Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi vẫn chật vật xin việc

Thứ năm, 15/05/2025 15:19 (GMT+7)

Ra trường với tấm bằng loại giỏi, nhiều sinh viên kỳ vọng sẽ có được công việc mơ ước nhưng thực tế khắc nghiệt khiến nhiều người phải rẽ hướng khi chưa kịp bắt đầu.

Nộp CV bằng giỏi, 20 công ty không nhận

Ra trường từ tháng 10/2023 với tấm bằng loại giỏi ngành Truyền thông Đa phương tiện tại một trong những trường đại học lớn, Minh Huy (24 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) từng kỳ vọng sẽ nhanh chóng có được công việc đúng chuyên ngành, môi trường chuyên nghiệp, lương hấp dẫn. Tuy nhiên, sau gần một năm chật vật ứng tuyển, Huy đã liên tiếp thất bại.

Minh Huy (24 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tốt nghiệp từ tháng 10/2023 với tấm bằng loại Giỏi ngành Truyền thông Đa phương tiện tại một trong những trường đại học lớn. Ảnh: NVCC

“Mình chọn ngành này vì sở thích cá nhân. Nghe tên ngành vừa hiện đại, vừa ‘ngầu’, lại có nhiều tiềm năng phát triển, nên lúc đó mình không quá lo về đầu ra”, Huy chia sẻ.

Huy đặt mục tiêu ứng tuyển vào các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia, nơi anh tin có lộ trình rõ ràng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, mọi thứ không như mơ.

“Mình đã nộp hơn 20 đơn trong vòng 1 năm, chủ yếu là các chương trình tuyển dụng cho người mới ra trường. Tuy nhiên, những chương trình này có tỷ lệ cạnh tranh rất cao, từ 1 chọi 100 đến 1 chọi 300, đặc biệt ở các phòng Marketing thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)", Huy kể.

Thêm vào đó, quy trình tuyển dụng tại các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia thường kéo dài từ 4 – 5 vòng trong khoảng 2 tháng, bao gồm test IQ, làm việc nhóm và phỏng vấn hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Huy cũng nhận định: "Mình từng nghĩ bằng giỏi là lợi thế, nhưng nếu thiếu kỹ năng thực tế, tấm bằng chỉ là cột mốc, không đảm bảo có việc làm".

Điều khiến Huy tiếc nuối là sự thiếu hỗ trợ từ nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp. Nếu có sự kết nối tốt hơn với cựu sinh viên, doanh nghiệp hoặc các chương trình thực tập nghiêm túc, sinh viên sẽ không bị rơi vào trạng thái "không biết đi đâu, về đâu" sau khi ra trường.

Văn Tùng (25 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) lại chọn hướng đi khác biệt, trở thành designer (người làm công việc thiết kế) dù tốt nghiệp ngành Truyền thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng khó khăn trong việc xin việc như Minh Huy, Văn Tùng (25 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) là một cựu sinh viên ngành Truyền thông, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Mặc dù học ngành truyền thông, Tùng lại chọn hướng đi khác biệt, trở thành designer (người làm công việc thiết kế).

Ban đầu, Tùng mong muốn làm việc trong môi trường sáng tạo, năng động dành cho GenZ. Tuy nhiên, quá trình xin việc không suôn sẻ. Sau khi nộp hồ sơ cho ba công ty và bị từ chối, Tùng phải chờ đến công ty thứ tư mới tìm được vị trí phù hợp.

Tùng chia sẻ: "May mắn là mình đã làm việc tự do từ khi còn là sinh viên và xây dựng danh tiếng qua mạng xã hội. Điều này giúp mình có kinh nghiệm thực tế, nên công ty đã nhận mình dù mới ra trường".

Tùng đã xây dựng danh tiếng qua mạng xã hội từ khi còn là sinh viên. Ảnh chụp màn hình

Mặc dù chứng kiến bạn bè có công việc ổn định dù học lực không nổi bật, Tùng không cảm thấy áp lực. "Mỗi người có cơ hội khác nhau, ai may mắn và biết nắm bắt sẽ thành công", Tùng chia sẻ.

Từng mơ ước làm nhà báo, Phương Anh (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tốt nghiệp ngành Báo chí với tấm bằng giỏi vào tháng 9/2024. Tuy nhiên, khi thị trường báo chí thu hẹp vì các báo, đài truyền hình sáp nhập, cô quyết định rẽ hướng sang truyền thông.

Sau tốt nghiệp, Phương Anh bắt đầu ứng tuyển vào nhiều công ty để tìm "chỗ đứng" trong ngành mới. Cô gái từng thử sức với công việc làm nội dung nhưng chỉ khoảng 20% hồ sơ được gọi phỏng vấn.

“Bằng giỏi chỉ là điểm cộng, quan trọng vẫn là bạn chứng minh được năng lực thực tế. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng vẫn ưu tiên những ứng viên từ các trường đại học lớn”, Phương Anh chia sẻ.

