Thu cả trăm triệu/tháng từ bán đồ ăn vặt thuần chay
Đồ ăn vặt chay không chỉ giúp thỏa mãn cơn thèm ăn một cách lành mạnh, thị trường này còn mang đến cơ hội kinh doanh bạc triệu cho những ai biết nắm bắt xu hướng.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Vào thời gian Lễ Phật đản, thị trường thực phẩm chay trở nên nhộn nhịp. Từ chợ truyền thống đến siêu thị, cửa hàng đến nền tảng bán hàng online, các loại thực phẩm chay được rao bán với mẫu mã phong phú, hương vị đa dạng và sức tiêu thụ tăng mạnh.
Theo truyền thống Phật giáo, Lễ Phật Đản thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch (15/4 Âm lịch). Năm 2025, Lễ Phật Đản Phật lịch sẽ rơi vào ngày 12/5/2025 theo dương lịch. Ngoài ngày chính lễ, các hoạt động mừng Phật Đản thường kéo dài trong suốt nửa đầu tháng 4 âm lịch.
Đây cũng là thời điểm thị trường thực phẩm chay trở nên nhộn nhịp. Ngày càng nhiều người chọn thực phẩm chay cho các bữa ăn thường nhật. Không chỉ người lớn tuổi mới lựa chọn ăn chay vì lý do tâm linh hay sức khỏe, nhiều người trẻ cũng hào hứng trải nghiệm ẩm thực chay như một phong cách sống hiện đại, vừa thanh lọc cơ thể, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Từ đầu tháng 4 âm lịch, thị trường thực phẩm chay trở nên sôi động. Nhiều người tiêu dùng lựa chọn ăn chay suốt cả tháng thay vì chỉ ăn vào ngày rằm và mùng một. Bên cạnh tín ngưỡng Phật giáo, nhiều người còn xem ăn chay là cách chăm sóc sức khỏe bền vững.
Bà Lê Thị Bình (66 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ ăn chay vài ngày trong tháng. Giờ có tuổi, tôi chuyển sang ăn chay từ 10-15 ngày mỗi tháng. Riêng tháng 4 và 7 âm lịch thì ăn chay cả tháng. Tôi vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn nhiều rau, hạt, nấm và trái cây tươi”.
Thị trường thực phẩm chay hiện nay khá đa dạng, gồm hai dòng chính: Chay chế biến sẵn và thực phẩm chay truyền thống. Các sản phẩm giả mặn như gà quay, bò xào, thịt nướng chay, lẩu chay… được trình bày bắt mắt, hương vị hấp dẫn. Trong khi đó, các nguyên liệu truyền thống như đậu hũ, nấm, rau củ, ngũ cốc, trái cây sấy… vẫn là lựa chọn quen thuộc với nhiều người ưa tự chế biến tại nhà.
Không chỉ người lớn tuổi, giới trẻ Hà Nội hiện nay cũng chuyển mình theo trào lưu ăn chay thông minh. Nguyễn Hải Yến (28 tuổi, nhân viên marketing) là một ví dụ điển hình. Yến quyết định ăn chay hai lần mỗi tuần, thường vào thứ Ba và thứ Sáu, như một cách “cân bằng lại cơ thể” sau những ngày ăn uống linh tinh, nhiều dầu mỡ.
“Ăn chay giúp tôi cảm thấy nhẹ bụng, tinh thần cũng thư giãn hơn. Thật ra, các món chay bây giờ rất ngon, không còn nhàm chán như ngày xưa đâu. Chỉ cần chọn đúng quán có tâm là có bữa ăn no bụng, đủ chất, lại không lo tăng cân”, Yến chia sẻ.
Cùng quan điểm, Đoàn Minh Khang (31 tuổi, kiến trúc sư): “Tôi thường rủ bạn bè đi ăn chay chung như một dịp tụ họp. Một số quán chay hiện đại ở Hà Nội có menu rất sáng tạo, bày biện tinh tế, phù hợp với thị hiếu giới trẻ”, Minh Khang nói.
