Vì sao đại gia Hồ Hùng Anh là người giàu nhất ngành ngân hàng?
Sau khi chia tay Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh từng bước củng cố quyền lực tại Techcombank và là gia đình giàu có nhất trong giới ngân hàng. Tài sản của vị đại gia gốc Đông Âu này gần ngang ngửa với 2 trong 4 tỷ phú USD theo danh sách của Forbes.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) vừa công bố thông tin về giao dịch của người liên quan tới ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank.
Theo đó, ông Hồ Anh Minh, con trai ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch ngân hàng này đăng ký mua vào hơn 44,7 triệu cổ phiếu TCB, giao dịch thỏa thuận dự kiến thực hiện từ 14-31/12/2018.
Tài sản gần chạm mốc tỷ USD
Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/12 là 28.900 đồng/cp, ông Hồ Anh Minh có thể phải bỏ ra khoảng 1,3 nghìn tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.
Trong khoảng thời gian trên, em ông Hồ Hùng Anh là bà Nguyễn Hương Liên đăng ký bán ra 45 triệu cổ phiếu. Bà Liên đang sở hữu hơn 114,6 triệu cổ phiếu TCB. Nếu giao dịch thành công, bà Liên sẽ chỉ còn nắm hơn 69,6 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 1,9914%.
Như vậy, nếu giao dịch thành công, ông Hồ Anh Minh sẽ nâng sở hữu của mình tại Techcombank lên hơn 137,9 triệu cổ phiếu TCB (tương đương tỷ lệ sở hữu gần 3,95%).
Hiện tại, ông Hùng Anh nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hùng Anh) và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ ruột ông Hùng Anh), mỗi người đang sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB.
Như vậy, ông Hùng Anh và những người liên quan đang nắm giữ hơn 595 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với 17% vốn điều lệ ngân hàng này
Với số lượng cổ phiếu của cả gia đình lên tới 600 triệu đơn vị, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu lên tới hơn 17 nghìn tỷ đồng.
Còn theo 1 tính toán trước đó của Reuters, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới gần gần 1 tỷ USD (20.400 tỷ đồng), gấp khoảng 2 lần tài sản nhà ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank.
Nếu so với 2 tỷ phú USD trong danh sách của Forbes là ông Trần Đình Long (Tập đoàn Hòa Phát) và ông Trần Bá Dương (Thaco), khối tài sản của vị đại gia gốc Đông Âu này cũng không hề thua kém nhiều.
Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng. Với giá trị tài sản này, ông Hồ Hùng Anh là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán trong giới ngân hàng và hành trình trở thành tỷ phú USD cũng không còn xa.
Cũng trong năm 2018, ngân hàng của vị đại gia gốc Đông Âu tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên mức 34.965,9 tỷ đồng. Đây là kết quả của việc phát hành thành công hơn 2,3 tỷ cổ phiếu cho 4.262 cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 200%. Số cổ phiếu đã được đưa vào giao dịch hồi cuối tháng 7. Techcombank chính thức trở thành 1 trong những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là thành viên HĐQT Techcombank từ 2004-2005, là phó chủ tịch thứ nhất tại HĐQT Techcombank từ 2006 đến 2008. Từ tháng 5.2008 tới nay, ông Hùng Anh là Chủ tịch Techcombank.
Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan (tên cũ của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.
Kết quả kinh doanh Techcombank
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018, thu nhập lãi thuần tại Techcombank trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 8.167 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Trong khi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 25% (2.113 tỷ đồng) và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 21% (gần 247 tỷ đồng), thì hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng vọt gấp 2.3 lần cùng kỳ khi đạt gần 29 tỷ đồng và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng 42% (703 tỷ đồng).
Chi phí hoạt động tăng 14% chiếm hơn 3.733 tỷ đồng.
Thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%.
Cũng theo báo cáo tài chính của Techcombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của TCB đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 77% kế hoạch.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 30%, chỉ còn chiếm hơn 1.786 tỷ đồng, do đó lợi nhuận sau thuế của TCB tăng 60%, đạt hơn 6.209 tỷ đồng.
Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 4% thì nợ xấu của ngân hàng này trong 9 tháng đầu năm tăng đến 33% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm 21% thì nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 31%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2018, TCB duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) cao, ở mức 25,4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) là 3,2%.
Huyền Anh
-
Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
-
Những con số ấn tượng về hành trình VinFast VF 8 chinh phục Tây Tạng
-
Eximbank ra mắt dịch vụ thanh toán Garmin Pay qua thẻ Eximbank Mastercard: Bước đột phá cho lối sống năng động
-
Eversolar hợp tác kinh doanh trạm sạc nhượng quyền V-Green
-
Vinfast hợp tác FGF hỗ trợ khách hàng thu cũ xe xăng, đổi mới ô tô điện
-
Kỳ tích phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân 60 tuổi liệt tứ chi, từng sống nhờ máy thở