Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Học sinh lớp 12 cùng phụ huynh 'chạy nước rút' trước mùa thi

Thứ tư, 07/05/2025 11:28 (GMT+7)

Giai đoạn ôn thi nước rút, học sinh lớp 12 chịu áp lực lớn từ việc học và kỳ vọng từ gia đình, thầy cô. Thêm vào đó, sự lo lắng của cha mẹ đôi khi lại trở thành áp lực vô hình, khiến tâm lý các em thêm phần nặng nề và dễ rơi vào căng thẳng.

Học sinh đối mặt với "áp lực kép"

Trong giai đoạn nước rút ôn thi THPT, học sinh lớp 12 phải đối mặt với áp lực kép: Củng cố kiến thức và "gánh" kỳ vọng từ gia đình, thầy cô, khiến nhiều học sinh xem lựa chọn nguyện vọng là trách nhiệm hơn sở thích cá nhân.

Nga đang cân nhắc nguyện vọng vào ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ngành Ngôn ngữ Trung tại Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Tường Vi

Lê Nga (học sinh lớp 12 ở Hà Đông, TP Hà Nội) đang cân nhắc nguyện vọng vào ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ngành Ngôn ngữ Trung tại Trường Đại học Hà Nội.

Ngoài định hướng từ bố mẹ, Nga lựa chọn ngành Sư phạm vì ngành này được miễn học phí trong suốt 4 năm học, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Tuy nhiên, cả hai ngành Nga dự định thi vào đều yêu cầu điểm chuẩn cao. Các môn phải đạt trên 9 điểm mới có cơ hội vào sư phạm, khiến cô gái rất căng thẳng.

Dù bố mẹ không kiểm soát quá chặt, Nga vẫn cảm nhận được áp lực từ sự ủng hộ và kỳ vọng của gia đình. "Nhà mình không phải là hộ nghèo nhưng cũng không dư dả. Mẹ hay ốm, còn bố phải làm việc vất vả để nuôi ba anh chị em. Mình chỉ mong đậu vào ngành sư phạm để giảm bớt gánh nặng cho bố mà sau này sẽ có công việc ổn định", Nga cho biết.

Vì vậy, Nga thường thức khuya đến gần 2 giờ sáng, tranh thủ ăn những bữa cơm vội để tiếp tục ôn thi, thậm chí, bố cũng hỏi han Nga nhiều khiến em càng áp lực hơn, bởi sợ không đáp lại được kỳ vọng. "Mình nghĩ áp lực tạo ra kim cương, nên sẽ cố gắng hết sức để học", Nga nói.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm được hỗ trợ toàn bộ học phí và 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học, tối đa 10 tháng mỗi năm học. Chính sách này đã thu hút đông đảo thí sinh, khiến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cao, đặc biệt tại các trường tốp đầu như Đại học Sư phạm Hà Nội.

Duy Nam (học sinh lớp 12 tại Thanh Xuân, Hà Nội) có nguyện vọng thi vào ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Tường Vi

Tương tự Lê Nga, Duy Nam (học sinh lớp 12 tại Thanh Xuân, Hà Nội) có nguyện vọng thi vào ngành Công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với điểm chuẩn dự kiến trên 8,5 điểm/môn.

Theo Nam, mỗi ngày em dành 10–12 tiếng để ôn luyện. Đề thi gần đây có nhiều câu hỏi thực tiễn, trong khi ngành em đăng ký lại thuộc nhóm cạnh tranh cao, khiến Nam lo lắng vì sợ chưa nắm vững kiến thức trọng tâm và chưa luyện đề sát thực tế.

Thêm vào đó, việc không còn tham gia lớp học thêm khiến Nam phải tự học hoàn toàn tại nhà. "Mình phải tự ép bản thân vào khuôn khổ, nhưng đôi khi không giữ được nhịp. Chỉ cần học chậm một chút là bắt đầu thấy bất an và áp lực", Nam chia sẻ.

