Nước mắt của gia đình liệt sĩ trở về sau 30 năm: Ôm ảnh thờ khóc ngất vì chồng quên tên vợ

Chủ nhật, 16/09/2018, 10:27 AM

26 năm về trước, bà Hợp khóc cạn nước mắt khi nhận giấy báo tử của chồng mình. Hôm nay, bà lại khóc, có điều những giọt nước mắt đó ngập tràn vì hạnh phúc, bởi chồng bà – liệt sỹ hi sinh năm xưa đã trở về.

Chiều 12/9, ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) được người thân đón từ Campuchia về nhà. Bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi, vợ ông Bình) cầm tấm ảnh thờ chồng òa khóc bởi bà không ngờ còn có ngày nhìn thấy chồng bằng xương bằng thịt trở về.

Dù người thân cố khơi gợi trí nhớ bằng cách giới thiệu từng thành viên, thế nhưng, ông Bình cứ hỏi “Hợp là ai?”.

“Nghe tin ông ấy còn sống, tôi mừng quýnh chân. Cám ơn Trời, Phật. Nhưng nay về ông không còn nhớ nổi tên tôi, trên mình đầy thương tích, nửa tỉnh nửa mê”, bà Hợp nghẹn ngào.

Gia đình bà Hợp đón chồng từ Campuchia trở về sau 30 năm

Gia đình bà Hợp đón chồng từ Campuchia trở về sau 30 năm

Theo biên bản làm việc lúc 14 giờ 30 phút ngày 13/9/2018, giữa gia đình ông Bình với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Hương Khê, ghi rõ: “Theo hồ sơ lưu tại Phòng LĐ - TB - XH huyện Hương Khê, ông Bình SN 1956, quê quán xã Gia Phố, huyện Hương Khê, nhập ngũ năm 1976, cấp bậc khi hy sinh là Trung úy, đơn vị khi hy sinh là Đoàn 7704MT479 Quân khu 7, hy sinh ngày 16-7-1988 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin, theo giấy báo tử ngày 21-7-1992 của Tỉnh đội Hà Tĩnh.

Bằng Tổ quốc ghi công số DG415BT theo quyết định số 222CTKT ngày 2-10-1992… Về chế độ chính sách, các chế độ ưu đãi liên quan đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ Bình kể từ ngày 12-9-2018 trở về trước được thực hiện đầy đủ...".

Nhớ lại quãng thời gian xưa cũ, bà Hợp kể, năm 1976 chồng bà nhập ngũ rồi đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1988, ông Bình về phép lần cuối. Ít lâu sau, bà nhận được tin chồng hi sinh, cũng là lúc bà mang thai con gái út mới được 3 tháng.

30 năm qua bà Hợp được hưởng chế độ tuất liệt sĩ cơ bản. Hễ nghe ở đâu có nhà ngoại cảm giỏi là bà tìm đến hỏi phần mộ chồng mình.

Bà rơi nước mắt cất tấm di ảnh bao lâu nay phải vò võ thờ chồng

Bà rơi nước mắt cất tấm di ảnh bao lâu nay phải vò võ thờ chồng

26 năm trôi qua, mọi sự cố gắng tìm kiếm tưởng chừng sẽ thành vô vọng thì gia đình bà bất ngờ nhận được thông tin liệt sĩ Bình vẫn còn sống ở Campuchia từ người đồng đội năm xưa là ông Thái Sơn (ở Ba Vì, Hà Nội).

Anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi, con trai của ông Bình) cho biết, đầu năm 2017 anh Hoàng mới gặp được ông Nguyễn Hữu Thọ, quê ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, (Hà Tĩnh) là đồng đội với ông Bình từng chiến đấu ở Campuchia, nhưng khác đơn vị. Sau khi về nước ông Thọ thường xuyên qua lại đất Campuchia làm ăn, ông có nhiều mối quan hệ quen biết với những đồng đội cũ nên đã thông báo cho mọi người về sự việc như gia đình ông Bình trình bày.