Ghi nhận tại nhiều chợ truyền thống như Kim Liên, Hôm, Đức Viên (Hà Nội), giá các mặt hàng thực phẩm chay truyền thống như nấm, đậu hũ, đậu xanh, tương chao… bán chạy hơn so với ngày thường do nhu cầu sử dụng tăng cao dịp lễ Phật đản. Giá các sản phẩm chay như tôm chay, thịt ba chỉ, thịt chay, mực ống, giò chay vẫn giữ ở mức ổn định, dao động từ 170.000 – 250.000 đồng/kg.
Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Thị Tuyết – tiểu thương bán thực phẩm chay lâu năm tại chợ Kim Liên (Hà Nội), mỗi dịp rằm hay lễ lớn, nhu cầu mua thực phẩm chay lại tăng mạnh. Bà thường chủ động nhập thêm một số sản phẩm chay chế biến sẵn để phục vụ khách đa dạng nhu cầu. Tuy nhiên, phần lớn người mua vẫn chuộng thực phẩm truyền thống như đậu phụ, tương chao, các loại nấm tươi, chả chay làm thủ công... "Những ngày như thế này, tôi phải lấy hàng nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Nhưng đến tầm trưa là gian hàng gần như trống trơn", bà Mai cho biết.
Do thời tiết nắng nóng, nhiều tiểu thương trong các chợ dân sinh không bày bán sẵn số lượng lớn thực phẩm chay chế biến sẵn để tránh hư hỏng. Phần lớn chỉ nhận đơn đặt trước và giao trực tiếp cho khách trong ngày. Việc chế biến theo đơn giúp đảm bảo độ tươi ngon, đồng thời hạn chế rủi ro về an toàn thực phẩm.
Không khí sôi động của thị trường thực phẩm chay không chỉ hiện diện trên kệ hàng hay các nền tảng online, mà còn lan rộng đến các quán ăn chay tại Hà Nội. Ghi nhận tại một cửa hàng ăn chay nổi tiếng trên đường Hoàng Đạo Thúy (quận Thanh Xuân), vào lúc 11h trưa – chỉ khoảng 30 phút sau giờ mở cửa buổi trưa – gần như không còn bàn trống. Thực khách đủ mọi lứa tuổi, từ dân văn phòng đến các nhóm bạn trẻ, thậm chí có cả người nước ngoài, lần lượt ra vào không ngớt.
Chị Phương Linh, quản lý quán, cho biết: “Dịp lễ Phật đản, khách tăng vọt. Trung bình mỗi ngày chúng tôi phục vụ khoảng 300-400 suất, cao hơn 30% so với ngày thường. Ngoài ăn tại chỗ, khách đặt qua ứng dụng giao đồ ăn cũng rất đông, đặc biệt vào những ngày rằm”.
Không chỉ phục vụ thực khách thuần chay, nhiều quán ăn hiện nay còn
“nâng cấp” thực đơn với các món chay fusion (kết hợp Á – Âu), bài trí đẹp mắt,
phục vụ nhanh chóng, không gian thân thiện, khiến các bữa ăn chay trở nên hấp dẫn
hơn bao giờ hết.
Dù ăn chay là xu hướng tích cực, song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất được quan tâm. Theo khuyến cáo từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng thực phẩm chay truyền thống, tự chế biến tại nhà để đảm bảo sức khỏe. Nguyên nhân là bởi các loại thực phẩm chay chế biến sẵn thường chứa phụ gia thực phẩm và chất bảo quản – dù ở mức cho phép – vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu sử dụng thường xuyên hoặc không rõ nguồn gốc.
Trên thực tế, một số cơ sở sản xuất uy tín sử dụng phụ gia nằm trong danh mục được cấp phép. Tuy nhiên, không ít đơn vị nhỏ lẻ lại dùng các loại phụ gia trôi nổi, không rõ xuất xứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm của những thương hiệu đáng tin cậy, có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng và thông tin thành phần cụ thể. Đặc biệt, với các sản phẩm chay bày bán tại chợ dân sinh hoặc trên vỉa hè, cần chú ý đến điều kiện vệ sinh, nơi chế biến và thời hạn sử dụng, tránh mua hàng trôi nổi không kiểm soát.