Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Đại chiến Coca-Cola và Pepsi: Kẻ cười người khóc vì thuế quan

Thứ tư, 23/04/2025 13:31 (GMT+7)

Thuế quan của Tổng thống Donald Trump viết lại cục diện "Cuộc chiến Coca-Cola và Pepsi", PepsiCo gánh thêm 10% chi phí, Coca-Cola hưởng lợi bất ngờ.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đối tác toàn cầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, với việc liên tục áp đặt và tăng thuế quan, không chỉ tác động đến các ngành công nghiệp truyền thống như thép, nhôm, mà còn bất ngờ tạo ra sóng gió mới trong lĩnh vực thị trường đồ uống có ga, đặc biệt là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hai gã khổng lồ Coca-Cola và PepsiCo. Trong bối cảnh chính sách thuế quan mới, Coca-Cola đang có lý do để cười tươi, trong khi PepsiCo phải "khóc thét" vì đối mặt với gánh nặng chi phí mới.

Theo truyền thông Mỹ, điểm mấu chốt nằm ở nguồn gốc sản xuất của các nguyên liệu cốt lõi. Đối với PepsiCo, phần lớn dung dịch si-rô cô đặc - thành phần quan trọng nhất để sản xuất nước giải khát, lại được sản xuất tại Ireland. Quốc gia châu Âu này đã trở thành một trong những mục tiêu của chính sách thuế quan mới của Mỹ. Hầu như toàn bộ si-rô cô đặc cô đặc Pepsi được tiêu thụ tại thị trường Mỹ đều được nhập khẩu từ nhà máy tại Ireland. Đáng chú ý, trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu chịu thuế bổ sung gần đây nhất của Mỹ, các sản phẩm như si-rô cô đặc này sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung lên tới 10%.

Pepsi gặp bất lợi rõ ràng vì chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Ảnh: AI

Điều này đặt PepsiCo vào một tình thế bất lợi rõ rệt so với đối thủ truyền kiếp Coca-Cola. Ngược lại với PepsiCo, Coca-Cola chủ yếu sản xuất si-rô cô đặc cho thị trường Mỹ tại các nhà máy ở Atlanta (bang Georgia, Mỹ) hoặc tại lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ. Do đó, trong ngắn hạn, Coca-Cola sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế quan mới của chính quyền Trump, giúp hãng này có lợi thế cạnh tranh về chi phí.

Trên bình diện toàn cầu, Coca-Cola và PepsiCo đã thống trị thị trường đồ uống không cồn suốt gần một thế kỷ, chiếm khoảng 20% thị phần. Vị thế hai hãng này chưa bao giờ bị thách thức nghiêm trọng bởi bất kỳ đối thủ nào khác. Tuy nhiên, trên chính sân nhà Mỹ, PepsiCo trong những năm gần đây đã chứng kiến sự sụt giảm thị phần đáng kể. Trong cuộc chiến tranh giành thị phần, PepsiCo không chỉ bị Coca-Cola bỏ xa, mà thậm chí còn bị đối thủ khác là Dr Pepper vượt qua vào năm ngoái, đẩy PepsiCo xuống vị trí thứ ba trên thị trường đồ uống có ga tại Mỹ.

Việc phải gánh thêm 10% thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu cốt lõi từ Ireland được ví như "gáo nước lạnh" đổ thêm vào tình hình kinh doanh vốn đã khó khăn của PepsiCo tại thị trường Mỹ. Việc PepsiCo chọn Ireland làm trung tâm sản xuất si-rô cô đặc từ năm 1974 chủ yếu là do môi trường thuế doanh nghiệp ưu đãi tại đây. Tuy nhiên, quyết định chiến lược này giờ đây lại trở thành điểm yếu chí mạng khi chính sách thuế quan của Mỹ thay đổi.

Tác động của chính sách thuế quan này đối với PepsiCo không chỉ dừng lại ở chi phí sản xuất tăng cao. Nó còn ảnh hưởng đến chiến lược giá cả, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của hãng này tại thị trường quan trọng nhất của mình. Trong khi Coca-Cola có thể giữ giá ổn định hoặc thậm chí điều chỉnh nhẹ để gia tăng sức cạnh tranh, PepsiCo sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí thuế, điều này có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn, hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì thị phần, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của công ty.

Tình hình này đã nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội, đặc biệt tại Trung Quốc, hashtag "#CocaCola笑死了PepsiCola哭了" (Coca-Cola cười bò, PepsiCola khóc thét) lan truyền mạnh mẽ trên Weibo, phản ánh sự chú ý của dư luận trước diễn biến bất ngờ trong cuộc "đại chiến" giữa hai thương hiệu đồ uống toàn cầu.

Mặc dù thuế suất 10% có vẻ không quá lớn, nhưng đối với một ngành có biên lợi nhuận đã được tối ưu hóa như sản xuất đồ uống có ga và với quy mô thị trường khổng lồ của Mỹ, khoản thuế bổ sung này có thể gây ra tác động đáng kể. Nó buộc PepsiCo phải xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng và chiến lược sản xuất của mình, có thể phải tính đến việc chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất si-rô cô đặc phục vụ thị trường Mỹ về lại lãnh thổ Mỹ hoặc các quốc gia không bị áp thuế, một quá trình tốn kém và mất thời gian.

Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump, vốn ban đầu được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nặng, đang cho thấy những tác động lan tỏa và bất ngờ đến cả những ngành công nghiệp tiêu dùng. Trong trường hợp của "Cuộc chiến Coca-Cola và Pepsi", nó đã tạo ra một bước ngoặt mới, mang lại lợi thế cho Coca-Cola và đặt PepsiCo vào một tình thế khó khăn, buộc PepsiCo phải tìm cách thích ứng để không bị tụt lại quá xa trong cuộc đua giành thị phần đầy cam go.

Lê Nguyên
Nguồn: sohuutritue.net.vn