Vì sao trang 'Bộ Tài chính' có tích xanh vẫn là lừa đảo
Thứ ba, 01/04/2025 11:16 (GMT+7)
Kẻ lừa đảo không chỉ giả mạo tên tuổi của các cơ quan nhà nước mà còn tạo fanpage có tích xanh để dẫn dụ con mồi.
Xuất hiện fanpage giả mạo Bộ Tài chính, Cục An ninh trên Facebook
Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo về việc xuất hiện trang
Facebook giả mạo cơ quan này, lợi dụng danh nghĩa “thu hồi tiền” cho nạn nhân bị
lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, trang Facebook có tên "Tiếp nhận Xử lý Thu hồi
và Hoàn Trả Vốn Treo" sử dụng hình ảnh, thông tin của Bộ Tài chính và tự
nhận là đơn vị đại diện xử lý các khoản tiền bị lừa đảo trên mạng.
Điều đáng chú ý là trang này đã được Facebook xác minh và có
dấu hiệu lừa đảo khi yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản
“lệ phí” hoặc “chi phí xử lý” để nhận lại số tiền đã mất. Tuy nhiên, sau khi nhận
được tiền, trang này không thực hiện bất kỳ hỗ trợ nào như cam kết.
Fanpage giả mạo Bộ Tài chính xuất hiện trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Bộ Tài chính khẳng định đây là trang giả mạo và kêu gọi người
dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào theo
hướng dẫn từ trang Facebook này. Đồng thời, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người
dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh thiệt hại đáng
tiếc.
Đây không
phải lần đầu tiên xuất hiện một fanpage mạo danh các cơ quan chức năng nhà nước.
Hồi giữa tháng 3, trên Facebook cũng xuất hiện một fanpage mạo danh Cục An ninh
- Bộ Công an. Bài đăng với nội dung hướng dẫn nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo,
thu hồi tài sản “kẹt” trên các app chứng khoán, nhiệm vụ Shopee, Lazada. Đáng
nói, tài khoản có dấu xác minh chính chủ của Facebook. Do vậy, người dùng dễ
dàng tin đây là fanpage chính thức.
Tuy nhiên
khi kiểm tra tính minh bạch trang, kết quả cho thấy trang này đã được đổi tên.
Vị trí của người quản lý cũng ở Campuchia thay vì Việt Nam. Ngày 26/3, Cục An
ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đăng bài cảnh báo. Cụ
thể, cơ quan chức năng khẳng định trang nói trên là giả mạo, không thuộc đơn vị
quản trị.
Fanpage có
“tích xanh” chưa chắc đã chính chủ
Ông Hoàng Phương - chuyên gia lĩnh vực dịch vụ mạng xã hội cho biết: “Từ năm 2022 trở về trước, tích xanh trên Facebook
chỉ được cấp cho những tài khoản người nổi tiếng hoặc các trang chính chủ có độ
uy tín cao. Thủ tục xin cấp xác minh cũng khá chặt chẽ nên những fanpage có tích
xanh là trang có độ uy tín cao, có thể tin tưởng được.
Tuy nhiên,
từ tháng 2/2023, Facebook đã chuyển sang cho thuê dấu xác minh. Dịch vụ này mang
tên Meta Verified, có giá 11,99 USD (300.000 đồng) mỗi tháng khi đăng ký trên
website.
Nhiều trang Facebook giả mạo vẫn có tích xanh. Ảnh: Khánh An/LDO
Hiện tại, dịch
vụ này chưa được cung cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên có nhu cầu vẫn dễ dàng lên
tích xanh bằng cách lập tài khoản trắng, chuyển vùng sang quốc gia đã mở dịch vụ
như Australia hay Mỹ để đăng ký”.
Như vậy, chỉ
cần bỏ ra gần 300.000 một tháng cùng vài thủ thuật để đổi địa chỉ VPN, bất kỳ
ai cũng có thể mở được một fanpage có tích xanh. Điều này tạo ra lỗ hổng để các
kẻ lừa đảo tạo dựng fanpage giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thuật
toán của Facebook, các fanpage có tích xanh, có lượt theo dõi cao hơn thường sẽ
hiển thị trước. Điều này khiến người dùng dễ bị nhầm lẫn, còn những kẻ lừa đảo chỉ
cần “ngồi yên" chờ con mồi.
Để phòng ngừa
việc bị lừa đảo, trước khi liên hệ với fanpage, người dùng cũng cần kiểm tra kỹ
lượt tương tác. Một trong các dấu hiệu để nhận biết là các fanpage giả mạo thường
có lượt tương tác bài viết không đồng đều (có bài viết rất ít, có bài viết cao
bất thường). Những tài khoản tương tác trong các bài viết cũng thường là các
tài khoản giả mạo, mới được tạo lập và gần như không hoạt động.
Cơ quan chức
năng khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, chuyển tiền cho bất kỳ bên
nào khi chưa kiểm tra danh tính, độ uy tín. Người dùng cũng không nên truy cập
các đường link hoặc tải ứng dụng lạ về máy, tránh bị đánh cắp thông tin.
Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn mạo danh công an, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân và nộp phạt qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
nTrust là ứng dụng phòng chống lừa đảo do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát triển và vận hành, giúp người dùng đối phó với các hình thức lừa đảo phổ biến như cuộc gọi giả mạo, trang web lừa đảo, tài khoản ngân hàng đáng ngờ hay ứng dụng chứa mã độc.
Lực lượng cứu hộ Việt Nam đã nhanh chóng đến Myanmar, phối hợp với các cơ quan chức năng, triển khai tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.
Tối 30/3, máy bay chở Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm 80 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hạ cánh tại Sân bay quốc tế Yangon, Myanmar, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.
Phố cà phê đường tàu được du khách quốc tế ca ngợi là “điểm nhất định phải đến khi tới Hà Nội”. Một số chủ quán ủng hộ việc biến phố đường tàu thành điểm du lịch an toàn, thu hút du khách. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, điều này chỉ khả thi nếu có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối.