Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Xuất khẩu giảm, nhập khẩu chững, Việt Nam vẫn giữ lợi thế thương mại

Thứ ba, 11/02/2025 11:43 (GMT+7)

Tháng 1/2025, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD, nhưng thương mại giảm do kỳ nghỉ Tết. Mỹ vẫn là thị trường chủ lực, song rủi ro phòng vệ thương mại gia tăng. Chuyên gia khuyến nghị cần đa dạng hóa thị trường, tăng nhập khẩu công nghệ.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,2 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2024. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt hơn 30 tỷ USD, giảm 14,1% theo tháng và giảm 2,6% theo năm. Nhờ đó, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong tháng đầu năm.

Lý giải về sự sụt giảm này, trao đổi với PV, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho biết, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 rơi vào tháng 1, trong khi năm ngoái nghỉ Tết vào tháng 2, khiến hoạt động xuất nhập khẩu có sự chênh lệch.

Mỹ tiếp tục là thị trường chủ đạo của Việt Nam trong xuất khẩu các loại mặt hàng giày dép, dệt may, điện tử, gỗ,...

Đánh giá về hoạt động xuất khẩu thời gian qua, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 9,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ chỉ 1,3 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 8,5 tỷ USD sang thị trường này, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng cho các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ, thủy sản, nông sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng siết chặt.

“Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị cảnh báo về gian lận thương mại, dẫn đến các biện pháp kiểm soát khắt khe hơn,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Mở rộng thị trường để tránh “cú sốc” thương mại

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 786 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong đó, xuất khẩu chiếm gần 406 tỷ USD, tăng 14,3%. Năm 2025, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12%.

Một tín hiệu tích cực là số đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đang tăng trở lại với các ngành gỗ, dệt may, da giày. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu.

Việt Nam hiện tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cơ hội tiếp cận hơn 60 thị trường toàn cầu. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là lợi thế lớn giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một đối tác duy nhất, từ đó hạn chế rủi ro nếu có biến động về chính sách thương mại.

Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là máy móc, công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất sản xuất trong nước.

“Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu thêm hàng tiêu dùng, thậm chí máy bay và phương tiện dân dụng, nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ,” ông Thịnh nhận định.

Theo Xuân Đoàn (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn