Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Siết chặt kiểm soát thị trường, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho dân trong mưa bão

Thứ ba, 22/07/2025 13:02 (GMT+7)

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước khẩn cấp yêu cầu các địa phương chuẩn bị ứng phó bão số 3 WIPHA. Trọng tâm là đảm bảo an ninh hàng hóa thiết yếu, kiểm soát thị trường, tránh đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, giúp dân yên tâm.

Ngày 21/7, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Cục TTTN) phát đi công văn khẩn gửi các Sở Công Thương tại hàng loạt tỉnh thành, yêu cầu sẵn sàng kích hoạt các biện pháp ứng phó bão số 3 - cơn bão WIPHA, được dự báo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều địa phương trên cả nước. Trong danh sách cảnh báo có cả những địa phương đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, đến các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên như Lào Cai, Sơn La, Gia Lai, Đắk Lắk...

Các hệ thống siêu thị sẵn sàng nguồn hàng ứng phó bão Wipha. Ảnh minh hoạ

Theo chỉ đạo từ Bộ Công Thương, trọng tâm hiện nay không chỉ là “chạy bão” mà phải đảm bảo an ninh hàng hóa, đặc biệt với các nhóm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước sạch, vật liệu xây dựng, xăng dầu...

Các địa phương được yêu cầu xây dựng kịch bản dự trữ hàng phù hợp với thực tế địa hình, dân cư và khả năng chia cắt khi mưa lũ xảy ra. Việc phối hợp với doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để thiết lập các điểm dự trữ và phân phối nhanh cũng được nhấn mạnh là yếu tố “sống còn” trong bối cảnh bão có thể làm gián đoạn lưu thông.

Song song đó, hệ thống phân phối phải được kích hoạt theo mô hình “liên kết chặt - ứng biến nhanh” để tránh tình trạng người dân hoang mang, đổ xô tích trữ gây khan hiếm cục bộ hoặc bị thổi giá.

Cục TTTN cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Lực lượng quản lý thị trường được chỉ đạo bám sát địa bàn, đặc biệt tại các chợ đầu mối, cửa hàng lương thực, siêu thị, cây xăng... để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Trong mùa bão, không thiếu những “cái bẫy” giá cả được dựng lên từ lòng tham - từ gạo, mì tôm đến nước lọc hay thậm chí… đá lạnh. Vì vậy, ngoài việc kiểm tra trực tiếp, các địa phương cũng được yêu cầu cập nhật liên tục tình hình thị trường, giá cả để kịp thời điều tiết và công khai thông tin giúp người dân yên tâm.

Đại diện Cục TTTN thừa nhận, các kịch bản hiện nay đều được xây dựng dựa trên kinh nghiệm từ những “cuộc khủng hoảng thực phẩm” cục bộ trong mùa bão trước, hay đợt cao điểm giãn cách xã hội vì COVID-19.

Trong thời điểm thời tiết diễn biến khó lường, vai trò của chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần đặt trên một mặt trận thống nhất: chủ động, bình tĩnh và phối hợp nhịp nhàng.