Ông Donald Trump 'lấy đá ghè chân mình' trong cuộc đua AI
Thứ ba, 15/04/2025 06:55 (GMT+7)
Cuộc chiến áp thuế của Donald Trump có thể không khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại, mà ngược lại, đẩy họ vào thế thua trên nhiều mặt trận và một trong số đó là trí tuệ nhân tạo (AI).
Dù vừa nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố dốc toàn lực vào AI với Dự án Stargate trị giá 500 tỷ USD,
đồng thời nhận được hứa hẹn đầu tư 100 tỷ USD từ Tập đoàn đầu tư và
công nghệ Softbank.
Trong khuôn khổ lễ nhậm chức, ông Trump đã xuất hiện cùng CEO OpenAI Sam
Altman, CEO Softbank Masayoshi Son và Chủ tịch Oracle Larry Ellison ngay tại
Nhà Trắng để thể hiện cam kết.
Không lâu trước đó, ông Son còn cùng ông Trump xuất hiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để ca ngợi tầm nhìn AI của Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu ở Paris hồi tháng 2, Phó Tổng thống J.D. Vance khẳng định: “Mỹ đang dẫn đầu về AI và sẽ tiếp tục như vậy”.
Ông Donald Trump tự "bóp nghẹt" AI Mỹ
Tuy nhiên, loạt thuế quan mới mà
chính quyền Trump vừa ban hành lại đang bóp nghẹt chính ngành công nghiệp mà họ
tuyên bố bảo vệ. Trong khi chip bán dẫn - bộ não của các hệ thống AI - hiện được
miễn thuế, phần lớn các vật liệu thiết yếu để xây dựng trung tâm dữ liệu, nơi
xử lý hàng tỷ phép tính mỗi giây cho các mô hình AI, lại chịu thuế nặng. Điều
này đẩy chi phí xây dựng lên cao, làm chậm tốc độ triển khai các hạ tầng AI - vốn là yếu tố sống còn trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump muốn tăng thuế với nhiều quốc gia, nhưng việc này khiến Mỹ có thể thua trên “mặt trận” AI. Ảnh: Xpert.Digital
“Phần lớn hàng nhập khẩu phục vụ trung
tâm dữ liệu sẽ bị áp thuế”, giáo sư Jason Miller từ Đại học Bang Michigan nói
với Forbes. “Tôi chắc chắn việc chi
phí xây dựng trung tâm dữ liệu sẽ tăng vọt”. Trong thời điểm mà AI đang phát
triển với tốc độ chưa từng có, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc mở rộng hạ
tầng đều có thể là đòn chí mạng.
Vấn đề càng nghiêm trọng khi xét đến
thực tế rằng Mỹ chưa có đủ năng lực để sản xuất các thiết bị và vật liệu cần
thiết cho trung tâm dữ liệu ngay trong nước. Các doanh nghiệp buộc phải nhập
khẩu từ Châu Á - nơi chiếm phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu về thiết bị công
nghệ. Gavin Baker, Giám đốc đầu tư của Atreides Management, nêu thẳng quan
điểm: “Khi chúng ta xây dựng được năng lực sản xuất nội địa thì cuộc đua AI đã
kết thúc”. Ông cho biết phần lớn linh kiện như máy chủ, thiết bị lưu trữ và
thiết bị mạng đều được nhập từ Đài Loan hoặc các nền kinh tế châu Á khác dưới
dạng thành phẩm, không thể thay thế nhanh chóng.
Công ty CoreWeave, một startup AI
điện toán đám mây vừa IPO với định giá 23 tỷ USD, đã nêu rõ lo ngại về thuế
quan trong bản cáo bạch: “Việc gia tăng sử dụng thuế quan, trừng phạt kinh tế
và kiểm soát xuất khẩu đã và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và
chi phí của GPU (chip xử lý chuyên biệt để huấn luyện AI) cũng như các linh kiện nền tảng
khác”. Đây là lời cảnh báo từ chính những công ty đang đứng trên tuyến đầu của
cuộc cách mạng AI.