Không ngờ qua ông Thọ, một đồng đội gần gũi của ông Bình là ông Nguyễn Thái Sơn quê ở Ba Vì (Hà Nội), sinh sống ở  Campuchia đã có vợ con bên đó (hiện vợ ông đã chết, ông ở với con) đã thông báo cho gia đình ông Bình biết, ông Bình còn sống ở tại Campuchia.

Không đợi lâu, sau khi được Phòng LĐ -TB&XH huyện Hương Khê hướng dẫn làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ, đến ngày 5/9/2018, gia đình ông Bình đượng ông Nguyễn Hữu Thọ đưa  sang Campuchia, và đến ngày 7/9 thì tiếp cận được ông Bình tại phum Khum Xơ Nây, huyện Bà Non, thuộc tỉnh Battambang.

“Qua nhiều lần trò chuyện, có đồng đội của bố ở huyện Thạch Hà bảo nhìn thấy bố tôi đang còn sống ở Campuchia. Ông này đã nhờ thêm một người lần theo hình ảnh gia đình cung cấp, và đã tìm thấy bố tôi đang sống với vợ và 5 người con tại vùng hẻo lánh ở tỉnh Battambang. Sau đó, tôi cùng 2 người thân, thuê thêm 1 người phiên dịch, đi tìm bố”, anh Hoàng nói.

Anh Hoàng, con của liệt sĩ Bình xúc động chia sẻ câu chuyện của cha

Anh Hoàng, con của liệt sĩ Bình xúc động chia sẻ câu chuyện của cha

“Lúc đến nơi là 1h sáng. Họ chỉ một người đàn ông gầy gò ốm yếu, nằm co ro ở nhà sàn của dân tộc và bảo đấy là bố tôi. Ban đầu tôi sợ, không dám đến gần. Tôi cũng không nhận ra ông bởi bố đi chiến đấu từ lúc tôi còn rất nhỏ.

Nhưng rồi, có động lực nào đó khiến tôi chạy nhào lại ôm lấy ông, còn ông thì đứng yên run lẩy bẩy và nói tiếng Campuchia. Ông chắp tay trước ngực chào tôi. Tôi ôm lấy bố rồi cứ thể mà khóc”, anh Hoàng tâm sự.

 "Lúc sang bên Campuchia, nghe người phiên dịch cho biết, dân ở vùng bản dân tộc tỉnh Battambang kể lại, trước đó năm 1988, họ phát hiện bố tôi trong tình trạng bị bom mìn gây chấn thương hộp sọ, chảy máu tai, rụng hết răng, bị đạn bắn… nằm hôn mê bất tỉnh ở trong rừng, sau đó người dân tộc đã đưa về nhà chữa trị và nuôi cho đến nay.

Hiện tại, bố tôi hầu như quên tiếng Việt, chỉ nói được ít chữ, hiện đang tập nói lại tiếng Việt và tập trí nhớ. 30 năm ở bản dân tộc bên Campuchia như là một giấc ngủ của bố tôi, ở đó bố tôi không tiếp xúc được với người Việt Nam mà chủ yếu là người dân tộc bản địa, không tiếp xúc với xe cộ. Sau khi biết được thông tin và hoàn tất các thủ tục, gia đình tôi đã sang đưa bố tôi từ Battambang đi xe ô tô khách về Phnôm Pênh, sau đó về TPHCM và đón tàu về nhà ở thị trấn Hương Khê”, anh Hoàng nói.

Hiện tình trạng sức khỏe của ông Bình rất yếu, bị chấn thương sọ não, gãy hàm răng dưới, điếc tai bên phải nghe không rõ, đi lại và nói tiếng Việt khó khăn, đã phẫu thuật lách và bị chấn thương ở đùi do đạn bắn.

“Bố tôi mất trí nhớ, không nhớ ra tên ai. Tôi cùng người thân ở lại chơi vài ngày rồi xin phép đưa bố trở về và được họ đồng ý”, anh Hoàng nói.

