Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên: Vướng mắc ở đâu, khẩn trương tháo gỡ ngay tại đó
Thứ bảy, 22/02/2025 15:04 (GMT+7)
Đây là cuộc họp lần thứ 4 của Bộ Công Thương có nội dung liên quan tới dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu họp giao ban thường xuyên để tích cực triển khai nhanh chóng, rốt ráo, phát huy tinh thần "thần tốc" của đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối; giải quyết chi tiết và cụ thể hơn các nhiệm vụ phải làm và những vướng mắc từ các Bộ, ngành, địa phương, giúp chủ đầu tư hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên - Ảnh: VGP
Chiều 21/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên sẽ là một trong những công trình trọng điểm vừa đáp ứng việc giải tỏa công suất của các dự án điện khu vực Tây Bắc ở thời điểm hiện tại và tương lai, vừa sẵn sàng cho việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc khi Việt Nam có nhu cầu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong tháng 2/2025, chủ đầu tư Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phải triển khai khởi công dự án. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trước ngày 30/8/2025, đòi hỏi chủ đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phải triển khai các hoạt động một cách quyết liệt.
Khẩn trương vào cuộc
Báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An cho biết, dự án được EVN giao Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) thực hiện quản lý dự án, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng, điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5 km đi qua địa phận 4 tỉnh và 12 huyện. Tổng diện tích chiếm đất bởi chân móng cột điện là 63,03 ha, ảnh hưởng đến 2.189 hộ dân, trong đó có 248 hộ phải tái định cư.
Với tinh thần khẩn trương triển khai, công tác chuẩn bị hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án đã được hoàn thành. Vừa qua, ngày 7/2, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Ngay sau đó, EVN đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đầu tư xây dựng công trình.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, về phạm vi móng cột điện, tại 4 tỉnh dự án đi qua (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc), hạng mục công việc đo vẽ bản đồ địa chính đã hoàn thành 468/468 vị trí cột, đạt 100%; hạng mục cắm và bàn giao mốc, kiểm đếm đã hoàn thành trên 98% công việc.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, về phạm vi hành lang tuyến, đã hoàn thành cắm mốc, đo vẽ nhà ở, vật kiến trúc, đất ở cho 240/248 hộ dân, đạt tỷ lệ khoảng 97%. Tại các địa phương đang thực hiện công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Tuy nhiên, EVN cũng cho biết hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án hiện nay đang gặp vướng mắc: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của các huyện nếu phải triển khai thực hiện thủ tục, trình tự bồi thường theo đúng quy định của UBND các tỉnh sẽ mất nhiều thời gian (thời gian xác định giá đất cụ thể từ 2-3 tháng, thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường 30 ngày, thời gian bổ sung, hoàn thiện phương án bồi thường 60 ngày,…), nguy cơ không đáp ứng được tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 2/2025, cũng như có mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến ngay sau khi ký kết hợp đồng các gói thầu xây lắp.
Bên cạnh đó, quá trình quy chủ, thống kê kiểm đếm hành lang gặp vướng mắc tại một số khoảng cột (chủ sử dụng trên bản đồ địa chính và chủ sử dụng thực tế khác nhau; tọa độ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác với vị trí sử dụng)…
Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất đơn vị tư vấn phải tập trung đẩy nhanh công tác đo đạc địa chính, thực hiện quy chỉnh sớm để thực hiện được ngay. Đồng thời sớm bàn giao ranh giới hành lang liên tuyến của 4 xã tại tỉnh nhằm đảm bảo công tác kiểm đếm, đảm bảo tiến độ. Đối với hành lang tuyến, tỉnh Yên Bái chưa triển khai xong vì chưa bàn giao bản đồ, riêng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Về phương án tạm sử dụng rừng liên quan đến Vườn Quốc gia Tam Đảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu giải pháp, trước khi UBND tỉnh phê duyệt, cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Liên quan đến việc tái định cư cho người dân, hiện nay chỉ có 7 hộ dân có thể tái định cư tại chỗ. Còn lại chủ yếu cần tái định cư tập trung. Do đó, thời quan qua tỉnh Vĩnh Phúc đã rà soát tất cả quy hoạch đã có hạ tầng nhưng về cơ bản là hết sức khó khăn.
Trước kiến nghị của các địa phương, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, đây là công trình rất cấp bách, trọng điểm nên EVN sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn, chậm nhất ngày 28/2 những gì còn "nợ" liên quan đến bản đồ, đo đạc các tuyến sẽ hoàn thành gửi các tỉnh.
Về kinh phí và phương án chi trả bồi thường, lãnh đạo EVN cho hay, việc phê duyệt khung giá mới theo Luật đất đai sẽ có độ trễ nhất định, nên phía EVN đề xuất lấy đơn giá của tỉnh như một số tỉnh đang làm để tạm ứng, sau này tỉnh phê duyệt đất đai sẽ chính thức hóa và giải thích cho người dân sau này khi có đơn giá mới sẽ cập nhật thêm và trả tiếp.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận công tác chuẩn bị đầu tư, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác phê duyệt phương án bồi thường tái định cư thì mới có tỉnh Lào Cai cơ bản hoàn thành và các tỉnh còn lại đạt tỷ lệ còn rất thấp, đặc biệt tỉnh Phú Thọ.
Ngoài ra, việc chi trả bồi thường mới có tỉnh Lào Cai đạt được 98%, các tỉnh còn lại gần như chưa thực hiện. Trên toàn tuyến chưa bàn giao được vị trí móng cột nào, đây là vị trí quan trọng nhất để triển khai trên thực tế.
