Dù nhận học bổng 30%, Huy phải chi thêm 700 triệu đồng học phí. Tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, Huy vẫn gặp khó khăn tìm việc đúng ngành được đào tạo.
Trịnh Xuân Huy (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) săn được học bổng du học
qua một công ty tại Việt Nam để học thạc sĩ ngành marketing ở đại học
Bournemouth (Anh) vào năm 2023.
"Học thạc sĩ ở Anh chỉ kéo dài một năm, học bổng không giảm nhiều.
Họ xét dựa trên bằng đại học và điểm số. Tôi được giảm 4.000/15.000 bảng, tương
đương 30% học phí. Dù vậy, gia đình vẫn phải gửi hơn 700 triệu đồng để tôi theo
học một năm tại đây" Huy cho biết.
Một giảng đường tại Bournemouth University, nơi Huy theo học.(Ảnh NVCC)
Theo Huy, học bổng không lớn nhưng đó là động lực để anh thực hiện ước
mơ du học. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt lại là vấn đề lớn.
Huy cho biết tiền thuê nhà và điện nước là 500 bảng/tháng, chi phí
sinh hoạt khoảng 100 bảng. Tổng cộng, anh phải chi hơn 600 bảng/ tháng (gần 20
triệu đồng).
"Tôi thuê một căn hộ ba phòng ngủ từ một chủ nhà người Việt và sống
cùng hai người bạn đồng hương. Bên cạnh đó, chúng tôi nấu ăn tại nhà để tiết kiệm
chi tiêu", Huy nói.
Do vậy, Huy tìm một công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Theo
quy định tại nơi Huy sinh sống, du học sinh chỉ làm thêm tối đa 20 giờ mỗi tuần,
với mức lương tối thiểu 11,5 bảng/giờ.
Huy cho biết, công việc ban đầu là bưng bê ở một nhà hàng buffet nhờ sự
giới thiệu của bạn bè, sau đó anh chuyển sang làm tại một quầy kem ngoài bãi biển
Bournemouth. Tiền kiếm được đủ để Huy chi trả chi phí sinh hoạt hằng tháng.
Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của chàng trai là tìm được một công việc
theo đúng ngành học. Theo Huy, ngành công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu tại
Anh dễ tìm việc hơn. Còn ngành marketing đặc thù, ưa chuộng người bản địa hơn,
vì ngành này cần có hiểu biết sâu về văn hóa và thói quen tiêu dùng của khách
hàng bản địa. Huy vẫn nộp đơn ứng tuyển vào nhiều công ty nhưng đều không được
tuyển.
“Giống như tôi, một người bạn học đã gửi đơn xin việc đến 50 công ty
nhưng vẫn không được tuyển vì không phải người bản địa”, Huy cho biết.
Ông Trịnh Xuân Quang (52 tuổi), bố Huy, chia sẻ rằng việc tìm việc
đúng chuyên ngành, đặc biệt ở một quốc gia phát triển như Anh, là không dễ. Để
con có cơ hội du học, ông đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm nhiều năm để con theo
học tại Anh.
“Dù chi phí học tập lớn nhưng tôi vẫn cho con đi du học với hy vọng con
sẽ học được những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và có cơ hội làm việc tại các
công ty lớn với một mức lương tốt”, ông Quang cho biết.
Khi biết con trai gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù
hợp với ngành học tại Anh, ông Quang thường xuyên gọi điện khuyên Huy không bỏ
cuộc.
"Tôi luôn động viên Huy cố gắng, nhưng cũng hiểu rằng môi
trường làm việc tại nước ngoài rất khắc nghiệt, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên
môn sâu, nhất là đối với những du học sinh không phải người bản địa. Nhưng tôi
vẫn mong con cố gắng", ông Quang cho biết.
Sau thời gian dài không tìm được việc làm và chi tiêu quá nhiều, Tết
2025, Huy tính sẽ trở về Việt Nam. Dù đã hoàn thành chương trình thạc sĩ tại
Anh, Huy nói cậu vẫn mông lung, chưa biết làm gì khi trở về.
Anh, quốc gia du học truyền thống của học sinh Việt Nam trong năm
2023, ghi nhận sự sụt giảm số lượng du học sinh người Việt, theo cơ quan thống
kê giáo dục đại học nước này.
