hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Trong quá trình kiểm tra Cơ sở của công ty Đức Vinh, cơ quan chức năng phát hiện các loại bim bim được đổ xuống sàn đất két bẩn dầu mỡ. Tại khu sản xuất còn phát hiện cả xác chuột chết chưa được xử lý, bốc mùi hôi thối trong xưởng.
Nhiều cơ sở không đảm bảo ATVSTP
Theo đó, ngày 7/1, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại Công ty CP Thương mại và công nghệ thực phẩm Đức Vinh (công ty Đức Vinh) - Cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thực phẩm snack, bánh ngũ cốc, bánh ngũ cốc phủ socola, kẹo Socola (Số 2 đường Thanh Niên, điểm công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận nhiều vi phạm nghiêm trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở này. Mặc dù sản phẩm được đóng gói bắt mắt, in chữ Hàn Quốc, không khác gì hàng nhập khẩu, nhưng quy trình sản xuất lại vô cùng nhếch nhác.
Cụ thể, khu vực sản xuất được bố trí lộn xộn, không tuân theo quy tắc một chiều, không phân khu riêng biệt và không khép kín. Các loại bim bim thành phẩm được đổ trực tiếp xuống sàn nhà dính bẩn dầu mỡ. Công nhân sản xuất không được trang bị bảo hộ lao động, sử dụng tay trần để đóng gói sản phẩm.
Đặc biệt, phòng pha chế phụ gia mất vệ sinh. Đoàn kiểm tra phát hiện xác chuột chết chưa được xử lý, bốc mùi hôi thối trong xưởng. Trong khi đó, công ty không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của một số loại phụ gia và nguyên liệu. Giấy khám sức khỏe của 7 nhân viên đã hết hạn.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện khu vực sản xuất, dầu chiên có dấu hiệu oi khét, “đen kịt như nước cống”. Đoàn đã lấy mẫu dầu chiên này tiến hành xét nghiệm tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời yêu cầu vệ sinh toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ. Bố trí lại khu vực sản xuất theo nguyên tắc một chiều, phân khu chức năng rõ ràng. Thực hiện khám sức khỏe cho toàn bộ người lao động. Không sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng ngày, Đoàn cũng đã kiểm tra Công ty CP Công nghiệp thực phẩm An Đông – cơ sở sản xuất và cung ứng kẹo cứng và bánh quy (Cụm công nghiệp La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Qua kiểm tra điều kiện vệ sinh thực tế của cơ sở, Đoàn kiểm ra số 1 nhận xét, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt giữa các khu vực sản xuất. Tường, trần nền khu vực sản xuất xuống cấp, ẩm mốc, bong tróc, thiếu chế độ vệ sinh. Cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia để sản xuất thực phẩm và bao bì chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Ngày 2/1, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP Hà Nội đã phát hiện cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình) và phát hiện nhiều vi phạm về ATTP. Đặc biệt, khu vực sản xuất đã phát hiện có côn trùng và phân của động vật. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục, xử lý. UBND quận Ba Đình đã ra quyết định xử phạt Vi phạm hành chính cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh số tiền 40 triệu đồng.
Trước đó, ngày 26/12/2024 cơ quan công an Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất "6- Benzylaminopurine" để ngâm ủ gần 3.000 tấn giá đỗ. Theo đó, chất "6-Benzylaminopurine" là hóa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ NN&PTNT.
Ngăn chặn triệt để vi phạm an toàn thực phẩm
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản, ngăn chặn triệt để các vụ việc vi phạm ATTP trong tiêu dùng thực phẩm thường xuyên của nhân dân, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương ngăn chặn triệt để các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân năm 2025. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Cơ quan chuyên môn trực thuộc, chính quyền các cấp tập trung một số nội dụng sau:
Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm/ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thuỷ sản; Phổ biến, công khai, cập nhật thông tin để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; Tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ ATTP.
Chủ động phối hợp với thành viên của Uỷ ban Mặt trận tổ quốc phát động và thực hiện phong trào khuyến khích, vận động người dân tham gia giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ cơ sở; xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm từ cấp cơ sở.
Chỉ đạo các cơ quan quản lý ATTP tổ chức các Đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp lễ, tết của người dân (sản phẩm ăn liền, sản phẩm có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt, thời gian sử dụng ngắn; sản phẩm dễ bị lạm dụng sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng, các đối tượng có chứa độc tố tự nhiên, sản phẩm có rủi ro cao về vi sinh vật gây bệnh…).
Các vi phạm về an toàn thực phẩm phát hiện phải được xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật.
Bố trí nguồn lực để các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát tăng cường đối với sản phẩm nông sản có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh nông sản.
Tại Hà Nội, UBND thành phố đã chủ trương thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, kiểm tra tập trung đối tượng là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống…
Kế hoạch này của UBND Thành phố Hà Nội nhằm tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm để bảo đảm tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.