Áp lực học tập không chỉ đến từ sách vở mà còn đến từ những so sánh vô tình trong lời nói của người thân. Nam chia sẻ: "Có lúc bố mẹ nhắc đến thành tích học tập của bạn bè. Dù hiểu rằng gia đình không có ý gây áp lực, nhưng những so sánh ấy vẫn khiến mình thấy hụt hẫng và nghi ngờ năng lực của bản thân".

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), CNTT hiện là ngành học có tỷ lệ tuyển sinh cao thứ 2, chiếm 11,79%, và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Sức hút lớn đến từ cơ hội nghề nghiệp rộng mở, mức lương hấp dẫn và tiềm năng phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành có mức điểm chuẩn cao, cạnh tranh gay gắt. Qua thống kê từ 10 trường đại học lớn, điểm xét tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT dao động từ 21,83 đến 35,21 điểm (trung bình khoảng 8 điểm/môn).

Phụ huynh trăn trở, lo âu

Trong quá trình ôn thi căng thẳng ấy, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng mang trong mình nỗi trăn trở riêng. Chị Huyền (47 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ, chỉ cần con đỗ đại học dù học phí đại học thấy khá đắt đỏ.

Chị Huyền dồn tất cả niềm hy vọng vào cô con gái út, đứa con duy nhất được thầy cô đánh giá là có tiềm năng bước vào giảng đường đại học. Ảnh: Tường Vi

Gia đình chị Huyền có ba người con, nhưng hai người con đầu đều không học đại học. Vì hoàn cảnh khó khăn, các con đã sớm đi làm với mức lương "ba cọc ba đồng".

Chính vì thế, chị Huyền dồn tất cả niềm hy vọng vào cô con gái út, đứa con duy nhất được thầy cô đánh giá là có tiềm năng bước vào giảng đường đại học. Chị Huyền cũng thường xuyên khuyên con cố gắng phải vào được đại học.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng "chỉ cần đỗ đại học là được" của mẹ, con gái của chị Huyền lại muốn thi vào khoa Ngôn ngữ của Trường Đại học Hà Nội, với điểm chuẩn những năm gần đây luôn chạm ngưỡng trên 8,5 điểm/môn dù thi thử em chỉ được khoảng 8 điểm/môn.

Vì vậy, chị Huyền đã tìm hiểu các nền tảng học trực tuyến, đăng ký những khóa học thử miễn phí hoặc giá rẻ, tìm những đề thi mẫu sát với cấu trúc thật để con luyện dần.

Con gái út của chị Huyền gấp rút ôn bài để kịp chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Ảnh: Tường Vi

Tương tự, Gần đây, con gái chị Hương (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) trở nên ít nói, chỉ cắm cúi học. Những câu trả lời của con trở nên ngắn gọn, miễn cưỡng. Chị cũng nhiều lần động viên con “phải cố lên” nhưng sau mới nhận ra, lời nói tưởng là tiếp sức ấy có thể lại gây áp lực.

Theo chị Hương, nhiều phụ huynh nghĩ rằng hỏi han thường xuyên là đang quan tâm, rằng nhắc nhở con học là đang tiếp sức nhưng đôi khi, chính điều đó lại khiến con em mình có cảm giác mình đang bị giám sát, bị đặt lên một bàn cân vô hình về kỳ vọng.

Chị Hương cũng cho rằng, con phải "chạy nước rút" mùa thi cộng với việc siết chặt học thêm khiến con ngày càng áp lực. Để hỗ trợ con trong việc học, chị đã tìm hiểu, cân nhắc từng trung tâm ôn luyện uy tín, mong con có thêm chỗ dựa học tập vững vàng trong những tháng nước rút.

“Tôi nghĩ, ở thời điểm này, điều quý giá nhất mà con cần không phải là thêm một đề thi, thêm một lời thúc giục mà là cảm giác được lắng nghe và được tin tưởng”, chị Hương nói.

Phương Hồng
Nguồn: sohuutritue.net.vn