Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Thương hiệu bán lẻ ‘quay lưng’ với mặt bằng đường phố

Thứ tư, 30/04/2025 11:45 (GMT+7)

Trước sự thay đổi hành vi tiêu dùng và áp lực cạnh tranh, các thương hiệu bán lẻ ngày càng ưu tiên chọn thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại thay vì nhà phố truyền thống.

Báo cáo mới nhất từ Savills Việt Nam cho thấy, trong quý I/2025, công suất thuê tại các trung tâm thương mại ở TP HCM đạt tới 94%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh xu hướng chuyển dịch rõ rệt của các doanh nghiệp bán lẻ sang mô hình bán lẻ hiện đại, đặc biệt là trung tâm thương mại - nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi từ hạ tầng đến lưu lượng khách.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt. Họ ưu tiên sự tiện lợi, trải nghiệm đa dạng và môi trường mua sắm tích hợp, điều mà trung tâm thương mại đáp ứng tốt hơn. Ảnh: VGP

Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP HCM trong quý I/2025 đạt 317.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm gần 147.000 tỷ đồng, tương đương 46% thị phần. Thị trường bán lẻ đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp.

Các dự án mới như Thiso Mall Sala, Parc Mall, Vincom Mega Grand Park và Centre Mall Võ Văn Kiệt đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ấn tượng, từ 70% trở lên. Riêng Centre Mall Võ Văn Kiệt chỉ vừa khai trương đã đạt 88% công suất thuê, chủ yếu đến từ nhóm khách lớn thuê trên 500m² gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và thiết bị gia dụng.

Ngược lại, mô hình bán lẻ đường phố đang đối mặt nhiều thách thức. Theo Savills, tỷ lệ trống của mặt bằng nhà phố tại các tuyến phố lớn TP HCM vẫn cao và chưa thể phục hồi về mức trước dịch COVID-19. Giá thuê trung bình hiện cũng thấp hơn 10 - 20% so với năm 2019.

Dù chủ nhà đã linh hoạt hơn trong các chính sách như giảm giá thuê, giãn tiến độ thanh toán hay hạ mức đặt cọc, nhưng tình trạng bỏ trống mặt bằng vẫn diễn ra kể cả tại các vị trí từng được xem là “vàng”.

Theo bà Cao Thị Thanh Hương - Quản lý cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu của Savills TP HCM, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt sau đại dịch. Họ ưu tiên sự tiện lợi, trải nghiệm đa dạng và môi trường mua sắm tích hợp, điều mà trung tâm thương mại đáp ứng tốt hơn.

Ngoài ra, trung tâm thương mại được vận hành bài bản, chính sách giá thuê minh bạch, lưu lượng khách ổn định và sự đồng bộ về hạ tầng giúp các thương hiệu kiểm soát chi phí vận hành và rủi ro kinh doanh tốt hơn.

Không dừng lại ở hiệu quả tài chính, sự hiện diện tại trung tâm thương mại còn mang ý nghĩa nâng tầm hình ảnh thương hiệu. Khác với mô hình nhà phố, nơi thương hiệu phải “chờ” khách tìm đến, các cửa hàng trong trung tâm thương mại được hưởng lợi từ lượng khách vãng lai lớn, một hình thức “tiếp cận bị động” nhưng đầy tiềm năng.

Trong 9 tháng cuối năm 2025, TP HCM sẽ đón thêm 66.244m² mặt bằng bán lẻ mới đến từ 5 dự án, trong đó khu vực trung tâm chiếm 52% nhờ hai “siêu” dự án: Marina Central Tower và Lancaster Legacy. Tuy nhiên, việc khan hiếm quỹ đất đang là rào cản lớn với các thương hiệu muốn mở rộng quy mô, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế.

Giữa bối cảnh chi phí leo thang và thói quen tiêu dùng thay đổi, trung tâm thương mại đang dần trở thành lựa chọn ưu tiên số một cho các doanh nghiệp bán lẻ trong chiến lược mở rộng và tối ưu hóa vận hành. Sự lên ngôi của bán lẻ hiện đại là xu thế không thể đảo ngược, phản ánh bước chuyển tất yếu của thị trường trong kỷ nguyên hậu COVID-19.

Xuân Đoàn
Nguồn: sohuutritue.net.vn