Các vết thương như gai đâm tưởng chừng đơn giản, nhưng trong một số trường hợp có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. Một người đàn ông ở Thanh Hóa đã mắc viêm mô bào sau khi bị gai đâm ở đầm tôm.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, 3 ngày trước khi nhập viện, ông T.V.T (55 tuổi, trú tại Thanh Hóa) có
lội xuống đầm tôm và bị gai đâm vào cẳng chân trái. Ban đầu, vết thương chỉ là
một nốt tròn nhỏ. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, vùng tổn thương bắt đầu sưng phồng,
phù nề, bề mặt sần sùi và nhanh chóng lan rộng dọc theo cẳng chân. Các bóng nước
cũng xuất hiện rải rác khắp chân.
Khi ông bắt đầu khó thở, tụt huyết áp và
không thể tự thở, gia đình mới đưa đến bệnh viện. Lúc này, tình trạng đã chuyển
sang sốc nhiễm khuẩn và suy hô hấp nặng. Tới Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt
đới Trung ương, tổn thương da đã lan sang cả hai chân, có dấu hiệu tiến lên
vùng đùi và tay với tốc độ rất nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết,
viêm mô bào lan tỏa, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng; phải đặt ống nội khí quản,
thở máy và lọc máu liên tục.
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực, nhưng tiên lượng vẫn dè dặt. Chân trái của bệnh nhân đã bị hoại tử lan rộng. Ảnh: BVCC
Được biết, ông có tiền sử đái tháo đường nặng, trước
đó đang được kiểm soát ổn định. Các chỉ số xét nghiệm phản ánh rõ mức độ nguy kịch:
tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu; suy gan; chỉ dấu hoại tử cơ – tăng tới 4.000
U/L, gấp 40 lần mức bình thường; nhiễm trùng huyết; kèm theo đó là toan chuyển
hóa nặng, thiểu niệu và suy thận cấp.
Hiện, toàn bộ chân trái bệnh nhân đã
hoại tử lan rộng, chuyển sang màu tím đen sẫm. Tổn thương lan nhanh với tốc độ
đáng báo động: từ cổ chân, hoại tử lan dọc bắp chân, vượt qua gối và tiếp tục
tiến lên vùng đùi chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Ở chi còn lại, các mảng da sậm
màu cũng đã xuất hiện và có xu hướng lan rộng – cảnh báo nguy cơ hoại tử toàn
thân.
Bệnh nhân hiện đang được hồi sức tích
cực bằng lọc máu liên tục, thở máy, kháng sinh phổ rộng liều cao và thuốc vận mạch.
Tuy nhiên, tiên lượng vẫn rất dè dặt, nguy cơ tử vong cao. ThS.BS Lê Sơn Việt –
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cảnh báo: “Viêm mô bào là một
bệnh nhiễm khuẩn mô mềm, có thể khởi phát từ những vết thương rất nhỏ nhưng diễn
tiến cực kỳ nhanh, đặc biệt nguy hiểm ở người có bệnh nền như đái tháo đường.
Vi khuẩn lan theo mô dưới da và hệ bạch huyết, gây viêm lan tỏa, hoại tử cơ –
gân – mô mềm. Nếu không điều trị kịp thời, hậu quả có thể là nhiễm trùng huyết,
suy đa tạng và tử vong”.
Bác sĩ Việt nhấn mạnh thêm: “Viêm mô bào hiện chưa có
vaccine hay thuốc dự phòng đặc hiệu. Người dân – đặc biệt là những người có bệnh
nền như đái tháo đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch – cần hết sức thận trọng
khi tiếp xúc với môi trường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn (như đầm lầy, ruộng nước,
bùn đất…). Luôn mang đồ bảo hộ khi lội ruộng – ao – đầm, và nếu có vết thương
ngoài da, cần rửa sạch, sát trùng kỹ. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như
đỏ – sưng – nóng – đau – nổi bóng nước – lan nhanh, cần đến cơ sở y tế ngay.
Viêm mô bào tiến triển rất nhanh – nếu điều trị muộn có thể dẫn đến hoại tử, cắt
cụt chi, thậm chí tử vong do sốc nhiễm khuẩn”.
Sau hơn 2 tháng sốt kéo dài, người phụ nữ 32 tuổi ở Hà Nội đi thăm khám, điều trị ở nhiều bệnh viện lớn nhưng không phát hiện ra bệnh. Chị chỉ được chẩn đoán mắc lao sinh dục khi đến bệnh viện thứ 4.
Đeo tai nghe thường xuyên với âm lượng lớn không chỉ khiến người đeo phải chịu nguy cơ bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, mà còn bị giảm thính lực, thậm chí là điếc vĩnh viễn, không thể hồi phục.
Trong bữa ăn, 5 người đàn ông sử dụng rượu ngâm cây rừng không rõ loại. Sau khoảng 2-3 giờ, tất cả đều có biểu hiện lạ; 1 người tử vong, 4 người đang điều trị.
Một người đi xe máy bất ngờ lao xuống "hố tử thần" trên quốc lộ 3B (Na Rì, Bắc Kạn); công tác cứu hộ gặp khó khăn do địa hình phức tạp và thiếu thiết bị chuyên dụng, nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Nhiều học sinh chọn ngành theo cảm tính do thiếu sự đồng hành từ gia đình, nhà trường trong việc hướng nghiệp và dễ bị tụt lại trong xã hội biến động lớn về việc làm.
Bé gái 8 tuổi bị cuốn toàn thân vào cửa cuốn, nhập viện trong tình trạng hôn mê. Bệnh viện Nhi đồng 2 áp dụng hạ thân nhiệt bảo vệ não, sau 4 ngày bé tỉnh táo, cai máy thở thành công.