Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Sở Văn Hóa TP HCM lên tiếng vụ ViruSs, Pháo livestream ồn ào

Thứ năm, 03/04/2025 20:45 (GMT+7)

ViruSs đã xin lỗi và khép lại lùm xùm liên quan đến các mối quan hệ nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đấy.

ViruSs và "nhóm người yêu cũ" livestream hưởng lợi

Liên quan đến vụ việc streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) livestream gây ồn ào trên mạng xã hội, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã lên tiếng rằng Sở sẽ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên nếu có hướng dẫn cụ thể.

Trước đó, vụ việc này đã thu hút sự chú ý lớn khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tìm hiểu và xử lý thông tin về các phiên livestream của ViruSs, trong đó anh đối chất về lùm xùm tình cảm với một số nhân vật như rapper Pháo, Ngọc Kem và Emma Nhất Khanh, thu hút hàng triệu lượt xem.

Ồn ào liên quan đến livestream "bóc phốt" nhau trên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến khán giả trong thời gian qua.

Đỉnh điểm là phiên livestream vào tối 28/3/2025, đạt hơn 4,8 triệu lượt xem, với thời điểm cao nhất có hơn 1,5 triệu người xem cùng lúc. Sự việc không chỉ gây tranh cãi về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội mà còn đặt ra câu hỏi về việc quản lý nội dung số và trách nhiệm của các nền tảng.

Điểm đặc biệt là ViruSs không để phần tương tác mở như nhiều KOL khác mà bật tính năng giới hạn bình luận, chỉ cho phép những người đăng ký hội viên mới có thể tham gia thảo luận. Mức phí hội viên được anh đặt ở mức 155.000 đồng/tháng, giảm còn 130.000 đồng cho tháng đầu tiên nhằm khuyến khích người xem tham gia.

Trong suốt buổi livestream, ViruSs nhận được hàng trăm lượt donate từ khán giả, bao gồm các vật phẩm ảo như hoa hồng, sư tử, cá heo, và thậm chí TikTok Universe – những món quà có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng mỗi vật phẩm. Theo thông tin từ kênh cộng đồng của anh, đã có 635 người đăng ký hội viên, ước tính mang về khoảng hơn 80 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này bao gồm cả những thành viên đã đăng ký từ trước, nên doanh thu thực tế từ hội viên trong phiên livestream này có thể thấp hơn.

Một chuyên viên từ công ty chuyên booking KOL và TikToker tiết lộ rằng khoảng 50% thu nhập từ donate sẽ được chia cho nền tảng (như TikTok hoặc YouTube), và tiền từ hội viên cũng bị khấu trừ một phần phí dịch vụ. Với lượng người xem khổng lồ và mức độ tương tác cao, phiên livestream này của ViruSs được ước tính thu về hơn 100 triệu đồng chỉ từ donate và hội viên. Nếu tính tổng cộng 3 phiên livestream gần đây, ViruSs có thể đã bỏ túi khoảng 200-300 triệu đồng sau khi trừ đi các khoản phí nền tảng. Đây là con số ấn tượng, phản ánh sức hút mạnh mẽ của anh trong cộng đồng mạng, dù vẫn còn tranh cãi về nội dung và cách thức tổ chức các buổi phát sóng này.

Không chỉ ViruSs, các đối tượng còn lại cũng được hưởng lợi qua vụ việc livestream ầm ĩ này. Ngọc Kem - đương sự bị cho là bị "cắm sừng" theo lời của cô đã nhận được thương cảm từ cộng đồng và lượng follow của cô tăng cao, đồng nghĩa với cát sê đăng video từ các nhãn hàng cũng sẽ tăng theo cấp số nhân. Thậm chí, ngay giữa tâm bão cô cũng tham gia một phiên Megalive bán hàng thu hút lượng mắt xem khổng lồ. Còn nhân vật còn lại, rapper Pháo tận dụng scandal cũng đẩy bài hát diss ra đúng thời điểm và leo lên Top thịnh hành. Tuy vậy, thời gian gần đây, rapper Pháo bị phản ngược và dữ dội vì hóa ra cô chưa bao giờ trong mối quan hệ yêu đương với ViruSs và chỉ tận dụng scandal của Ngọc Kem - ViruSs để biến mình thành nạn nhân nhằm tung sản phẩm âm nhạc chứa nhiều lời lẽ kém văn minh để "cọ nhiệt". Thậm chí, ê-kip của nữ rapper đã nhanh tay gắn mác MV dành cho đối tượng trên 16 tuổi để hạn chế sự kiểm duyệt gắt gao từ nền tảng sau khi xuất hiện nhiều comment trái chiều.

Sở và Bộ Văn Hóa sẽ xử lý mạnh tay nếu có dấu hiệu bắt tay tạo drama

Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết họ đang theo dõi tình hình và sẽ hành động dựa trên chỉ đạo từ Bộ (nếu có) để đảm bảo xử lý phù hợp với quy định pháp luật và định hướng văn hóa cộng đồng. Trong khi đó, ViruSs và một số bên liên quan đã lên tiếng xin lỗi vào ngày 29/3, bày tỏ mong muốn khép lại lùm xùm này

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết, không chỉ riêng vụ lùm xùm livestream của ViruSs, thời gian qua, cơ quan chức năng tại TP HCM đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm tương tự liên quan đến cá nhân và tổ chức. Các vi phạm này chủ yếu rơi vào phạm vi Điều 36 Nghị định số 147/2024/NĐ-CP, ban hành ngày 9/11/2024, quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, bao gồm cả mạng xã hội trong nước và các nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam. Nghị định này đặt ra các tiêu chuẩn pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động trên không gian mạng.

Cần phải loại bỏ các hành vi trục lợi và cách ứng xử không chuẩn mực, trái đạo đức của một bộ phận những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Cụ thể, đối với trường hợp sử dụng tính năng livestream cho mục đích thương mại, Nghị định 147/2024 yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng bằng số định danh cá nhân, tuân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Theo điểm e khoản 2 Điều 23 của nghị định, chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được phép đăng tải thông tin (bao gồm viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ nội dung trên mạng xã hội. Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm của người dùng và đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong các hoạt động trực tuyến.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021. Bộ quy tắc này áp dụng cho tất cả đối tượng sử dụng mạng xã hội, từ cá nhân đến tổ chức, và được quy định chi tiết tại Điều 3. Các quy tắc nhấn mạnh việc ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật, không lan truyền thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng tham chiếu khi xử lý các vụ việc như livestream gây tranh cãi, đặc biệt khi có yếu tố thương mại hoặc nội dung không phù hợp.

Trong bối cảnh vụ ViruSs và nhiều trường hợp tương tự, các quy định trên cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc siết chặt hoạt động trên mạng xã hội, đồng thời đặt ra thách thức cho các KOL, streamer trong việc tuân thủ pháp luật và duy trì hình ảnh trước công chúng.

Huyền Phi
Nguồn: sohuutritue.net.vn