"Bằng đỏ" nhưng chưa "chín"

Lý giải về vấn đề dù bằng giỏi nhưng ra trường vẫn "chật vật" kiếm việc, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định, nhiều sinh viên vẫn học theo kiểu “mọt sách”, chú trọng ghi nhớ lý thuyết để đạt điểm cao, nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, tư duy giải quyết vấn đề và khả năng hội nhập nghề nghiệp. Khi bước vào thực tế, họ dễ hoang mang, lúng túng và bỏ lỡ cơ hội việc làm tốt.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, nhiều sinh viên vẫn học theo kiểu “mọt sách”. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sinh viên chọn ngành học chỉ vì “hot” chứ không dựa trên đam mê hay nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng thừa nhân lực, thất nghiệp dù có bằng giỏi. Thêm vào đó, ông Nam chia sẻ về mô hình năng lực chữ T giúp các bạn trẻ dễ thành công trong thế kỷ 21.

"Mô hình năng lực chữ T gồm một thanh dọc đại diện cho kiến thức chuyên ngành mà người học cần chiếm lĩnh trong quá trình học đại học. Thanh ngang đại diện cho các năng lực chuyển đổi, những kỹ năng mềm của công dân thế kỷ 21 gồm: Năng lực sáng tạo đổi mới, kỹ năng định hướng, khả năng thích ứng, tư duy phản biện, khả năng lãnh đạo và thuyết phục. Nếu thiếu một trong hai năng lực này thì cá nhân không thể thành công và thất nghiệp sau khi có bằng đại học sẽ là một tương lai khó tránh khỏi", thầy Nam chia sẻ.

Về phía nhà tuyển dụng, chị Thanh Huyền, nhân viên tuyển dụng tại chuỗi kính mắt có tiếng cho rằng, bằng giỏi là lợi thế ban đầu, thể hiện sự chăm chỉ và nền tảng học thuật tốt. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần là khả năng ứng dụng kiến thức vào công việc và tiềm năng phát triển của ứng viên.

Nhiều sinh viên dù học lực tốt nhưng thiếu kỹ năng mềm, tư duy phản biện và xử lý tình huống. Không ít người còn bị động, chưa quen áp lực công việc, thậm chí quá tự tin vào thành tích mà thiếu trải nghiệm thực tế, dẫn đến chậm thích nghi.

Theo anh Lê Phong, Giám đốc một công ty về kiến trúc, sự lệch pha giữa đào tạo lý thuyết và thực tế khiến sinh viên gặp khó khăn khi bước vào công việc thực tế. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm với chị Huyền, anh Lê Phong, Giám đốc một công ty về kiến trúc, cho biết, tấm bằng giỏi là lợi thế ban đầu, tuy nhiên, trong ngành kiến trúc, sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề thực tế và kỹ năng làm việc với khách hàng mới là yếu tố quyết định.

Anh Phong cũng chỉ ra rằng, sinh viên thường thiếu khả năng phối hợp đa ngành và chưa quen với áp lực dự án thực tế. Nhiều bạn chưa hiểu rõ mối liên hệ giữa thiết kế, thi công, ngân sách và khách hàng. Do vậy, sự lệch pha giữa đào tạo lý thuyết và thực tế khiến sinh viên gặp khó khăn khi bước vào công việc thực tế.

Tư duy cầu tiến và khả năng hợp tác được anh Phong đánh giá cao nhất. Sinh viên cần chủ động hơn trong việc trang bị kỹ năng mềm, kiến thức công nghệ mới và luôn giữ tinh thần khiêm tốn học hỏi.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao
Theo công bố thông tin của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) về tình hình lao động, việc làm quý I năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên giảm nhẹ xuống còn 7,93%, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị tăng lên 11,06%, trong khi khu vực nông thôn giảm còn 7,40%. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn trong cơ hội việc làm giữa các khu vực.
Theo Báo cáo Thị trường Tuyển dụng 2024–2025, phân tích dựa trên kết quả khảo sát với gần 3.000 doanh nghiệp và người lao động trên toàn quốc, cùng dữ liệu 300.000+ tin tuyển dụng trên Nền tảng TopCV, hơn 65% doanh nghiệp ưu tiên mở rộng kinh doanh, trong đó 47,6% tập trung tuyển dụng nhân sự Kinh doanh/Bán hàng có 1–3 năm kinh nghiệm.
Nhu cầu nhóm này tăng 8,3% so với năm trước nhưng cũng là đối tượng dễ bị cắt giảm khi thị trường biến động. Ngoài ra, các vị trí Marketing, Truyền thông và Chăm sóc khách hàng cũng có nguy cơ bị tinh gọn do xu hướng đa nhiệm.

Phương Hồng, Tường Vi
Nguồn: sohuutritue.net.vn