Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Số hộ kinh doanh chuyển thành mô hình doanh nghiệp tăng vọt sau loạt chính sách mới

Thứ sáu, 11/07/2025 07:15 (GMT+7)

Chỉ trong tháng 6/2025, hơn 124.000 hộ kinh doanh đăng ký mới, gần 1.500 hộ chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp. Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ đang lan tỏa, cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh đã trở lại.

Sau thời gian dài "ngóng" những tín hiệu phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp và hộ kinh doanh tư nhân nay đang chứng kiến một bước chuyển mình đáng kể. Một phần nhờ vào chuỗi chính sách đột phá vừa được Trung ương và Quốc hội thông qua, một phần đến từ sự thay đổi về tư duy, công cụ quản lý và lộ trình số hóa mạnh mẽ.

Chỉ trong tháng 6/2025, hơn 124.000 hộ kinh doanh đăng ký mới, gần 1.500 hộ chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp. Ảnh minh họa: VGP

Theo thông tin từ Bộ Tài chính chiều 10/7, trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận gần 91.200 doanh nghiệp thành lập mới - mức tăng lên tới 60,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên 61.500 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng gần 57,22%.

Đáng chú ý hơn cả là làn sóng hộ kinh doanh đăng ký mới và chuyển đổi mô hình: riêng tháng 6, có hơn 124.300 hộ kinh doanh mới ra đời - tăng 118,4%, cùng với 910 hộ kinh doanh truyền thống chuyển đổi thành doanh nghiệp, chiếm gần 2/3 tổng số hộ chuyển đổi trong 6 tháng qua.

Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), đây là lần đầu tiên tổng số doanh nghiệp mới và tái gia nhập cao hơn 1,2 lần so với số rút lui khỏi thị trường. Một tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã được khơi dậy rõ rệt.

Không thể không nhắc đến dấu ấn của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Với hàng loạt chính sách mang tính đột phá, từ tháo gỡ nút thắt về vốn, cải cách thủ tục hành chính, đến định hướng nâng cao chất lượng nhân lực và tiếp cận công nghệ, khu vực kinh tế tư nhân nay đang có thêm dư địa để “bung sức”.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “Nếu những điểm nghẽn về quản lý nhà nước, tiếp cận đất đai, vốn và công nghệ được tháo gỡ đúng hướng, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể tự mình lớn lên mà không cần ô dù bảo trợ”.

Đặc biệt về vốn, theo ông Thiên, tinh thần mới là "không giới hạn, không rào cản". Nhưng cũng kèm theo yêu cầu: doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn lực, phải có nhân sự chất lượng, có kế hoạch kinh doanh rõ ràng và thị trường ổn định. Chủ động nội lực mới là chìa khóa để đi xa.

Một trong những thay đổi căn bản dẫn đến sự “bứt phá chưa từng có” trong tháng 6 chính là Nghị định 70/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/6, yêu cầu hộ và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm sử dụng hóa đơn điện tử kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.

Cùng với việc kê khai và nộp thuế theo doanh thu thực tế, thay cho thuế khoán như trước, nhiều hộ kinh doanh đã chủ động “lên đời” mô hình thành doanh nghiệp để vận hành bài bản và tối ưu chi phí.

Không dừng lại ở đó, ngành thuế đang triển khai lộ trình xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026, phân loại hộ kinh doanh thành 4 nhóm theo doanh thu để quản lý. Trong đó, các hộ thuộc nhóm có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm buộc phải áp dụng chế độ kế toán đơn giản hoặc đầy đủ, tùy theo quy mô.

Điều này không chỉ giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, mà còn tạo nền tảng dữ liệu bền vững để Nhà nước hoạch định chính sách, đồng thời giúp hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận vốn, hỗ trợ chính sách chính thức như doanh nghiệp.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Bộ Tài chính đang đề xuất nâng ngưỡng doanh thu miễn thuế VAT và thuế TNCN từ 200 triệu đồng lên 400 triệu đồng/năm, đồng thời thay thế khái niệm “hộ kinh doanh” bằng “cá nhân kinh doanh”, dùng số định danh cá nhân làm mã số thuế.

Mục tiêu là đơn giản hóa quản lý, tăng kết nối dữ liệu giữa các cơ quan và tiến tới một hệ thống thuế minh bạch, công bằng.

Trong bức tranh tổng thể, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận kết quả ấn tượng, đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng - bằng 67,7% dự toán cả năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa chiếm hơn 1.158 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh đến 33,3%.

Kết quả này cho thấy sức sống của nền kinh tế đang phục hồi rõ rệt, đặc biệt là sự đóng góp ngày càng lớn từ khu vực kinh tế tư nhân.