Bên cạnh việc đánh vào các linh kiện
trung tâm dữ liệu, chính quyền Trump còn gây chấn động toàn ngành công nghệ khi
áp thuế nặng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ là đối tác sản xuất chủ lực của
Thung lũng Silicon. Trung Quốc - trung tâm sản xuất khổng lồ - bị áp mức thuế
34%, Đài Loan chịu 32%, còn Việt Nam - nơi đang nổi lên như một lựa chọn thay
thế cho Trung Quốc - bị đánh thuế tới 46%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới
các tập đoàn như Apple, vốn đang chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để tránh
phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo ước tính của Morgan Stanley, riêng mức thuế áp
lên Trung Quốc có thể khiến chi phí của Apple tăng thêm 8,5 tỷ USD, làm lợi
nhuận năm sau giảm khoảng 7%.
Hệ quả là thị trường tài chính rung
chuyển. Ngay sau tuyên bố “ngày giải phóng thuế quan” của Trump, giá cổ phiếu
các công ty công nghệ lớn lao dốc: Apple mất 16%, Nvidia và Tesla đồng loạt
giảm 15%, làm bốc hơi hàng tỷ USD tài sản của các CEO tỉ phú. Chỉ số S&P
500 ghi nhận một trong những phiên tệ nhất kể từ năm 2011, ngoại trừ giai đoạn
đại dịch COVID-19.
Trao "vũ khí chiến lược AI" vào tay đối thủ?
Theo Matt Mittelsteadt, chuyên gia
chính sách công nghệ tại Viện Cato, trung tâm dữ liệu là “các thực thể rất vật
lý”, đòi hỏi lượng lớn vật liệu như thép, nhôm để chia ngăn các máy chủ, và máy
biến áp để kết nối với lưới điện - chứ không phải các phần mềm AI như
“transformer” trong ChatGPT. Việc giá thép đã tăng 30% kể từ khi Donald Trump nhậm
chức do thị trường lo ngại trước chính sách thuế chỉ là khởi đầu. Dù một số vật
liệu quý như gallium arsenide và tantalum (dùng để chế tạo chip và không sản
xuất được trong nước) hiện vẫn được miễn, nhưng như vậy là không đủ để giảm áp
lực chi phí.
Daniel Golding, chuyên gia tư vấn về
trung tâm dữ liệu, cảnh báo rằng: “Mỹ từng là nơi rẻ nhất để xây dựng trung tâm
dữ liệu, nhưng điều đó đang thay đổi”. Ngành trung tâm dữ liệu vốn đã mỏng lợi
nhuận, AI thì chưa mang lại siêu lợi nhuận, nên bất kỳ cú hích chi phí nào cũng
tiềm ẩn rủi ro. Ông lo ngại: “Câu hỏi lớn là: liệu chi phí tăng có giết chết
những dự án AI vẫn đang chờ ROI (lợi tức đầu tư) không?”
Golding ước tính chi phí xây dựng trung
tâm dữ liệu có thể tăng 10%, nhưng cho biết hiện còn quá sớm để xác định con số
chính xác. Tuy nhiên, không chỉ là gánh nặng tài chính, điều nguy hiểm hơn là
tâm lý bất ổn mà chính sách thuế tạo ra. “Rủi ro lớn nhất không chỉ là mức
thuế, mà là việc môi trường pháp lý có thể thay đổi bất cứ lúc nào, phá vỡ hoàn
toàn kế hoạch tài chính của một dự án”, ông nói. “Tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều hệ
quả khó lường từ chính sách này”.
Dù chính quyền Trump thể hiện quyết
tâm theo đuổi trí tuệ nhân tạo như một vũ khí chiến lược trong thế kỷ 21, nhưng
cách họ đánh vào chính chuỗi cung ứng của ngành lại đang làm điều ngược lại.
Nếu Mỹ tiếp tục đi theo hướng này, họ không chỉ tự bóp nghẹt ngành công nghệ
mũi nhọn của mình, mà còn trao cơ hội cho đối thủ - đặc biệt là Trung Quốc - vươn lên nắm lấy ngọn cờ dẫn đầu trong cuộc cách mạng AI toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với cáo buộc nghiêm trọng về thao túng thị trường sau khi một dòng trạng thái trên mạng xã hội của ông được cho là đã "đi trước" thông báo chính thức về việc hoãn thuế quan.
Tổng thống Trump khẳng định sức khỏe "tuyệt vời" sau cuộc kiểm tra y tế, trong khi Nhà Trắng bày tỏ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dù căng thẳng thuế quan leo thang 145%.
Ô tô điện VinFast tiếp tục cách biệt về doanh số với các đối thủ xăng/dầu trên danh sách 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường, với 2 mẫu xe ăn khách là VF 5 và VF 3.