Sử dụng xe máy điện tiết kiệm ra sao so với xe máy xăng?
Chi phí bảo dưỡng thấp, giá điện rẻ, không cần thay dầu định kỳ là những yếu tố khiến xe máy điện ngày càng trở thành phương tiện tiết kiệm và phù hợp hơn với xu hướng sống xanh.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Với ngân sách dưới 50 triệu đồng, người tiêu dùng có thể lựa chọn nhiều mẫu xe máy điện trên thị trường, đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng như VinFast, Honda hay Yamaha.
Những ngày gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 về tăng cường quản lý phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ chính thức cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1. Từ năm 2028, việc hạn chế sẽ mở rộng sang toàn bộ xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 1 và Vành đai 2. Đến năm 2030, khu vực bị cấm tiếp tục được mở rộng đến Vành đai 3.
Chính sách mới dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi phương tiện sang xe máy điện. Trong tầm giá 50 triệu đồng, người dùng hiện có nhiều lựa chọn, từ các mẫu cơ bản phục vụ di chuyển ngắn, đến những dòng cao cấp có thể đi hơn 200 km sau một lần sạc.
Klara S là một trong những mẫu xe nổi bật của VinFast trong phân khúc cận cao cấp, hướng tới người tiêu dùng thành thị có gu thẩm mỹ cổ điển nhưng vẫn muốn trải nghiệm công nghệ hiện đại. Mức giá bán lẻ của Klara S hiện tại khoảng 35 triệu đồng (chưa bao gồm pin), hoặc khoảng 49 triệu đồng nếu mua kèm bộ pin LFP.
Xe được trang bị động cơ điện công suất 1.200W, cho tốc độ tối đa 78 km/h. Bộ pin LFP dung lượng 3,5 kWh có thể giúp xe di chuyển tới 194 km sau mỗi lần sạc đầy – thông số thuộc hàng cao nhất trong nhóm xe dưới 50 triệu đồng.
Trang bị tiêu chuẩn gồm hệ thống phanh đĩa trước/sau, đèn LED toàn xe, cốp rộng 22 lít và khả năng kết nối điện thoại thông qua ứng dụng VinFast E-Scooter. Bên cạnh đó, khả năng chống nước đạt chuẩn IP67 giúp Klara S vận hành ổn định trong điều kiện thời tiết mưa ẩm ở Việt Nam.
Feliz S là mẫu xe thuộc phân khúc trung cấp, nhắm đến nhóm khách hàng cần một phương tiện điện vừa túi tiền nhưng vẫn đảm bảo đủ các yếu tố về hiệu suất, thiết kế và trang bị tiện ích. Xe có giá bán từ 29,7 triệu đồng (chưa kèm pin) hoặc khoảng 43 triệu đồng nếu mua cả pin.
Feliz S sử dụng động cơ điện công suất tối đa 3.000W, tốc độ tối đa 78 km/h. Bộ pin LFP 3,5 kWh – tương tự Klara S – cho phép xe hoạt động khoảng 198 km sau mỗi lần sạc. Cấu trúc xe gọn hơn Klara S nhưng vẫn giữ lại các trang bị cần thiết như phanh đĩa, đèn LED, màn hình hiển thị điện tử và cốp chứa đồ dung tích 25 lít.
Thiết kế thân thiện, yên thấp và tư thế ngồi thoải mái giúp Feliz S phù hợp với người dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ sinh viên đến nhân viên văn phòng hoặc nội trợ.
Weaver++ là lựa chọn dành cho người dùng ưa thích cảm giác lái mạnh mẽ, thiết kế bụi bặm và công nghệ thuần Việt. Mẫu xe này hiện được bán với giá 49 triệu đồng, là sản phẩm chủ lực của thương hiệu xe điện Việt Nam – Dat Bike.
Khác với nhiều mẫu xe điện có thiết kế nhỏ gọn, Weaver++ gây ấn tượng bởi ngoại hình lấy cảm hứng từ mô tô cổ điển, với khung ống thép lộ thiên, bình điện giả hình dáng như bình xăng, và tay lái ngang cao. Thiết kế này không chỉ tạo sự khác biệt về thẩm mỹ mà còn mang lại cảm giác ngồi chắc chắn, tư thế lái phóng khoáng.
Xe sử dụng động cơ điện công suất 6.000W, mô-men xoắn đạt 100 Nm – ngang với một số mẫu mô tô phân khối lớn. Tốc độ tối đa lên tới 90 km/h. Pin lithium-ion dung lượng 5 kWh giúp xe vận hành được hơn 200 km sau mỗi lần sạc. Thời gian sạc đầy khoảng 5 tiếng với bộ sạc tiêu chuẩn, có thể rút xuống 2 tiếng nếu dùng bộ sạc nhanh chuyên dụng.
