Hóa đơn điện tử: Tiểu thương lúng túng thích ứng, chờ được hướng dẫn
Thứ ba, 01/07/2025 09:56 (GMT+7)
Nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại Hà Nội đang tạm ngừng buôn bán, loay hoay kê khai, thậm chí hướng dẫn khách chuyển tiền kiểu “chúc mừng sinh nhật” để né thuế. Chính sách mới về hóa đơn điện tử khiến họ vừa hoang mang, vừa lo bị xử phạt vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền không còn xa lạ với doanh nghiệp. Nhưng với hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ, từ quán ăn vỉa hè, sạp hàng chợ đến người bán online lại là một thay đổi lớn.
Theo quy định mới, từ ngày 1/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm sẽ phải bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, được khởi tạo từ máy tính tiền và kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tính minh bạch, công bằng trong kinh doanh, đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, dù đã triển khai được một tháng, thực tế ghi nhận nhiều hộ kinh doanh vẫn còn lúng túng, chưa hiểu rõ cách triển khai hoặc gặp khó khăn về thiết bị, kỹ thuật và chi phí ban đầu.
Chưa biết bắt đầu từ đâu
Tiệm đồ gia dụng của chị Lê Thị Hằng nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ ở quận Đống Đa (Hà Nội). Gần 15 năm bán buôn, đây là lần đầu tiên chị phải tạm đóng cửa để "xem tình hình".
"Không phải tôi không muốn làm theo quy định mới, mà vì tôi không biết bắt đầu từ đâu. Máy tính tiền là gì, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền như thế nào, ai chỉ cho tôi bây giờ?", chị Hằng bối rối. Doanh thu của chị năm ngoái hơn 1,2 tỷ đồng – thuộc diện phải dùng hóa đơn điện tử, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế kể từ 1/6.
Chị băn khoăn các đầu mối quen trước đây khi giao hàng đều cộng tay, viết giấy. Giờ muốn có hóa đơn đầu vào để xuất hóa đơn đầu ra, nhiều nơi lại đòi chuyển sang thanh toán tiền mặt, chuyển khoản thì phải trả thêm phí, rất vô lý.
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ chật vật thích ứng quy định mới. Ảnh minh họa: Trịnh Hải
Cũng ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Duyên (56 tuổi, quận Thanh Xuân) mở tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày bán vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Dù chưa vượt mức 1 tỷ đồng/năm nhưng bà vẫn thấp thỏm.
“Tôi học hết lớp 5, không biết kê khai thế nào, không biết doanh thu tháng nào vượt hay chưa. Lỡ sai thì bị truy thu, bị phạt thì lấy đâu ra tiền?”, bà Duyên lo lắng. Mấy hôm nay, bà liên tục gọi lên chi cục thuế xin được hướng dẫn, nhưng chỉ được hẹn “có cán bộ xuống sau”.
Còn chị Đỗ Thị Lan (45 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), bán đồ gia dụng online, thường xuyên phải đối mặt với những tình huống trớ trêu: “Khách đặt hàng rồi 'bom' như cơm bữa. Nếu tôi đã xuất hóa đơn, bị hoàn hàng thì sao? Vẫn bị tính doanh thu à?”
Không chỉ chị Lan, nhiều người bán hàng online cũng chia sẻ họ đang phải “lách” bằng cách đề nghị khách chuyển khoản nhưng không ghi nội dung. “Nhiều người chuyển tiền ghi ‘chúc mừng cưới’, ‘trả nợ’, nghe buồn cười nhưng thực sự là bất lực”, chị Lan nói.
Nhiều tiểu thương "đóng cửa then cài". Ảnh: Trịnh Hải
Theo ghi nhận, tâm lý lo lắng đang lan rộng trong cộng đồng tiểu thương tại Hà Nội. Các diễn đàn mạng xã hội của giới buôn bán nhỏ ngập tràn câu hỏi: Có cần dùng hóa đơn điện tử không? Làm thế nào để kết nối với cơ quan thuế? Hàng không hóa đơn đầu vào thì làm sao kê khai?
Việc bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền cũng đang khiến nhiều tiểu thương ngành đồ cổ lúng túng. Không phải vì chống đối pháp luật, mà bởi đặc thù hàng hóa không thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
“Có những món trong tiệm tôi cả trăm năm tuổi, người bán còn chẳng biết xuất xứ thì lấy đâu ra hóa đơn?”, một người kinh doanh đồ cổ lâu năm tại TP Hà Nội bày tỏ lo lắng.
Theo anh, phần lớn mặt hàng trong ngành như tủ gỗ, bàn ghế, bình sứ, tượng đồng... đều được mua lại từ gia đình, nhà sưu tầm hoặc truyền đời. Tính độc bản và giá trị lịch sử là yếu tố cốt lõi, nên việc yêu cầu hóa đơn đầu vào cho từng món là “bất khả thi”.
