người trẻ. “Chai thời gian” là cuốn tiểu thuyết viết về tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu tuổi học trò xung quanh câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Nat cùng nhóm bạn Jom, Eik, Chai , Porm và cô em gái Ning. Họ là những người rất trẻ mang trong mình những hoài bão, khát khao nhưng lại bị rơi vào những lưng chừng vô định, không biết phải thoát ra bằng cách nào.

Người đọc như tìm thấy chính mình trong đó, ai rồi cũng phải có những lúc loay hoay với số phận, cố gắng tìm cho mình một lối ra, có người thành công, có người thất bại và đánh rơi tuổi trẻ của chính mình. Đoạn kết của “Chai thời gian” là khúc quanh của cảm xúc, là luyến tiếc, là mãn nguyện nhưng chung quy thông điệp tác phẩm muốn gửi gắm đến độc giả là hãy sống trọn với thanh xuân, tuổi trẻ hãy làm những việc cần phải làm mà không phải chần chừ hay do dự. Bởi thời gian là thứ vô hình trôi qua trong chớp mắt không chờ đợi hay dành riêng cho bất kì ai.

Ba chàng ngốc - Chetan Bhagat

Chetan Bhagat - nhà văn Ấn Độ, sách của ông thường đạt vị trí bestseller và nhiều quyển được chuyển thể thành phim của Bollywood, ông được tờ The New York Times gọi là: “Tiểu thuyết gia viết tiếng Anh bán chạy nhất lịch sử Ấn Độ”; tạp chí Times đưa vào danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới”. “Ba chàng ngốc” là một trong những tác phẩm có sức ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi Ấn Độ mà lan rộng đến nhiều nước trên thế giới, vượt qua phạm vi ngôn từ, bộ phim chuyển thể cùng tên phá mọi kỷ lục của phòng vé trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại.

Ba chàng trai Hari, Alok, Ryan là sinh viên của Học viện Kỹ thuật Ấn Độ (IIT) - một trong những ngôi trường danh giá nhất Ấn Độ - nhưng ho không đại diện cho hình tượng người sinh viên mẫu mực, chăm chỉ học hành. Họ là những người có điểm số thấp “lè tè”, quậy phá, gian lận và nổi loạn. Điều mà độc giả thấy ở họ là một tình bạn gắn kết, đồng sức đồng lòng trước sóng gió, sự kính trọng thầy giáo, sự hi sinh cho gia đình và chân thành với người mình yêu thương. Đó là những giá trị nhân văn, nhân bản mà con người trong cuộc sống hiện đại đang dần mất đi, đọc “Ba chàng ngốc” để chiêm nghiệm, sau những gì thuộc về thành tựu thì “tình cảm” là thứ văn minh nhất của con người.

Đức Tiến

Theo NTD

largeer