Việt Nam có 3.240 người du học Anh trong năm 2022, giảm hơn một nửa so
với năm trước đó là 7.140 người và thấp hơn cả thời điểm trước đại dịch (3.725
vào năm 2020).
Giống như Huy, câu chuyện của về hành trình du học Mỹ của Tiến Đoàn,
Nam vương Quốc tế đầu tiên của Việt Nam, cũng gian nan.
Tiến Đoàn đã từ bỏ công việc ổn định trong ngành giải trí tại Việt Nam
để qua Mỹ theo đuổi giấc mơ trở thành phi công do giai đoạn 2012 - 2013, Việt
Nam chưa có trường đào tạo nghề bay.
Tuy nhiên, trường dạy bay Tiến Đoàn theo học phá sản, chủ đầu tư ôm trọn
tiền học phí của 68 học viên Việt Nam biến mất. Anh quyết định bắt đầu lại từ
con số 0 để tiếp tục học trở thành phi công.
Tiến Đoàn chia sẻ về công việc thầy dạy lái, tích lũy giờ bay tại Mỹ. (Ảnh NVCC)
Tiến Đoàn cho biết, để đạt được bằng phi công thương mại phải
hoàn thành ít nhất 1.500 giờ bay. Tổng chi phí cho hành trình này thường lên
đến hàng trăm nghìn đô la bao gồm cả học phí và giờ bay thực tế.
Nhiều
phi công phải tìm cách giảm chi phí bằng việc trở thành huấn luyện viên bay.
Công việc này không chỉ giúp họ tích lũy đủ giờ bay mà còn là nguồn thu nhập để
duy trì cuộc sống.
Tại Mỹ trong năm 2023 có 31.310 du học sinh Việt Nam và con số này đã
vượt mốc 30.000 người sau hai năm suy giảm. Theo một báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ
tài trợ, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ.
Tuy nhiên, tìm việc tại Mỹ cũng không hề dễ dàng với du học sinh Việt.
Để chi trả tiền học, Tiến Đoàn tìm đến những khu vực có đông người Việt sinh sống
hành nghề chụp và chỉnh sửa ảnh, làm huấn luyện viên thể hình.
Không chỉ ở Anh, ở Mỹ, học sinh người Việt cũng gặp khó khi muốn tìm
việc tại Úc. Một chủ nhà ở Sydney đã đăng tải bài viết về một du học sinh 17 tuổi
đến từ Nghệ An, đang được gia đình anh hỗ trợ khi gặp khó khăn về tài chính.
Gia chủ kể: "Được biết rằng bố mẹ bạn ấy phải vay mượn tiền ở nhà để đóng
cho bạn ấy sang đây du học với hy vọng (theo lời hứa của đơn vị tư vấn) là khi
sang bên này chỉ 2-3 tháng là bạn ấy có việc làm và tự trang trải được chi phí
và thậm chí còn có tiền gửi về nhà. Và cho đến tháng 2/2024 vừa rồi thì bạn ấy
tiêu hết sạch số tiền hơn 3.000 AUD (gần 48 triệu đồng- PV) mang theo từ
Việt Nam và không thể kiếm được việc gì để có thể tự nuôi bản thân".
Tiến Đoàn đã vượt hành trình gập ghềnh đề hoàn thành ước mơ bay trên đất Mỹ. Ảnh: NVCC.
Người này cho biết, sinh viên tại Úc gặp nhiều khó khăn khi tìm
việc làm thêm. Đối với sinh viên Việt Nam còn khó hơn nhiều do nhiều yếu tố như
ngôn ngữ, văn hóa. Trong khi đó Úc đứng đầu về tăng trưởng du học sinh Việt tại
Úc: Năm 2023 đạt kỷ lục 32.948 người, tăng hơn 46% so với 2022.
Tại lễ công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự (Bộ
Ngoại giao) tổ chức, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho hay
tại thời điểm đó có hơn 250.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, số lượng
tăng đều hằng năm. Trong đó, diện tự túc tăng khoảng 10.000 người mỗi năm.
Du học không quyết định thành công
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo
dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, du học không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành
công.
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng du học không phải là con đường duy nhất quyết định thành công. (Ảnh: Phương Hồng)
Dù tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trong nước hay quốc tế,
nhiều sinh viên vẫn phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao. Với những sinh
viên du học, tìm việc làm việc tại quốc gia sở tại còn khó khăn hơn.
