Sợ thực phẩm bẩn, dân thành phố săn sản vật rừng đón tết
Người dân thành phố rộ mốt săn lùng sản vật rừng như rau dại, măng rừng, gà đồi, lợn thả rông, lợn rừng lai, trà cổ thụ… làm quà tết.
Sản vật rừng “lên ngôi”
Trước mối lo ngại về thực phẩm bẩn dịp tết, đặc biệt là vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái… khiến người tiêu dùng hoang mang. Nhiều người đang quay về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, đặc biệt là các sản vật mang có nguồn gốc núi rừng.
Trước đây, người ta quan niệm về mâm cơm ngày tết phải cao sang, mâm cao cỗ đầy. Tuy nhiên, khi đời sống tinh thần được nâng cao, người ta không quá đặt nặng về vấn đề hình thức nữa mà nghiêng về sử dụng sản phẩm an toàn hơn.
Ông Hoàng Văn Hỷ (trú tại đường Trần Phú, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cho biết có thói quen sử dụng sản vật dân tộc nhiều năm nay. Ông Hỷ quê gốc ở Lạng Sơn nhưng ra thành phố lập nghiệp từ nhỏ. Dù thành phố không thiếu “sơn hào hải vị” nhưng ông vẫn có thói quen sử dụng sản vật có nguồn gốc ở quê. Hằng ngày, ông vẫn nhờ người thân ở quê mua giúp gạo, rau sạch, cá suối… rồi gửi theo xe khách ra thành phố.
“Dịp tết nào tôi cũng nhờ người thân ở quê tìm mua hơn chục con gà bản để đón tết. Bạn bè đến nhà chơi được ăn thịt gà đồi dai, thơm, ngon nên lại nhờ mua. Có năm tôi phải nhờ người nhà đi vào làng bản xa xôi đặt mua vài chục con gà để chuyển ra Móng Cái. Tôi đã duy trì thói quen ăn uống đồ quê từ nhiều năm nay”, ông Hỷ cho biết.
Theo khảo sát, các sản phẩm được ưa chuộng như rau dại, rau rớn, gà đồi, lợn thả rông. Miến khoai, miến dong. Các loại sản vật rừng này có giá rất cao. Đơn cử như nấm hương rừng giá bán 400.000 đồng mỗi kg, gà đồi giá 200.000 đồng/kg…
Đặc biệt là lợn thả rông đang được rất nhiều người tìm mua. Anh Hoàng Tuấn ở huyện Yên Thủy, Hòa Bình là chủ trang trại chăn nuôi lợn thả rông có tiếng ở Hòa Bình. Mỗi con nặng khoảng 20-30 kg rất hút khách. Giá bán mỗi kg khoảng 120.000 đồng. Gia đình đông người thì mua chung một con, gia đình ít người thì chung với gia đình khác để mua chung.
Cũng theo anh Tuấn, bên cạnh lợn thả rông thì gà nuôi tự nhiên cũng cực kỳ hút khách. Gà Ri Lạc Thủy thuộc giống bảo tồn của viện chăn nuôi quốc gia. Ngày thường, giá mỗi kg Gà Ri dao động khoảng 67-70.000 đồng. Tuy nhiên, dịp tết, mỗi kg gà xuất tại vườn là 120.000 đồng. Trong tháng tết này, chỉ tính riêng Chợ đầu mối Hà Vỹ đã tiêu thụ khoảng 40 – 50 vạn con.
Đặc biệt, trong dịp tết này giống lợn rừng lai đang được khách hàng cực kỳ ưa chuộng. Theo khảo sát tại một số trang trại nuôi lợn rừng lai, giá cũng chênh nhau không đáng kể. Trung bình, mỗi kg lợn hơi hệ F1 (đời lai đầu tiên) là 140.000 đồng. Thế hệ F2 giá 130.000 đồng kg.
Đồ sản vật rừng khô là sản phẩm được ưa chuộng hơn cả. Cụ thể như măng rừng sấy khô, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy… để dùng trong những ngày tết. Đặc biệt, ngay cả các loại gia vị nấu ăn, người ta cũng không còn “sính” các mặt hàng sa xỉ như trước mà tìm mua gia vị của rừng núi. Đặc biệt như gia vị chẩm chéo của người Thái ở Tây Bắc, hay mua hạt dổi, mắc khén tiêu rừng…
Mấy năm trước, người ta quan niệm những chai rượu ngoại như chivas, hennessy, whisky… hạng sang để biếu nhau là đẳng cấp, là cao quý. Trước vấn nạn rượu giả, rượu lậu bán tràn lan, người ta lại có xu hướng tìm mua rượu quê. Các dòng rượu quê được ưa chuộng như: rượu gạo quê, rượu ngô Bắc Hà, rượu sắn, rượu men lá. Hay những bình rượu ngâm sâm quy, sâm đinh lăng, sâm rừng… được nhiều người chọn để làm quà biếu hơn. Nhiều người quan niệm rằng, biếu rượu sâm thảo dược vừa bổ vừa độc đáo, không bị đụng hàng.
