Số vụ hàng giả phát hiện qua luồng xuất nhập khẩu tăng
Số vụ hàng xuất khẩu, nhập khẩu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) do ngành Hải quan phát hiện mỗi năm một tăng đã đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chống buôn lậu tại cửa khẩu.
Theo đánh giá của ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT (Đội 4)- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình hình buôn lậu hàng giả, hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nguồn gốc xuất xứ trong thời gian qua diễn biến phức tạp.
Số vụ vi phạm bị phát hiện mỗi năm một tăng. Chẳng hạn, năm 2020, ngành Hải quan phát hiện 42 vụ việc về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Trong đó, ra quyết định khởi tố vụ án 2 vụ, chuyển tin báo về tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ.
Năm 2021, số vụ việc phát hiện tăng lên 53 vụ, trị giá tang vật vi phạm 22,753 tỷ đồng.
Năm 2022, lực lượng Hải quan cả nước đã phát hiện 65 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng gian lận xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, trị giá tang vật vi phạm ước tính 44,147 tỷ đồng.
Năm 2023 toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ xử lý trên 60 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng gần 32,686 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến căc mặt hàng tiêu dùng như quần áo, dầy dép, túi sách, thắt lưng, thuốc lá, hàng tiêu dùng là điện tử… Nhãn hiệu bị xâm phạm: LV, Gucci, Nike, Chanel, Adidas, Hermes,…
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 42 vụ việc liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả,… trị giá hàng hóa ước tính 9,229 tỷ đồng.
Điển hình có những vụ vi phạm phát hiện, xử lý với số lượng hàng vi phạm lớn, như: hàng trăm nghìn bao thuốc lá giả, hàng chục nghìn sản phẩm vòng bi công nghiệp giả, hàng nghìn sản phẩm phụ kiện điện thoại giả, túi xách giả, … số sản phẩm này nếu tiêu thụ trót lọt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng và an toàn lao động và gây thiệt hại về vật chất cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp …
Theo lãnh đạo Đội 4, thách thức đáng quan tâm nhất hiện nay là tình trạng vi phạm qua lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn. Ngoài ra, rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và thư tài liệu.
Việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên sàn thương mại điện tử ngay cả một số nước phát triển có hệ thống máy móc, thiết bị kiểm tra tiên tiến, hiện đại cũng đang gặp khó khăn. Ở Việt Nam tuy đã được Nhà nước đầu tư, quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế về máy móc, thiết bị kiểm tra, chưa kể đến các quy định của pháp luật đối với việc quản lý kinh doanh thương mại điện tử vẫn đang từng bước được bổ sung hoàn thiện.
Đối với đường XNK chính ngạch, lợi dụng chính sách thông thoáng các đối tượng khai sang tên hàng khác hoặc không khai báo, trà trộn hàng xâm phạm quyền SHTT lẫn với hàng hóa nhập khẩu có khai báo để che giấu, né tránh trong trường hợp lô hàng kiểm tra theo tỷ lệ 10%, 15%,… hoặc nhập khẩu hàng là linh kiện, các bộ phận tháo rời không có nhãn hiệu, sau đó về lắp ráp, in nhãn giả ở Việt Nam dán lên sản phẩm…
Hiện lực lượng chống buôn lậu ngành Hải quan đang triển khai chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia; chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan… thực hiện các giải pháp cao điểm trong thời gian trước, trong và sau Tết nhằm ngăn chặm kịp hàng lậu, hàng giả.
-
Hàng không triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết
-
Thông báo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và 2/2025
-
Thủ tướng yêu cầu trình Quốc hội dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng trong tháng 2
-
Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội
-
Phát hiện kho mỹ phẩm vi phạm với số lượng lớn tại Bắc Giang
-
Quy định mức hỗ trợ Tết Nguyên đán 2025, cao nhất 10 triệu đồng/người