Viêm tai, điếc… vì đeo tai nghe mọi lúc mọi nơi

Thứ tư, 16/10/2024, 16:06 PM

Đeo tai nghe thường xuyên với âm lượng lớn không chỉ khiến người đeo phải chịu nguy cơ bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, mà còn bị giảm thính lực, thậm chí là điếc vĩnh viễn, không thể hồi phục.

Lạm dụng tai ngha, hậu quả khó lường

Có thói quen đeo tai nghe khi xem phim, nghe nhạc, anh P.V.T. - 29 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM - gần như mang tai nghe bluetooth cả ngày. Anh giải thích, khi ra đường cần có tai nghe để nếu có cuộc gọi sẽ không phải lấy điện thoại ra, tránh bị cướp giật. Công việc của anh cũng cần sự tập trung, nên anh thường bật nhạc không lời và đeo tai nghe để tránh bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh. Ngay cả khi nghỉ trưa, ăn cơm, anh vẫn không thể bỏ tai nghe ra bởi lúc này anh hay xem những video ngắn trên ứng dụng điện thoại.

“Buổi tối, tôi tháo tai nghe bluetooth thay bằng tai nghe ngoài để tai có cảm giác dễ chịu hơn. Tầm 20g trở đi, tôi học ngoại ngữ đến khoảng 22g, sau đó sẽ xem phim hoặc nghe nhạc đến gần sáng. Tôi không cảm thấy bất tiện, chỉ hơi đau phía trong tai vì có thể tôi mang tai nghe bluetooth lâu, bị cấn vào phần mềm của tai” - anh T. chia sẻ. Thói quen này của anh bắt đầu cách đây khoảng 4 năm, cho đến gần đây anh cảm thấy tai trái hơi nhói, chảy nước vàng. Anh mua nước muối sinh lý nhỏ, dùng tăm bông thấm khô và vẫn tiếp tục sử dụng tai nghe.

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà thăm khám tai cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà thăm khám tai cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Tự điều trị 4 ngày, tai của anh T. có mùi hôi, đau nhức. Anh đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm tai giữa. Hỏi thêm, bác sĩ xác định nguyên nhân từ việc anh đeo tai nghe thường xuyên. Anh T. cần vệ sinh, uống thuốc và hạn chế đeo tai nghe để hồi phục.

Gần đây, N.T.Q.A. - 16 tuổi, ở tỉnh Bình Dương - thường thấy ù tai, nhức đầu, buồn nôn, thỉnh thoảng em cảm thấy mọi người nói chuyện quá nhỏ. Ở lớp, em gần như không thể nghe cô giáo giảng bài. Thấy vậy, mẹ đã đưa em đến bác sĩ tư thăm khám. Nghi ngờ em bị giảm thính lực, bác sĩ tư vấn đến bệnh viện chuyên khoa đo thính lực. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán Q.A. bị viêm nhiễm, điếc tạm thời 1 bên tai do đeo tai nghe với âm lượng lớn. Trường hợp của em không thể điều trị khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể uống thuốc chữa viêm tai và sử dụng máy trợ thính.

Mẹ A. thở dài cho biết: “Nhiều lần tôi nói mà con gái không chịu nghe, lúc nào cũng mang tai nghe. Khi bị tôi rầy la, A. còn cố tình tăng âm lượng điện thoại cao lên để át tiếng mẹ. Buổi tối cũng vậy, lên phòng nhắc nhở cũng thấy con đeo tai nghe học bài. Có thể trong ngày, con chỉ bỏ tai nghe khi vào trường học mà thôi”. Hiện, mẹ của A. đang cân nhắc cho con sử dụng máy trợ thính. Đến hè sẽ đưa em đến bệnh viện nhi khoa tại TPHCM để phẫu thuật vá màng nhĩ.

Thính giác bị tổn thương sẽ không hồi phục

Theo thạc sĩ, bác sĩ Văn Thị Hải Hà (Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM), sử dụng tai nghe bluetooth đang trở thành xu hướng phổ biến trong giới trẻ. Việc “cắm” thiết bị này vào lỗ tai suốt ngày dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tai. Trong môi trường yên tĩnh, âm lượng chỉ cần 50 - 60db, người nghe sẽ rất rõ, an toàn cho tai. Tuy nhiên, ở nơi ồn ào, người nghe thường sẽ tăng âm lượng thiết bị để nghe rõ hơn. Nếu tăng vượt ngưỡng 80 - 85db, nghe khoảng 40 giờ/tuần sẽ tác động đến thính lực, thậm chí gây điếc đột ngột. Nguy hiểm hơn là hiện rất nhiều thanh, thiếu niên có thói quen này.

Suốt ngày “cắm” tai nghe vào lỗ tai sẽ dễ gây nhiễm trùng ống tai ngoài bởi nguy cơ nhiễm nấm, vi khuẩn, hay bệnh viêm tai giữa, thủng màng nhĩ… Bên cạnh đó, người hay đeo tai nghe ngoài sẽ đỡ được tình trạng nhiễm trùng, nhưng nếu để âm lượng quá lớn (hơn 120db), chỉ trong 4 phút đã ảnh hưởng đến phần tai trong. Chưa kể tác động lớn của âm thanh đến các dây thần kinh làm tế bào bị tổn thương, gây giảm sức nghe của tai.

Ban đầu, người nghe sẽ không có cảm giác khó chịu, nhưng khi bỏ tai nghe ra sẽ cảm giác có tiếng ù, tiếng ve kêu, âm thanh cối xay gió… hay gặp khó khăn trong giao tiếp, thường thấy chóng mặt, nhức đầu, nhức tai thường xuyên. Khi nghe những âm thanh lớn sẽ bị đau chói trong tai, lúc này đã bị ảnh hưởng ở mức độ trung bình. Nếu không thay đổi thói quen sử dụng tai nghe, người bệnh sẽ dần nghe kém. Khi đột ngột có âm thanh lớn, làm cho bệnh nhân có thể điếc tạm thời hoặc vĩnh viễn mà không có khả năng phục hồi. Chính vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu gợi nhắc, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra, đo thính lực. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị, ngăn chặn suy giảm chức năng nghe, hoặc người bệnh có thể sử dụng máy trợ thính, tránh ảnh hưởng đến giao tiếp hằng ngày.Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, một nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ thanh, thiếu niên từ 13-18 tuổi bị rối loạn âm thanh, rối loạn chức năng do tiếng ồn trong đó nguyên nhân trực tiếp là tai nghe, chiếm 1,7% dân số. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nếu trẻ em không được kiểm soát về thời lượng và âm lượng sử dụng tai nghe sẽ dẫn đến tổn thương về thính lực nặng hơn người lớn. “Vì vậy, phụ huynh nên lưu ý không để trẻ sử dụng tai nghe quá 2 giờ liên tục, ngưỡng âm thanh phải dưới 70db. Trường hợp trẻ học online, nên cho mở loa ngoài bởi khi thính lực của trẻ bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất nhiều về sau” - bác sĩ Nguyễn Tuấn Như lưu ý.

Để kiểm soát việc đeo tai nghe hiệu quả, người bệnh có thể nhờ những người xung quanh cảnh báo khi họ có thể nghe được âm thanh trong tai nghe. Hãy vệ sinh núm tai mỗi ngày bằng dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều nhằm hạn chế tổn thương thêm cho tai. Trường hợp nghe quá kém, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Theo Phạm An (phunuonline)

largeer