"Tất cả những việc trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cũng như chất lượng của công trình. Cho nên đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất cao mới có thể thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Để có thể đảm bảo hoàn thành Dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết liệt triển khai một số công việc trọng tâm sau:
Thứ nhất, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thi công; phát huy tinh thần của tỉnh Lào Cai và Vĩnh Phúc. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân trong khu vực Dự án đồng thuận, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bàn giao mặt bằng cũng như công tác thi công, bảo vệ dự án khi đi vào hoạt động.
Thứ hai, khẩn trương xem xét việc triển khai song song, đồng thời tất cả các công việc có liên quan để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi trả tiền cho người dân và vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng các vị trí móng trong tháng 02/2025. Hành lang tuyến đề nghị bàn giao trong tháng 3 với tinh thần khẩn trương quyết liệt, nghiêm túc và quyết liệt.
"Nếu vướng về cơ chế, về luật pháp Chính phủ và Quốc hội sẽ xem xét. Tất cả những việc có thể làm là cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đồng chí sẽ tổ chức triển khai. Đề nghị EVN khởi công trong tháng 2, sau ngày khởi công phải triển khai đồng thời trên tất cả những vị trí hố móng, vị trí móng cột và đã được địa phương bàn giao để hoàn thành càng sớm so với mốc 31/8 càng tốt, vì đây là công trình chào mừng Quốc khánh mùng 2/9", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ ba, chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác tận dụng, tận thu lâm sản để trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 2/2025 và làm các thủ tục liên quan thanh lý, đấu giá tài sản (nếu có) muộn nhất trước ngày 15/3.
Thứ tư, đề nghị UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND các huyện có văn bản chấp thuận vị trí bãi đổ thải trước ngày 10/3/2025 (huyện Lục Yên - Yên Bái; huyện Đoan Hùng và Thanh Ba - Phú Thọ; huyện Tam Đảo, Lập Thạch - Vĩnh Phúc).
Đối với EVN, Bộ trưởng đề nghị EVN khẩn trương quyết liệt để cùng với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi trả tiền cho người dân và tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công ngay khi có mặt bằng và đủ điều kiện.
Bộ trưởng đề nghị rút kinh nghiệm công trình đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối, khi việc chọn nhà thầu chính làm rất nhanh, nhưng lựa chọn nhà thầu phụ, nhất là nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị làm rất chậm hoặc lựa chọn một số nhà thầu năng lực chưa tốt. Dự án này đề nghị rút kinh nghiệm phải tính từ sớm, từ xa đề nghị EVN đề xuất sớm để dự phòng vật tư.
EVN cần tăng cường phối hợp các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác thi công, cũng như bảo vệ công trình.
Bên cạnh đó, EVN phải chuẩn bị sẵn các điều kiện, vật tư thiết bị phương tiện và nhân lực kinh phí giải phóng mặt bằng. Đề nghị phát huy tinh thần của đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối với phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ" để thực hiện tốt nhất công trình. Đồng thời, yêu cầu EVN lên lịch tiến độ thi công làm cơ sở cho việc triển khai tổ chức thực hiện, cũng là cơ sở để kiểm tra giám sát, đôn đốc thi công.
"Về những kiến nghị, đề xuất của các địa phương hôm nay đề nghị EVN sẽ tổng hợp và đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật xem vướng chỗ nào để kiến nghị Chính phủ và cần thiết kiến nghị với Quốc hội để có được chủ trương và cơ chế để thực hiện. Tinh thần vướng đâu thì gỡ đến đấy", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ và lưu ý, bắt đầu từ hôm nay giao ban 2 tuần/lần, cố gắng phản ánh những vấn đề vướng mắc của tiến độ dự án 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên để cùng tháo gỡ.
Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên là dự án rất quan trọng trong việc truyền tải điện mua từ Trung Quốc, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và phục vụ phụ tải tăng cao các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo. Đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2/2025, hoàn thành dự án trong 6 tháng kể từ khi khởi công.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án vừa ký Quyết định số 17/BCĐ ngày 12/2/2025 thành lập Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Avison Young Việt Nam cho biết, TP HCM năm 2025 có gần 80% sản phẩm ra mắt thuộc phân khúc cao cấp, giá từ 60 triệu đồng mỗi m2 trở lên. Điều này gây ra sự lệch pha lớn về cung - cầu toàn thị trường.
Chiều 7/2, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư vào các dự án gần 738 triệu USD.
"Khi tôi lên xe thì thấy người nằm la liệt, gãy chân gãy tay, người chết tại chỗ. Tôi cùng mọi người hô to xem ai còn sống thì lên tiếng hoặc cử động để có thể đưa đi cấp cứu trước”, anh Sơn kể lại.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, tình trạng công dân trên địa bàn xuất cảnh, lao động trái phép tại nước ngoài đã và đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Trong số công dân xuất cảnh lao động trái phép ở nước ngoài hiện nay, nổi lên tình trạng công dân xuất cảnh, lao động trái phép tại Campuchia.
Dự án bổ cập nước sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng đang được đẩy mạnh, kỳ vọng cải thiện môi trường, hồi sinh dòng sông. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả bền vững, cần một giải pháp tổng thể.
Bộ Công an phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (NAP WPS) giai đoạn 2024 - 2030.
Trên trang mạng xã hội đang lan truyền đoạn video bạo lực tại các sân bóng đá phong trào. Những va chạm trên sân cỏ phong trào xảy ra ngày một nhiều và có tính chất nguy hiểm hơn.