Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Viễn cảnh ‘đi máy bay không cần giấy tờ’

Chủ nhật, 27/04/2025 16:37 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nhân rộng giải pháp cho phép hành khách lên máy bay mà không cần xuất trình giấy tờ tùy thân – việc một số quốc gia đang áp dụng tại các sân bay lớn.

Trong chuyến thị sát Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị nhân rộng giải pháp cho phép hành khách lên máy bay mà không cần xuất trình giấy tờ tùy thân.

Giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bay do các đơn vị của Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị thực hiện.

Theo đó, tính năng "Dịch vụ hàng không" tích hợp trên ứng dụng VNeID cho phép người dùng có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thực hiện trực tuyến, nhanh chóng và an toàn các thao tác mua vé, check-in, qua cửa kiểm soát an ninh và cửa lên máy bay theo hình thức không chạm, chỉ với thao tác chụp khuôn mặt của mình.

Thủ tướng đánh giá đây là một trong những giải pháp chuyển đổi số hiệu quả, cần được triển khai đồng bộ và mở rộng toàn quốc vì vừa thuận tiện cho người dân, vừa góp phần tăng hiệu quả quản lý nhà nước.

Giải pháp này dựa trên việc sử dụng định danh điện tử (qua ứng dụng VNeID) và công nghệ nhận diện sinh trắc học như quét khuôn mặt để xác thực danh tính hành khách tại các điểm làm thủ tục sân bay. Đây không phải là ý tưởng mới – nhiều quốc gia đã triển khai và chứng minh rõ lợi ích của việc “không giấy tờ” trong ngành hàng không.

Theo tài liệu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), chỉ riêng trong giai đoạn 2019–2020 tại Trung Quốc, hơn 570 triệu hành khách đã sử dụng công nghệ sinh trắc học tại sân bay. Việc này giúp tiết kiệm khoảng 430 triệu nhân dân tệ từ việc giảm chi phí in ấn, nhân công và thời gian vận hành, đồng thời tiết kiệm 580 triệu giờ cho hành khách và giảm phát thải hơn 8.600 tấn CO₂.

Singapore cũng đang đi đầu trong xu hướng này. Theo Cơ quan Di trú Singapore, từ tháng 9/2024, sân bay Changi đã triển khai hệ thống xác thực bằng khuôn mặt và mống mắt cho công dân và người có thẻ dài hạn, cho phép họ làm thủ tục xuất nhập cảnh không cần hộ chiếu. Đây là bước tiến đưa Singapore trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á áp dụng quy trình “passport-less” trên diện rộng.

Một hành khách làm thủ tục không cần hộ chiếu tại sảnh đến Nhà ga 3 Sân bay Changi ngày 24/10/2024. Ảnh: CNA

Ấn Độ triển khai chương trình Digi Yatra từ tháng 12/2022, cho phép hành khách đăng ký ảnh selfie và liên kết với mã QR thông qua một ứng dụng di động. Tính đến đầu năm 2024, hơn 28 sân bay lớn – chiếm gần 90% lưu lượng hàng không nội địa Ấn Độ – đã tích hợp hệ thống này. Hơn 20 triệu người đã trải nghiệm Digi Yatra, giúp giảm thời gian kiểm tra an ninh xuống dưới 30 giây mỗi hành khách.

Tại Mỹ, hệ thống nhận diện khuôn mặt đã được một số hãng hàng không lớn như Delta Air Lines triển khai tại các sân bay Atlanta, Detroit và JFK. Theo các báo cáo chuyên ngành, hành khách sử dụng hệ thống này hoàn tất thủ tục nhanh hơn 30% so với quy trình truyền thống. Dữ liệu sinh trắc học được đồng bộ với hệ thống của Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), qua đó tăng hiệu quả kiểm soát và giảm thiểu rủi ro sử dụng giấy tờ giả.

Lợi ích từ việc không dùng giấy tờ là rõ ràng. Trước hết là tiết kiệm thời gian – hành khách không còn phải xếp hàng dài để xuất trình giấy tờ tại từng chốt kiểm soát. Thứ hai, hệ thống sinh trắc học có độ chính xác cao, giúp hạn chế các trường hợp gian lận nhân thân. Thứ ba, việc loại bỏ giấy tờ góp phần giảm chi phí in ấn, bảo quản và xử lý, từ đó giảm rác thải và tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, nhiều nước khi triển khai cũng phải đối mặt với lo ngại về quyền riêng tư. Tại Ấn Độ, theo Financial Times, một số tổ chức bảo vệ quyền dân sự đã đặt câu hỏi về việc quản lý và sử dụng dữ liệu khuôn mặt của hành khách, đặc biệt trong bối cảnh thiếu các quy định rõ ràng về thời gian lưu trữ và quyền truy cập dữ liệu. Mỹ và Singapore đã phản ứng bằng cách ban hành các hướng dẫn cụ thể: dữ liệu sinh trắc học chỉ được lưu trữ trong thời gian ngắn, và việc sử dụng hệ thống phải dựa trên sự đồng thuận của hành khách.

Một điểm đáng chú ý là hầu hết các quốc gia đều chọn triển khai theo lộ trình mềm, bắt đầu từ việc khuyến khích hành khách tự nguyện sử dụng hệ thống “không giấy tờ”, đồng thời song hành với hệ thống truyền thống để giảm thiểu gián đoạn. Đây cũng là bài học có thể tham khảo cho Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai.

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhân rộng mô hình này là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số. Một xã hội không giấy tờ không phải là viễn tưởng – đó là thực tế đang diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam cần chủ động và nhanh chóng để không đứng ngoài làn sóng thay đổi mang tính toàn cầu này.

Thanh Bình
Nguồn: sohuutritue.net.vn