Vinamilk mua GTNfoods để làm gì?

Thứ hai, 22/04/2019, 10:18 AM

Lý do chính Vinamilk mua cổ phần GTNfoods là Sữa Mộc Châu Milk - đơn vị đang nắm 23% thị phần sữa nước ở thị trường phía Bắc

GTNfoods có gì?

Theo chứng khoán TP HCM (HSC), tăng trưởng ngành sữa sẽ giảm tốc về một chữ số trong thời gian tới, đi cùng khó khăn trong việc mở rộng thị phần của doanh nghiệp khi các mảng sản phẩm của thị trường dần định hình. Bản thân lãnh đạo Vinamilk (HoSE: VNM) cũng nhận ra thực trạng này và những ảnh hưởng đã bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của công ty.

Năm 2018, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 52.562 tỷ đồng, chỉ tăng 3% trong khi lợi nhuận ròng giảm gần 1% xuống 10.227 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên từ 2014, Vinamilk báo giảm lợi nhuận, trong khi mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận liên tục đi xuống.

KQKD của Vinamilk trong 6 năm qua (Đvt: tỷ đồng, %)

KQKD của Vinamilk trong 6 năm qua (Đvt: tỷ đồng, %)

Năm nay, công ty tiếp tục đặt kế hoạch thận trọng khi doanh thu và lợi nhuận dự kiến chỉ tăng 7% và 2,5%. Để giải quyết bài toán tăng trưởng, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài là việc tăng thị phần nội địa M&A.

Trong khi chờ một hiệp định mở cửa giữa Việt Nam và Trung Quốc với các mặt hàng trong đó có sữa, để lấn sân sang thị trường tỷ dân, Vinamilk đang liên tục bước nhanh trong chiến lược M&A với việc nắm 65% vốn tại Đường Khánh Hòa, hoàn thiện chuỗi sản phẩm và gần đây nhất là muốn sở hữu 49% cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN).

Lãnh đạo Vinamilk cho biết sẽ tập trung vào ngành cốt lõi, ưu tiên sáp nhập cùng ngành nghề kể cả trong và ngoài nước và không có ý định đầu tư ngoài ngành dù lượng tiền mặt còn rất dồi dào với khoảng 10.000 tỷ đồng. Động thái chào mua công khai của Vinamilk đã chứng minh cho định hướng M&A của doanh nghiệp.

Dẫn lời CEO Vimamilk Mai Kiều Liên trong buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 10/4, báo cáo của chứng khoán Bản Việt đề cập lý do chính công ty mua cổ phần GTNfoods là Sữa Mộc Châu Milk - công ty có chỗ đứng vững chắc tại miền Bắc và Vinamilk dự kiến sẽ hỗ trợ công ty này mở rộng quy mô, ví dụ như mở rộng mạng lưới phân phối.

Hiện nay, GTNfoods đang sở hữu 74,5% vốn tại Vilico - đơn vị nắm 51% cổ phần tại Sữa Mộc Châu. Việc đầu tư vào GTNfoods dù không đồng nghĩa sở hữu hoàn toàn Sữa Mộc Châu, nhưng có thể giúp Vinamilk có tiếng nói trong doanh nghiệp này.

Nguồn: Báo cáo thường niên GTNfoods.

Nguồn: Báo cáo thường niên GTNfoods.

Theo báo cáo thường niên GTNfoods, đối với mảng sữa nước Việt Nam, Mộc Châu chiếm 6% thị phần, Vinamilk dẫn đầu với 55%, tiếp đến là TH True Milk 11%, FrieslandCampina Việt Nam (sở hữu thương hiệu Cô gái Hà Lan) chiếm 7%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng thị trường miền Bắc, Mộc Châu đang nắm 23% thị phần, chỉ đứng sau Vinamilk với 40%. Nếu 2 bên có thể chính thức đi đến hợp tác, 2/3 thị trường sữa nước miền Bắc sẽ được quy về một mối.

Mặt khác, Mộc Châu Milk có 24.000 bò sữa nuôi trên diện tích 1.000ha, tạo ra 100.000 tấn sữa tươi hàng năm. Doanh nghiệp này cũng tham gia vào đầy đủ các ngành hàng gồm sữa tiệt trùng, thanh trùng, sữa chua và các sản phẩm khác từ sữa như bánh sữa, váng sữa, phô mai, bơ.

Biến động sở hữu tại GTNfoods

Theo thông báo mới nhất, Vinamilk hiện sở hữu 2,32% GTNfoods và sẽ chào mua công khai 46,68% để nâng sở hữu lên 49% sau khi đã được Ủy ban chứng khoán chấp nhận. Trước động thái chào bán của Vinamilk, tại GTNfoods cũng xuất hiện nhiều cái tên mới trong cơ cấu cổ đông lớn.

HSC - đại lý thực hiện chào mua công khai của Vinamilk, nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNfoods lên 8% vốn.

Sau HSC, 2 cổ đông lớn xuất hiện là Đầu tư BZZ giữ 5,38% vốn và cá nhân Nghiêm Văn Tùng sở hữu 5% vốn. Người đại diện theo pháp luật của Đầu tư Buzz là Tổng giám đốc Nghiêm Văn Phú. Cũng lưu ý là người đại diện của cổ đông lớn nhất tại GTNfoods, Invest Tây Đại Dương (28%) là Phó Chủ tịch GTNfoods Nghiêm Văn Thắng.

Cơ cấu cổ đông lớn của GTNfoods cập nhật. Nguồn: tổng hợp

Cơ cấu cổ đông lớn của GTNfoods cập nhật. Nguồn: tổng hợp

Quay trở lại thời điểm Vinamilk lần đầu chào mua công khai và bị GTNFoods khước từ do nhận được 3/6 phiếu không tán thành, với một phiếu của Chủ tịch HĐQT Tạ Văn Quyền, phó Chủ tịch Nghiêm Văn Thắng và ông Nguyễn Hồng Anh. Trong khi đó, đại diện của quỹ ngoại là cổ đông lớn ông Lars Kjaer (đại diện cho PENM), bà Chew Mei Ying (đại diện Tael Two Partners) và cùng ông Michael Louis Rosen đồng ý. Vì có lá phiếu của Chủ tịch nên quyết định cuối cùng là HĐQT GTNfoods là không đồng ý.

Vì vậy, không loại trừ khả năng việc 2 quỹ ngoại chuyển nhượng cổ phần cho Vinamilk khi ông Lars Kjaer mới đây có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT.

Việc không tán thành chủ trương chào mua công khai đặt ra câu hỏi liệu mâu thuẫn giữa HĐQT hiện tại và Vinamilk. Về vấn đề này, bà Mai Kiều Liên cho biết Vinamilk và GTNfoods đã ngồi lại nói chuyện để hiểu nhau.

"Tất cả các công ty Vinamilk tham gia đều phát triển và bản thân Vinamilk cũng phát triển. Chúng tôi không có làm gì để hại bạn và lợi mình, đó là nguyên tắc kinh doanh của Vinamilk trong mấy chục năm nay", CEO Vinamilk chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tuần trước.

“Nữ hoàng sữa” Việt Nam cũng khẳng định việc tham gia vào GTNfoods là để 2 bên cùng mạnh lên, tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích. “Muốn giữ thương hiệu Việt thì chúng ta phải đoàn kết lại, trở thành bó đũa lớn”. 

 Lê Hải

Theo ndh.vn