Ông Bình sức khỏe rất yếu vì những vết thương chiến tranh còn đọng lại trên cơ thể

Ông Bình sức khỏe rất yếu vì những vết thương chiến tranh còn đọng lại trên cơ thể

Trở về Việt Nam, anh Hoàng ông Bình vào Sài Gòn khám bệnh. Người thân của ông cố nói chuyện để gợi trí nhớ, thỉnh thoảng ông Bình lại đưa tay ra tạo dáng khẩu súng, dí thẳng vào bụng và nói: “Địch nó bắn pằng pằng vào đây”. Rồi lại chỉ tay lên đầu: “Mảnh đạn đang còn trong này”.

Bác sĩ cho biết sức khỏe ông Bình rất yếu, lách bị cắt, đạn xuyên làm gãy hết răng. “Do trên đầu bố tôi có một vết thẹo to, và lúc bố tôi nhớ lại thì bảo còn có mảnh vỏ đạn trong đầu nên bác sĩ bảo tạm thời chưa cho chụp chiếu ở não, vì sợ ông sẽ bị liệt”, anh Hoàng nói thêm.

Ngay sau khi ông Bình được đưa trở về gia đình vào ngày 12/9, cơ quan chức năng ở huyện Hương Khê cùng người dân địa phương đã đến động viên, chia sẻ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Khê cũng đã đến thăm hỏi và tặng quà.

Hiện phía gia đình ông Bình cũng đã có đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy tờ tùy thân, giấy chứng minh nhân dân, ghi tên vào sổ quản lý hộ khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh; đề nghị Ban Chỉ huy Quân sự huyện tạo điều kiện cấp giấy giới thiệu cho ông Bình đến các bệnh viên quân y để khám chữa bệnh; đề nghị các cấp có liên quan hướng dẫn gia đình xây dựng hồ sơ hưởng chế độ thương binh cho ông…

t13
t14
t15
Hồ sơ và bằng Tổ quốc ghi công của ông Bình

Hồ sơ và bằng Tổ quốc ghi công của ông Bình

Trước khi chia tay gia đình ông Bình ra về, bà Nguyễn Thị Hợp, vợ ông vui vẻ cho biết rằng, đêm qua bà nằm ngủ gối tay ông nghe ông nói dù không ra giọng, nhưng là vợ chồng đã có 3 mặt con nên bà đoán được được ý ông muốn nói rằng: Đáng lẽ anh chết 5 lần rồi, anh về được đây là hạnh phúc lắm rồi, anh sống nhờ một ông xe bò chở về trạm xá và người dân nuôi đến tận này nay.

Trước đó, lần đầu ông Bình từ Campuchia về phép cưới bà Hợp năm 1980 là người cùng huyện ở xã Hương Thủy, sinh được 3 người con, con gái đầu của ông bà là chị Trịnh Thị Phương (SN 1980) nhưng thực tế  do hoàn cảnh khó khăn, sau này bà Hợp thay đổi ngày khai sinh cho con để đủ tuổi đi làm giày da tại miền Nam; anh Anh Trịnh Thanh Hoàng (SN 1986) nay làm bảo vệ cho Tòa án huyện Hương Khê; Nguyễn Thị Huế (SN 1989), sau chuyến về phép cuối cùng năm 1988 của ông Bình nên ông giờ là lần đầu ông Bình được nhìn đứa con gái út của mình.

Ông Bình trở về hạnh phúc bên vợ con sau 30 năm tưởng đã hóa tro bụi

Ông Bình trở về hạnh phúc bên vợ con sau 30 năm tưởng đã hóa tro bụi

Không dấu tình thương vô bờ dành cho ông chồng, bà Hợp gạt nước mắt tâm sự: Trong thời gian mấy mươi năm ấy ông Bình sống được là nhờ ơn của những người dân Campuchia, mặc dù bên đó ông đã xây dựng gia đình, có 5 người con riêng nhưng tất cả cũng chỉ vì chiến tranh mà thôi!

Huyền Thu (t/h)

Theo Khoevadep

largeer