Sau chuyển giao bắt buộc: Ngân hàng yếu kém 'thay áo', đổi vận
Thứ bảy, 22/02/2025 11:15 (GMT+7)
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, nhiều ngân hàng yếu kém đã thay tên, định hướng trở thành ngân hàng số nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Ngân hàng yếu kém 'khoác áo mới', mang phong cách "số hóa"
Hiện 4/5 ngân hàng yếu kém hoặc trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được chuyển giao bắt buộc về các ngân hàng thương mại có năng lực để thực hiện quá trình tái cơ cấu.
Các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đến nay gồm: CBBank chuyển giao về Vietcombank; OceanBank chuyển giao cho MB; DongABank được giao cho HDBank và GPBank chuyển giao về VPBank.
Trong số 4 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc nói trên, đã có 3 ngân hàng đổi tên. Cùng với việc đổi tên, các ngân hàng này cũng được trang bị một bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới, mang phong cách trẻ trung, năng động và mang phong cách "số hóa".
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đông Á (DongABank) chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank) và đồng thời cũng dời trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu sự biến mất của thương hiệu Ngân hàng Đông Á sau hơn 30 năm hoạt động trên thương trường để khoác lên mình "tấm áo mới" Vikki Bank.
Trước đó, vào ngày 21/1, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).
Vào giữa tháng 12/2024, Ngân hàng Thương mại TNHNN Một Thành viên Đại Dương (OceanBank) đổi tên thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV), một thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group.
Đáng chú ý, cả 3 ngân hàng trên đều có cùng định hướng phát triển thành ngân hàng số.
Chia sẻ về định hướng phát triển của Vikki Bank trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết HDBank sẽ tái cấu trúc Vikki Bank trở thành ngân hàng số thế hệ mới, qua đó sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp và thủ tục đơn giản thông qua kênh số.
Trên website, Vikki Bank cho biết là một ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại nhất với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm, du lịch, mua sắm… không giới hạn. Mạng lưới rộng khắp của ngân hàng số sẽ giúp cung cấp trải nghiệm khách hàng hiện đại, thuận tiện và an toàn, bảo mật tuyệt đối.
3/4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đã đổi tên
Trước Vikki Bank, 2 ngân hàng khác là OceanBank (nay là MBV) và CB (nay là VCBNeo) cũng đổi tên và chuyển hướng sang mảng ngân hàng số sau khi bị chuyển giao bắt buộc.
Trong thông cáo phát đi sau khi đổi tên, MBV khẳng định sẽ mang đến những giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh số hóa ngân hàng diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc chuyển hướng các ngân hàng yếu kém hoạt động theo mô hình ngân hàng số, thay vì mô hình truyền thống, sẽ giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ thương hiệu cũ.
Sau khi đổi tên, các ngân hàng định hướng tập trung vào các giải pháp tài chính sáng tạo, linh hoạt và tối ưu, giúp khách hàng tận dụng tối đa cơ hội tài chính trong bối cảnh số hóa diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Như vậy, đến nay, 3/4 ngân hàng yếu kém hoàn thành chuyển giao bắt buộc đã được đổi thương hiệu, trường hợp duy nhất chưa đổi tên là GPBank hiện do VPBank thực hiện tái cơ cấu. Còn SCB vẫn đang được NHNN đặt trong diện kiểm soát đặc biệt.
Nỗ lực vực dậy ngân hàng yếu kém
Quá trình chuyển giao bắt buộc không chỉ đơn thuần là việc thay đổi chủ sở hữu mà còn bao gồm cam kết hỗ trợ toàn diện từ các ngân hàng nhận chuyển giao. Để đảm bảo quá trình tái cấu trúc hiệu quả, các ngân hàng nhận chuyển giao đã cử đội ngũ lãnh đạo sang trực tiếp điều hành, giám sát hoạt động của các ngân hàng yếu kém.
