Nét Sài Gòn xưa bên trong quán cà phê Cheo Leo
Ra đời từ cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, quán cà phê Cheo Leo (hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, Q.3,TP. HCM) khiến nhiều người tìm đến không chỉ vì hương vị cà phê đặc trưng mà còn vì nơi đây mang một nét Sài Gòn xưa cũ và hoài niệm.
Hồi trước, Cheo Leo là một trong những quán cà phê nổi tiếng ở trung tâm quận 3. Do khi mới mở, xung quanh quán trống trải, nhà cửa thưa thớt, nên cụ cố Vĩnh Ngô (chủ quán đầu tiên) đã đặt tên quán là Cheo Leo.
Chỉ cần bước vào con hẻm, mùi cà phê thơm nức mũi, những bài nhạc xưa nhẹ nhàng vang lên cũng làm cho bao người thổn thức.
Quán không có máy lạnh, không có chỗ gửi xe rộng rãi mà chỉ dựng tạm hai bên hẻm. Dường như mọi thứ ở Cheo Leo đều khiến người ta quay ngược thước phim thời gian, trở về những thập kỷ trước.
Chú N.V.B (quận 3) chia sẻ: “Chú uống cà phê ở Cheo Leo cũng khá lâu rồi, một phần cũng vì nơi đây vẫn còn lưu giữ được những hình ảnh của Sài Gòn xưa, già rồi nên thấy những hình ảnh này cảm thấy nhớ lắm. Hơn nữa hương vị cà phê ở đây rất đặc biệt, được pha theo kiểu Trung Hoa gọi là cà phê vợt”.
Trước khi uống cà phê pha phin như bây giờ, người Sài Gòn pha cà phê vợt theo kiểu Trung Hoa. Cà phê vợt hay còn được gọi với những cái tên khác như cà phê bít tất hay cà phê kho là một trong những nét văn hóa xưa của cộng đồng người Hoa còn sót lại tại Sài Gòn. Cà phê được xay nhuyễn được lọc qua vợt bằng vải the dài như bít tất, ủ trong siêu thuốc bắc để ra hết vị. Nước cà phê đầu tiên này được tiếp tục đem kho liu riu trên bếp than tạo nên một hương vị không thể lẫn vào đâu được.
Trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, sự biến đổi cách uống, cách phục vụ cà phê, cà phê Cheo Leo vẫn giữ nguyên phong cách pha cà phê truyền thống của người Trung Hoa xưa. Suốt 80 năm qua, hương vị cà phê cùng với cách pha độc đáo từ chiếc vợt vẫn được mọi thành viên trong gia đình giữ nguyên.
Cô Hoa (chủ quán cà phê Cheo Leo) chia sẻ: “Lửa rất quan trọng khi luộc cà phê. Nếu để lửa lớn quá cà phê sẽ bị kho ra vị chua, còn lửa nhỏ cà phê sẽ bị nguội, uống vô không còn mùi vị”.
Cách pha món bạc sỉu ở đây cũng khác lạ, đó là tỉ lệ hợp lý về sữa và cà phê, đổ sữa trước, rồi đến cà phê nóng, sau đó phải thêm một chút nước sôi. Không hiểu sao trình tự phải đúng vậy thì mới ngon.
Có lẽ do vẫn còn nhiều người tới đây để hoài niệm về Sài Gòn những ngày xưa cũ, nên chủ quán vẫn chưa dám sửa quán dù cho quán đã rất cũ qua năm tháng.
Giữa nhịp sống hiện đại và náo nhiệt, hình ảnh những người già ngồi bên tách cà phê cạnh lò đun nghi ngút khói trở thành một nét duyên ngầm của Sài Gòn.
Vị cà phê ngon kết hợp những dư vị xưa cũ thể hiện trong từng vết đen bám trên tường, cái kệ sách do ông chủ ngày xưa đóng, cái ghế cái bàn bạc màu cùng tháng năm, và nhất là những bản nhạc cũ theo chủ đề được cô chủ lựa chọn kỹ lưỡng đã mang những tâm hồn hoài niệm không thể không tìm về với Cheo Leo.
Liên Nguyễn
-
Kết nối điện ảnh Việt với thế giới
-
Lý do khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng 500%
-
Bài học từ Quả bóng vàng 2024 Rodri
-
Ai chịu trách nhiệm khi bóng đá Việt trượt dốc?
-
Loại cua "quý tộc" của Trung Quốc trở thành món ăn bình dân tại Việt Nam
-
Tuyển Kickboxing Việt Nam giành 11 HCV, TP HCM góp 1 chức vô địch