Tiểu thương kinh doanh đồ cổ cho rằng, minh bạch là cần thiết, nhưng cần phân biệt giữa sản phẩm công nghiệp sản xuất mới và hàng hóa mang tính di sản, vì không thể áp một công thức quản lý chung cho tất cả.
Cần thời gian, cần được “cầm tay chỉ việc”
Theo ThS. Đào Duy Khánh, chuyên gia kinh tế, việc chuyển từ thuế khoán sang tính thuế theo doanh thu là xu hướng tất yếu, giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh. Các hộ nên chủ động tìm hiểu quy định, áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát doanh thu chính xác, tránh bị động khi luật siết chặt.
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi không thể một sớm một chiều. Nhiều hộ kinh doanh nhỏ, tự phát, quen với hình thức ghi tay, tính nhẩm, cần có thời gian 1-2 năm để thích nghi. “Không thể bắt người dân chuyển đổi ngay khi họ còn chưa hiểu rõ”, ông Khánh nói.
Ông cũng nhấn mạnh, thay vì chỉ kiểm tra, xử phạt, các cơ quan chức năng nên đẩy mạnh truyền thông, tập huấn đơn giản, dễ hiểu. “Hướng dẫn đúng cách sẽ hiệu quả hơn là gây áp lực. Nếu không khéo, người dân sẽ tìm cách né thuế, thậm chí bỏ luôn việc kinh doanh”, ông khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện CIEM) cho rằng, việc bãi bỏ thuế khoán và thay bằng hóa đơn điện tử là bước đi đúng, giúp nâng cao tính minh bạch, công bằng trong kinh doanh.
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, quy định áp dụng bắt buộc hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kể từ ngày 1/6/2025 đang được triển khai quá gấp gáp, khiến nhiều hộ kinh doanh trở tay không kịp.
Đặc biệt, với các hộ kinh doanh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ, thì yêu cầu đầu tư máy móc, học cách sử dụng phần mềm và kết nối mạng là điều quá sức trong thời gian ngắn.
“Lẽ ra nên lùi ít nhất 3 tháng để hộ kinh doanh có thời gian thích ứng và cơ quan thuế có thể hướng dẫn kỹ càng hơn”, bà Thảo đề xuất.
Theo bà, thay vì áp dụng đồng loạt rồi xử phạt khi người dân chưa kịp chuẩn bị, cần ưu tiên truyền thông, hướng dẫn, tạo động lực để hộ kinh doanh chuyển mình chuyên nghiệp. Sau giai đoạn thích ứng, nếu vẫn cố tình vi phạm mới nên tính đến chế tài.
Bà Thảo cũng cho rằng, cơ quan thuế có thể “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ kỹ thuật để giúp hộ kinh doanh hiểu rõ cách thức sử dụng hóa đơn điện tử, từ đó dần chuyển đổi tự nhiên và hiệu quả hơn.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế chia sẻ, trong tháng 6 này, ngành thuế sẽ đến từng hộ kinh doanh để hỗ trợ trực tiếp việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Lãnh đạo Cục Thuế khẳng định: Để đảm bảo người nộp thuế được hướng dẫn đầy đủ, đúng quy định, nhiều chi cục thuế đã bố trí cán bộ trực ngoài giờ hành chính, phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm đến tận nơi hỗ trợ hộ kinh doanh làm quen và sử dụng thành thạo hóa đơn điện tử.
Từ 1/6/2025, nhiều hộ kinh doanh và doanh nghiệp phải dùng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Tuy nhiên, có những trường hợp được miễn áp dụng hình thức này. Luật sư Hoàng Văn Hà lý giải chi tiết.
Tính đến nay, chưa có hộ kinh doanh nào bị xử phạt vì chưa biết dùng hóa đơn điện tử - Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đồng thời cam kết hỗ trợ tối đa để hộ cá thể, tiểu thương yên tâm thực hiện.
Cơ quan thuế khẳng định việc gần 3.000 hộ kinh doanh tại Hà Nội ngừng hoạt động trong tháng 5 và 6/2025 không xuất phát từ chính sách hóa đơn điện tử theo Nghị định 70, mà chủ yếu do tâm lý e ngại hàng giả và những hiểu lầm về truy thu thuế khoán.
111.800 là số doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam gia nhập hoặc tái gia nhập thị trường, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái và trên 110.000 DN tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể hoặc chính thức giải thể, tính đến hết tháng 5/2025
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) vừa có văn bản công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu mã Novaland.Bond.2019.
6 tháng đầu năm 2025, tổng tài sản Vietcombank ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024, tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường về quy mô vốn hoá và lợi nhuận.
Đêm nay, giá xăng chính thức hạ nhiệt sau chuỗi ngày liên tục leo thang. Cùng lúc, Bộ Công Thương hé lộ lộ trình sử dụng xăng sinh học E10 từ năm 2026, mở đường cho cuộc chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng.
Dù nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo sai sự thật, Dược phẩm Hoàng Hường vẫn tiếp tục tái phạm và thường xuyên gây ra những tranh cãi chưa có hồi kết.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.