Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Vụ nữ sinh bị đánh và bắt quỳ xin lỗi: Tha thứ để nhận lại cái giá quá đắt

Thứ bảy, 22/02/2025 17:00 (GMT+7)

Người mẹ chia sẻ:"Con gái tôi đã là nạn nhân của một vụ đánh hội đồng của một năm trước. Khi đó, tôi bỏ qua vì nghĩ các cháu còn nhỏ. Nhưng vì thế tôi đã không bảo vệ được chính con gái của mình".

Những ngày qua, câu chuyện chị T.T.T.T (Hà Nội) bảo vệ con trước bạo lực học đường thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về vấn nạn nhức nhối này.

“Là một người mẹ, mang nặng đẻ đau, nuôi con suốt 17 năm trời, cầm trên tay chiếc điện thoại và xem video con mình bị bạo lực, đầu tôi như trống rỗng. Mắt tôi cay xè, mọi thứ nhòe đi từ lúc nào không hay. Tôi sụp đổ hoàn toàn. Tôi không xứng đáng làm một người mẹ tốt khi con mình gặp nguy hiểm mà tôi chẳng thể bảo vệ, để mọi chuyện đi xa hơn.” Chị T xót xa chia sẻ về “kiếp nạn” của con gái.

Hình ảnh cắt từ video đánh hội đồng được chị T chia sẻ. Ảnh: NVCC

Chị cho biết, khoảng một năm trước, con gái mình từng bị đánh hội đồng, bị ép quỳ dù không rõ lý do. Dù đau đớn, chị quyết định bỏ qua, tin rằng những đứa trẻ kia còn quá nhỏ và vẫn có cơ hội sửa sai.

“Cùng là cha mẹ, khi gia đình của kẻ đánh con tôi gọi điện xin cơ hội cho con họ, tôi đã mềm lòng. Nhưng tôi nào ngờ đó lại trở thành cái cớ để lũ trẻ tiếp tục sai phạm, khiến con tôi tổn thương thêm một lần nữa” - những lời tâm sự đầy day dứt của chị T không chỉ phản ánh nỗi đau của một bậc phụ huynh mà còn đặt ra câu hỏi lớn: Cha mẹ nên giáo dục con thế nào? Và liệu có nên nhân nhượng với cái gọi là sự nông nổi tuổi niên thiếu, khi chỉ có pháp luật mới đủ sức răn đe, giúp những đứa trẻ ấy nhận ra hậu quả từ hành vi sai trái của mình?

Chỉ vì chuyện tình cảm bồng bột

Mới đây, nữ sinh T tiếp tục bị nhiều người đánh hội đồng tại ba địa điểm khác nhau. Không chỉ bị đánh đập, lăng mạ, em còn bị quay video rồi tung lên mạng. Theo chị T, nguyên nhân xuất phát từ một hiểu lầm tình cảm: một nam sinh thích T, nhưng lại là "người trong mộng" của kẻ bắt nạt. Dù T khẳng định không có tình cảm với nam sinh đó, nhóm bạn vẫn coi đây là lý do để trừng phạt em.

"Con tôi bị dồn vào đường cùng. Trong video, rất đông người vây quanh, đấm đá, thậm chí dùng mũ bảo hiểm đập vào đầu con bé. Tôi không chịu nổi, phải nhắm mắt lại, không dám xem tiếp. Những người chứng kiến kể rằng, nếu không có ai kịp ngăn cản, con tôi có thể đã bị ném xuống hồ nước dù cháu không biết bơi và đang đầy thương tích. Nếu điều đó xảy ra thì sao? Nếu con tôi vùng vẫy trong tuyệt vọng thì sao? Nếu con tôi không còn trên đời thì sao?" – chị T đau xót và phẫn nộ.

Những vết tích của vụ bạo lực để lại trên người nữ sinh. Ảnh: NVCC

Sau khi sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội, chị T nhận được nhiều sự đồng cảm và động viên. Một luật sư cũng đã liên hệ, sẵn sàng hỗ trợ miễn phí để đưa vụ việc ra pháp luật.

Chia sẻ với phóng viên, chị T cho biết tình trạng sức khỏe của con gái sau khi đi khám: “May mắn, con không bị tổn thương quá nghiêm trọng về thể chất, chủ yếu là trầy xước, chảy máu và bầm tím.”

Có thể bị xử lý hình sự

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định: "Dựa trên thông tin vụ việc, hành vi hành hung và ép nữ sinh quỳ xin lỗi có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Mức phạt cho tội danh này có thể từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, nếu có hành vi ép nạn nhân quỳ xin lỗi từng người, đây có thể bị xem xét là tội làm nhục người khác theo Điều 155 cùng bộ luật. Hình phạt có thể bao gồm cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm."

Xét đến độ tuổi của các đối tượng liên quan, luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Theo quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ trường hợp được Bộ luật quy định khác. Đồng thời, mức phạt tù đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có những giới hạn nhất định: Nếu điều luật áp dụng có mức phạt tù chung thân hoặc tử hình, mức cao nhất đối với người chưa thành niên không quá 18 năm tù. Nếu là tù có thời hạn, mức phạt cao nhất không vượt quá ba phần tư mức phạt tối đa mà điều luật quy định (Trích Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).

Ngoài ra, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 1 năm đến 2 năm theo quy định từ Điều 92 đến Điều 97 (Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngày 20-2, Công an quận Hoàng Mai cho biết, đơn vị đã tạm giữ hình sự NPA (17 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) và ĐMD (17 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) vì liên quan đến vụ nữ sinh bị đánh, bắt quỳ gối ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Trước đó, ngày 16-2, Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai tiếp nhận tin trình báo của gia đình chị T (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc con gái mình là NVAT (17 tuổi) bị một số người đánh vào ngày 15-2.

Ngay sau khi tiếp nhận trình báo, Công an quận Hoàng Mai đã khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ những người liên quan vụ việc.

Theo Minh Anh, Quỳnh Chi (Tạp chí Lao động&Xã hội)
Nguồn: tapchilaodongxahoi.vn