Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

'Tiền gửi là kênh trú ẩn tích cực trong bối cảnh rủi ro'

Thứ ba, 22/04/2025 13:53 (GMT+7)

TS Cấn Văn Lực nhận định, trong bối cảnh rủi ro, thì kênh tiền gửi là kênh trú ẩn tích cực, dù lãi suất tương đối thấp.

Sáng 22/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025" tại Hà Nội.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: EuroCham)

Thị trường tài chính Việt Nam 2024 ổn định

Tại Hội thảo, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, bối cảnh quốc tế năm 2025 có nhiều biến động hơn năm ngoái, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế.

Đối với thị trường tài chính Việt Nam năm 2024, TS. Cấn Văn Lực nhận định về cơ bản khá ổn định và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tín dụng tăng 15,08%, huy động vốn tăng 10,5%. Lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm 2023 (3,8%). Xu hướng xanh hóa và số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.

Thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng tích cực với chỉ số VN-Index tăng 12,11%, giá trị vốn hóa tăng 14,3% so với năm trước. Bên cạnh đó, Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 466,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm 2023. Kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán khả quan khi lợi nhuận sau thuế tăng 32%, chủ yếu là nhờ nguồn thu môi giới và tự doanh, cho vay ký quỹ.

Dù vậy, theo ông Lực, thị trường tài chính năm 2024 còn nhiều thách thức khi nợ xấu tăng và áp lực vẫn hiện hữu, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, áp lực tăng vốn cao. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán thiếu bền vững, nhu cầu tăng vốn lớn trong khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận kết quả trái chiều. Vẫn còn tồn tại rủi ro an ninh mạng, rủi ro thông tin – dữ liệu gia tăng, hạ tầng cho thị trường chứng khoán còn chậm nâng cấp. Bên cạnh đó, khung pháp lý, cơ chế thí điểm (sandbox) cho tài sản số, tài chính số và tiền kỹ thuật số còn chậm ban hành…

Trong bối cảnh rủi ro, thì kênh tiền gửi là kênh trú ẩn tích cực, dù lãi suất tương đối thấp. (Ảnh: DNSE)

3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mức độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, vị chuyên gia này nêu 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Ở kịch bản tích cực với xác suất xảy ra 20%, nếu kết quả đàm phán Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% đối với hàng hoá sang Mỹ, tương tự như 126 nước khác, TS Cấn Văn Lực nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ bị “ảnh hưởng không đáng kể”. Với kịch bản này, vị chuyên gia dự đoán, tăng trưởng kinh tế (GDP) 2025 của Việt Nam có thể ở mức 7.5 – 8%, chỉ số lạm phát (CPI bình quân) từ 3,5-4%, trong khi tình hình xuất khẩu và vốn FDI thực hiện chịu ảnh hưởng không đáng kể.

Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể đạt mức 6,5–7% với điều kiện thuế đối ứng của Mỹ được đàm phán giảm xuống 20–25% (so với mức 46% ban đầu), hiệu lực từ 9/7 trong vòng 1 năm hoặc sớm hơn. Sau đó, nhà điều hành sẽ tiếp tục đàm phán giảm mức thuế thấp hơn.

Với mức thuế này, ông Lực cho rằng xác suất xảy ở khoảng 60%, khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm 6-7,5 tỷ USD, tương đương 1,2-1,5%. Vốn FDI thực hiện có thể giảm 3-5%, trong khi CPI bình quân từ 4-4,5%.

Cuối cùng, đối với kịch bản tiêu cực với dự đoán xác suất xảy ra khoảng 20%. Điều đó có nghĩa là, sau 90 ngày kể từ 9/4, Việt Nam không đạt được nhiều tiến triển trong đàm phán thương mại với Mỹ, phải chịu mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hoá Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từ đầu tháng 7/2025. Ở kịch bản này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề giảm tới 22-24 tỷ USD, tương ứng tỷ lệ 5,5-6%. Trong khi vốn FDI thực hiện giảm 6-8%, CPI bình quân ở mức 5%, GDP tăng trưởng chỉ đạt khoảng 5,5-6%.

Năm 2025, với kịch bản cơ sở, TS Lực cho rằng thanh khoản của hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định nhờ: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Giải ngân đầu tư công tăng mạnh và FDI duy trì; Rủi ro thị trường tài chính quốc tế và trong nước gia tăng (do CS thuế quan) có thể khiến dòng tiền tìm tới kênh tiền gửi (như là kênh an toàn).

Dự báo, tăng trưởng huy động vốn năm 2025 dự báo ở mức khoảng 12-13%; tín dụng tăng 14-15%. Ông Lực nói, trong bối cảnh rủi ro, thì kênh tiền gửi là kênh trú ẩn tích cực, dù lãi suất tương đối thấp.

Ngoài ra, ông Lực đã đưa ra một số dự báo, với tỷ giá USD/VND sẽ còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3 - 4% trong cả năm. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng 15 - 20%, thấp hơn nhiều so với năm 2024. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc TTCK Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ tích cực hơn khi các tác động tiêu cực của siêu bão Yagi dần được giải quyết và niềm tin phục hồi.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo đối mặt với một số rủi ro, thách thức như: những biến động bất ngờ, khó đoán trên thị trường quốc tế (đặc biệt là thuế quan của Mỹ) tác động mạnh đến nền kinh tế mở và thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, trong đó có cả dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp (FII); Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn khá lớn và rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp bất động sản (chiếm gần 56% tổng số); Nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng, đòi hỏi sớm luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc Hội để xử lý căn cơ hơn; Bên cạnh đó, rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.

Linh Trang
Nguồn: sohuutritue.net.vn