Cụ thể, sau khi tiếp nhận CBBank (nay là VCBNeo), Vietcombank đã cử đội ngũ lãnh đạo cấp cao sang hỗ trợ điều hành. Các nhân sự được “biệt phái” gồm ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank kiêm nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV VCBNeo; ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc VCBNeo. Ngoài ra, Vietcombank còn điều động nhiều nhân sự chủ chốt khác để phụ trách các lĩnh vực quản lý rủi ro, nhân sự và tín dụng.
Tương tự, sau khi tiếp nhận OceanBank (nay là MBV), MB đã cử ông Vũ Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐTV MBV; ông Lê Xuân Vũ, Thành viên Ban điều hành MB, được bổ nhiệm làm Thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc MBV.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, mới đây cho biết MB đã cử gần 80 nhân sự chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt sang MBV để hỗ trợ sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự MBV về nghiệp vụ, kỹ năng đồng thời đảm bảo thu nhập cho người lao động.
MB cũng bán dư nợ sinh lời cho MBV để vay Chính phủ và NHNN với lãi suất 0%, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV. Ông Ánh cũng cho rằng việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của ngân hàng mẹ.
Nhờ đó, từ ngày 17/10-13/12/2024, tăng trưởng huy động vốn của MBV đạt 1.229 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỷ đồng.
Tuy chưa công bố chi tiết về nhân sự sang để hỗ trợ quản lý điều hành Vikki Bank nhưng lãnh đạo HDBank đã khẳng định sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ ngân hàng củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công nhân viên ngân hàng, mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng và đối tác.
Theo lãnh đạo HDBank, ngân hàng này sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ Vikki Bank củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng Vikki Bank trở thành ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững
Tại GPBank, thông tin chi tiết nhân sự cụ thể được VPBank cử sang để hỗ trợ chưa được công bố. Nhưng lãnh đạo VPBank đã cam kết chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc GPBank theo phương án đề ra. VPBank cũng dự kiến góp vốn vào GPBank với giá trị không vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng mẹ, nhằm cung cấp thêm nguồn lực tài chính, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo NHNN, chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Việc chuyển giao giúp ngân hàng yếu kém khắc phục lỗ lũy kế và thoát khỏi kiểm soát đặc biệt. Trong khi các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ được ưu đãi để mở rộng quy mô tài sản, tín dụng, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định quyết tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8%, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. Ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ huy động và sử dụng vốn hiệu quả hơn.
Bộ Tài chính vừa đề nghị tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự luật, đã được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Hội thảo ‘Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam’, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào sáng 18/4, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chuyển động nhóm ngân hàng đóng góp tích cực nhất cho sắc xanh của VN-Index phiên 18/4, trong đó cổ phiếu SHB là điểm sáng khi tăng kịch trần lên 12.850 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch đạt gần 2.000 tỷ đồng, chiếm gần 1/10 tổng giao dịch trên sàn HOSE.
Việt Nam mở rộng chính ngạch thêm 4 mặt hàng vào Trung Quốc. Dù kim ngạch tăng mạnh, hành trình chinh phục thị trường tỷ dân vẫn nhiều thách thức về chất lượng, tiêu chuẩn và liên kết chuỗi.
Để duy trì vị thế và nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, Việt Nam cần tập trung vào quản lý chất thải, sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm và áp dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường.
Để phát triển trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, các thương hiệu Việt cần xem xét lại những yếu tố làm nên tính cạnh tranh và áp dụng cách tiếp cận dựa trên nguồn lực.
Sáng nay (17/4), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội. Sự kiện công bố kết quả kinh doanh năm 2024 và quý I/2025 và hé lộ mục tiêu năm nay.
Cứ đến mỗi mùa kiểm toán, sự chênh lệch số liệu đột biến không phải là điều xa lạ. Trong mùa kiểm toán 2024, nhóm các doanh nghiệp bất động sản là nhóm bị thay đổi lợi nhuận nhiều nhất, có đơn vị lỗ chồng thêm lỗ.