Weaver++ phù hợp với người dùng trẻ, yêu thích công nghệ nhưng vẫn đòi hỏi tính cá nhân và phong cách rõ rệt. Tuy nhiên, do khối lượng xe khá nặng và tư thế ngồi cao, mẫu xe này không phù hợp với người có vóc dáng nhỏ hoặc nhu cầu di chuyển ngắn trong phố chật hẹp.
Camel 2 là mẫu xe đặc biệt, được thiết kế phục vụ cho các mục đích chuyên chở hàng hóa, giao hàng hoặc tài xế công nghệ. Xe có giá dao động từ 30 đến 35 triệu đồng tùy cấu hình pin. Động cơ điện công suất 4.000W cho phép xe đạt tốc độ tối đa 80 km/h.
Điểm nổi bật nhất của Camel 2 là khả năng đổi pin nhanh tại trạm – một tiện ích do chính hãng Selex phát triển. Người dùng không cần chờ sạc mà có thể đổi bộ pin cạn lấy pin đầy trong vòng chưa tới 2 phút tại các trạm đổi pin tự động. Tuy nhiên, hệ thống trạm hiện mới được triển khai tại các khu vực trung tâm Hà Nội và TP.HCM.
Pin lithium-ion của Camel 2 gồm 3 viên, cho phép hoạt động tới 150 km mỗi lần đầy. Xe trang bị phanh đĩa, cổng sạc USB, màn hình kỹ thuật số. Đặc biệt, yên sau có thể tháo rời để lắp thùng hàng chuyên dụng.
Selex Camel 2 phù hợp với người chạy dịch vụ giao hàng công nghệ, nhà bán lẻ quy mô nhỏ hoặc các cá nhân cần phương tiện vận tải trong phạm vi nội đô.
ICON e: là mẫu xe máy điện đầu tiên được Honda Việt Nam lắp ráp trong nước, hướng tới nhóm khách hàng học sinh, sinh viên. Xe hiện có ba phiên bản, với giá bán lẻ đề xuất dao động từ 26,9 đến 27,3 triệu đồng.
Xe có kích thước dài 1.796 mm, rộng 680 mm, cao 1.085 mm và chiều cao yên 742 mm – phù hợp với vóc dáng người dùng trẻ. Tuy nhiên, mức giá trên chưa bao gồm pin, người dùng cần thuê pin với chi phí khoảng 350.000 đồng mỗi tháng.
ICON e: sử dụng động cơ điện công suất tối đa 1.500W, tốc độ giới hạn ở 49 km/h nên không cần bằng lái. Bộ pin lithium-ion cho quãng đường tối đa khoảng 71 km sau mỗi lần sạc, phù hợp với nhu cầu di chuyển ngắn trong đô thị.
Trang bị tiêu chuẩn trên xe gồm hệ thống đèn LED, phanh kết hợp CBS, màn hình kỹ thuật số LCD và cốp chứa đồ dung tích 26 lít. Pin có thể tháo rời để sạc tại nhà, tiện lợi hơn so với các mẫu xe chỉ hỗ trợ sạc trực tiếp trên thân xe.
Sản phẩm Neo’s của hãng Yamaha từng có giá bán lẻ đề xuất hơn 49 triệu đồng khi ra mắt cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong nhiều tháng gần đây, mẫu xe này được các đại lý giảm giá mạnh, hiện phổ biến ở mức khoảng 35 triệu đồng, giúp tăng sức cạnh tranh trong nhóm xe điện tầm trung.
Xe có kích thước dài 1.875 mm, rộng 695 mm, cao 1.120 mm và chiều cao yên lên tới 795 mm – khá cao so với mặt bằng chung các mẫu xe điện. Thiết kế tổng thể của Neo’s nhỏ gọn, hiện đại, hướng đến người dùng trẻ hoặc những ai chuyển đổi từ xe ga truyền thống.
Tương tự như ICON e:, Neo’s được phân loại là xe máy điện cấp thấp, không yêu cầu bằng lái. Xe trang bị động cơ điện công suất 2.300W, tốc độ tối đa giới hạn ở 50 km/h. Bộ pin lithium-ion cho quãng đường di chuyển khoảng 72 km mỗi lần sạc. Người dùng có thể lắp thêm một viên pin phụ (mua riêng) để nhân đôi phạm vi hoạt động.
Trang bị tiêu chuẩn gồm đèn LED toàn xe, phanh đĩa trước và cốp chứa đồ dung tích 27 lít. Tuy nhiên, thời gian sạc đầy pin kéo dài tới 8 tiếng là một trong những điểm trừ, khiến Neo’s khó cạnh tranh với các mẫu xe có tính năng sạc nhanh hơn hoặc phạm vi di chuyển dài hơn.