Ngay cả thú vui tao nhã là thưởng trà cũng có những “dịch chuyển” nhất định. Trước đây, người ta tìm mua các loại trà cao cấp của Trung Quốc như: Long Tỉnh Tây Hồ, Trà Bích Loa Xuân, Trà Phổ Nhĩ Vân Nam, Kỳ Môn Hồng Trà…. Tuy nhiên, trong dịp tết này, có nhiều người tìm đến các sản phẩm thiên nhiên có nguồn gốc từ Việt Nam. Khách sành chơi tìm mua trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái), trà rừng ở Tà Xùa, trà Shan tuyết cổ thụ Hà Giang, trà Shan Tuyết cổ thụ ở những cánh rừng nguyên sinh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Giá mỗi kg trà rừng cổ thụ trung bình giao động từ 500.000 – 2.000.000 đồng, tùy loại trà và chất lượng thương phẩm. So với các loại trà khác trong nước thì khá cao. Tuy nhiên, so với các sản phẩm trà của Trung Quốc thì giá rẻ hơn rất nhiều lần. Hơn nữa, nhiều người có kinh nghiệm thưởng trà còn nhận định, trà cổ thụ của Việt Nam cũng không thua kém gì trà thượng hạng của Trung Quốc.
Siêu thị bản online
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, sự phổ biến của mạng xã hội, người dân thành phố có thể ngồi ở nhà hay văn phòng cũng có thể mua được sản vật núi rừng.
Đặc biệt là qua mạng xã hội facebook, người bán ở tận làng bản cũng có thể tự đăng sản phẩm lên trang cá nhân, người dân ở thành phố có thể đặt hàng trực tiếp đặt mua hàng. Cùng với sự phát triển của hệ thống vận chuyển, người dân ở thành phố có thể đặt mua bất cứ món gì ở vùng núi, khi nhận hàng mới phải thánh toán thông qua dịch vụ “ship cod”. Ví như ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương có thể mua nấm hương rừng tận Sa Pa.
Chị B.T, chủ shop bán sản vật rừng qua mạng cho biết. Chỉ cần qua facebook, tôi có thể bán sản vật quê tôi trên khắp cả nước. Trong dịp tết này, người tiêu dùng khắp cả nước liên tục đặt mua măng rừng, miến dong, rau dại, trà rừng, sâm rừng… để làm quà biếu. Do khan hiếm nguồn hàng nên nhiều mặt hàng tăng giá hơn so với ngày bình thường.
Khách hàng cũng có thể mua sản vật núi rừng thông qua các sàn thương mại điện tử. Một số mặt hàng thông rụng như: miến rong, nấm hương rừng, măng rừng… có thể dễ dàng mua trên shopee, sendo... Tuy nhiên, một số mặt hàng vùng cao thường không có các đơn vị đứng ra kiểm định chất lượng nên việc bày bán trên các sàn thương mại điện tử cũng không thật sự phổ biến. Bởi lẽ, các sàn cũng kiểm định khá ngặt về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Dịp tết này, dịch vụ đặt trang trại chăn nuôi tự nhiên rất phát triển. Khách hàng ở thành phố, thông qua các trang mạng, chọn mua lợn rừng, gà đồi, thỏ, dê… của một trang trại ở quê. Sau đó chuyển khoản, đăng ký nhờ chủ trang trại chăn nuôi giúp. Khách hàng giám sát toàn bộ quá trình chăm sóc thông qua camera được cấp quyền truy cập từ chủ trang trại. Lúc nào muốn thịt thì đến trang trại bắt về. Thậm chí khách hàng không cần đến tận nơi mà có thể nhờ trang trại vận chuyển tận nhà.
Người xưa quan niệm rằng, ngày tết có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh” là no đủ. Còn thời nay quan niệm rằng, có thực phẩm sạch đón tết thì mới sang.
Thế Hoàng
-
Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo
-
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng
-
Tạm giữ trên 25 tấn vải may mặc do Trung Quốc sản xuất
-
Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm giả tại huyện Gò Công Tây
-
Thu giữ hàng trăm áo phao không rõ nguồn gốc
-
Truy quét hàng giả cuối năm