Chứng khoán Mỹ hình thành 'giao cắt tử thần'
Lần đầu tiên sau 3 năm, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ đã hình thành điểm "giao cắt tử thần", khiến nhiều người lo lắng.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Tổng thống Trump bất ngờ ám chỉ giảm thuế ô tô, cổ phiếu ngành xe hơi Mỹ lập tức tăng vọt. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về sự ổn định của chính sách thuế quan.
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến một phiên giao dịch đầy phấn khích của nhóm cổ phiếu ngành ô tô, sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ hé lộ khả năng nới lỏng chính sách thuế quan đối với ngành công nghiệp này.
Trong một cuộc gặp gỡ báo chí tại Nhà Trắng ngày 14/4 (giờ địa phương), ông Trump cho biết đang xem xét các phương án hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô, thừa nhận họ cần thời gian chuyển đổi để đưa sản xuất từ nước ngoài trở về Mỹ.
Ngay lập tức, "cơn mưa" mua vào đã đổ bộ lên nhóm cổ phiếu ô tô. Cổ phiếu của "Big Three" - Ford, General Motors (GM) và Stellantis - đồng loạt tăng mạnh, mức tăng trên 3% mỗi cổ phiếu. Phản ứng tích cực này cho thấy thị trường đang kỳ vọng động thái của ông Trump sẽ giúp giảm bớt áp lực thuế quan đang đè nặng lên ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Phản hồi trước thông tin từ Nhà Trắng, Hội đồng Chính sách Ô tô Hoa Kỳ (AAPC), tổ chức đại diện cho Ford, GM và Stellantis, bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của Tổng thống Trump về việc thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, AAPC cũng không quên cảnh báo về thuế quan phụ tùng.
Chủ tịch AAPC Matt Blunt nhấn mạnh rằng, việc áp thuế rộng rãi lên phụ tùng ô tô có thể "phá hoại tầm nhìn chung" về một ngành công nghiệp ô tô Mỹ thịnh vượng, đồng thời lưu ý rằng việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng là một quá trình tốn thời gian.
Thực tế, ngay cả khi thuế quan ô tô thành phẩm được giảm nhẹ, các nhà sản xuất ô tô vẫn phải đối mặt với thuế nhập khẩu phụ tùng, vốn cũng đang ở mức cao 25% và dự kiến có hiệu lực vào tháng 5 tới.
Thêm vào đó, Hiệp định USMCA (thay thế NAFTA) vẫn duy trì thuế quan đối với ô tô nhập khẩu, chỉ miễn trừ thuế cho phụ tùng có nguồn gốc từ Mỹ. Điều này cho thấy, dù có nới lỏng, chính sách thuế quan của chính quyền Trump vẫn còn nhiều rào cản đối với ngành ô tô.
Giới phân tích cảnh báo, dù chính sách thuế quan có thay đổi thế nào, cuối cùng người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất. Thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, các nhà sản xuất có thể sẽ chuyển phần chi phí này sang giá bán xe, khiến giá xe ô tô, đặc biệt là xe phổ thông, tăng mạnh.
Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Telemetry, giá xe không sang trọng có thể tăng từ 3.000 đến 12.000 USD mỗi chiếc do thuế quan. Điều này có thể khiến doanh số bán xe mới tại Mỹ giảm tới 1.8 triệu chiếc trong năm nay, so với con số 15.8 triệu chiếc của năm ngoái.
S&P Global Mobility cũng đưa ra dự báo tương tự, cho rằng doanh số xe hạng nhẹ hàng năm tại Mỹ có thể giảm xuống còn 14.5-15 triệu chiếc từ mức 16 triệu chiếc của năm 2024.
Việc ông Trump bất ngờ hé lộ khả năng giảm thuế ô tô được xem là "pha bẻ lái" chính sách thuế quan mới nhất của vị tổng thống này. Chỉ trong vòng 2 tuần qua, ông Trump đã liên tục thay đổi chính sách thuế quan, từ tuyên bố áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu, đến đánh thuế đối đẳng với 60 quốc gia, rồi lại giảm thuế tạm thời, nay lại úp mở về giảm thuế ô tô.
Sự thay đổi chính sách liên tục và khó đoán khiến thị trường chao đảo. Mặc dù chỉ số S&P 500 có phiên tăng điểm nhẹ ngày 14/4 nhưng tính chung từ đầu năm đến nay vẫn giảm gần 8%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn neo ở mức cao 4.4%, phản ánh sự lo ngại của giới đầu tư về rủi ro kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Carl Tannenbaum của Northern Trust Corporation cảnh báo rằng, sự thiếu nhất quán trong chính sách của chính quyền Trump có thể gây ra thiệt hại không thể đảo ngược đối với niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và thị trường.
Điều đáng chú ý là ông Trump tiết lộ gần đây đã gọi điện thoại cho CEO Apple Tim Cook và đề nghị "hỗ trợ". Mặc dù Apple không trả lời các câu hỏi liên quan đến biến động thuế quan, các nhà phân tích chỉ ra rằng việc tạm hoãn thuế quan đối với các sản phẩm điện tử đã giúp Apple có không gian thở, suy nghĩ cách giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại đối với doanh số iPhone tại Mỹ.
Cổ phiếu Apple ngày 14/4 có lúc tăng 7%, cuối cùng đóng cửa tăng 2%. Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush cho rằng, Apple có thể nhân cơ hội này để đẩy nhanh việc chuyển sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ, Ấn Độ chính là cơ sở sản xuất mà Apple bắt đầu bố trí khi chiến tranh thương mại nổ ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.