"Nhiều bậc phụ huynh sính ngoại cho rằng chỉ cần có tấm bằng nước
ngoài là đủ để đảm bảo tương lai, quyết cho con du học bằng mọi giá mà không nhận
ra rằng sự sẵn sàng về tâm lý, kỹ năng, và văn hóa là điều kiện tiên quyết. Nếu
thiếu những yếu tố này, việc học ở nước ngoài sẽ trở nên khó khăn và kém hiệu
quả, bởi tốc độ học tập và áp lực ở đó không hề nhỏ”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, nhiều phụ huynh sợ con không đủ năng lực để học
đại học trong nước nên chọn phương án du học. "Nhưng không đương đầu nổi
áp lực trong nước thì khó thích nghi với môi trường đầy cạnh tranh ở nước
ngoài", vị chuyên gia nói.
Theo
ông Trần Thành Nam, nhiều công ty du học chỉ tập trung xây dựng hồ sơ để nhận
học bổng, nhưng khi sang nước ngoài, sinh viên gặp khó khăn trong việc thích
nghi và cuối cùng phải trở về trong sự thất vọng. Điều này làm mất thời gian và
gây áp lực kinh tế nặng nề. Nhiều quốc gia ưu tiên lao động bản địa, thêm vào
đó là sự cạnh tranh và tốc độ thay thế bởi công nghệ khiến cơ hội việc làm thu
hẹp.
Theo ông Nam, các trường đại học tại Việt Nam đang không ngừng khẳng định
vị thế trong khu vực và quốc tế. “Nhiều trường tại Việt Nam đã lọt vào top 500
hoặc 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới. Chi phí học tập tại Việt Nam thấp
hơn rất nhiều so với du học, trong khi chất lượng không ngừng được cải thiện, mở
ra nhiều cơ hội học tập và việc làm chất lượng ngay tại quê hương”, ông Nam cho
biết.
Theo
ông Trần Thành Nam, thay vì kỳ vọng con dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt
nghiệp, các bậc phụ huynh hãy định hướng để con phát triển tư duy khởi nghiệp,
tạo ra giá trị mới cho xã hội. Đây là cách bền vững để thành công trong bối
cảnh thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt.
“Thành
công không nằm ở tấm bằng mà ở khả năng thích ứng, sáng tạo, và không ngừng tự
học để cập nhật xu thế mới. Đây chính là chìa khóa giúp các du học sinh đối mặt
với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động toàn cầu", ông Nam
nói.
×
Theo Xuân Đoàn, Phương Hồng (Tạp chí Lao động & Xã hội)
Với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 2.587 USD, tức khoảng 58 triệu đồng (số liệu 2018) thì việc cho con đi du học nước ngoài là một điều gì đó xa vời, nếu không muốn nói là chỉ có “trong mơ” với đại bộ phận các gia đình ở Việt Nam…
Bên cạnh những mục đích có công việc tốt ở tương lai, không ít bạn trẻ nỗ lực hoàn thành tốt 4 năm đại học của mình để viết tiếp ước mơ du học đang bỏ dỡ
Hiện có hơn 130.000 công dân Việt Nam học tập tại nước ngoài, điều này khiến nhu cầu chuyển tiền quốc tế của các vị phụ huynh cho con cái đóng tiền học và sinh hoạt phí là không nhỏ.
Sáng 7/6, bài thi môn Ngữ văn, môn đầu tiên trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội được nhiều thí sinh nhận định vừa sức, đúng trọng tâm ôn tập.
Khi học sinh nhận về bảng điểm tổng kết, giấy khen cũng là lúc hàng loạt hình ảnh, bài viết phụ huynh khoe con xuất hiện trên mạng xã hội. Hành động này gây tranh cãi: tự hào chính đáng hay vô tình tạo áp lực và tổn thương tâm lý cho trẻ?
Nắng nóng trong những ngày qua khiến nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị vì say nắng, say nóng, thậm chí có bệnh nhân khỏe mạnh rơi vào tình trạng nguy kịch.
Nhiều người dân đến từ sớm để chào đón hơn 1.600 cán bộ, chiến sĩ từ TP HCM và Quảng Nam ra Hà Nội ngày 6/6, chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.