Chi tiết túi rộng rãi đi kèm với trang phục là một trong những điểm cộng được phái nữ yêu thích và luôn trở thành tâm điểm mỗi khi có dịp xuất hiện trên thảm đỏ.
Điển hình là bộ cánh của nữ ca sĩ Dua Lipa tại sự kiện Met Gala 2023 — một chiếc váy Chanel cổ điển màu kem với điểm nhấn là phần túi váy đủ rộng để cô thoải mái đút tay vào. Hay như diễn viên Emma Stone trên thảm đỏ lễ kỷ niệm 50 năm phát sóng chương trình Saturday Night Live (SNL), cô đã đựng bắp rang bơ vào phần túi quá cỡ ở hai bên hông của chiếc váy Louis Vuitton — một lựa chọn vừa hài hước vừa mang đầy tính tuyên ngôn.
Việc thiếu vắng những chiếc túi đi kèm với trang phục nữ giới tưởng chừng là điều khó hiểu, bởi túi đơn thuần chỉ là một chi tiết mang tính chất thực dụng.
Tuy phần túi dường như luôn được coi là chi tiết mặc định trên các thiết kế may sẵn, trên thực tế điều này lại hoàn toàn ngược lại. Trang phục dành cho nữ giới, đặc biệt là váy và chân váy thường không có túi đi kèm, còn những chiếc túi ở quần tây hay áo khoác blazer (nếu có) thường nhỏ đến mức gần như không sử dụng được. Một số thiết kế khác còn đánh lừa người mặc với những chiếc túi “giả”: như phần viền túi mỏng manh nằm ngay trên một đường may vô dụng ở quần jeans, hoặc những chiếc áo khoác có nắp túi nhưng không có ngăn túi bên trong.
Dù vậy, nhu cầu về túi trong thời trang nữ là điều không thể phủ nhận. Trên mạng xã hội, các ý tưởng về trang phục có túi luôn thu hút sự quan tâm mạnh mẽ — từ những bộ quần áo hữu dụng làm từ vật liệu tái chế của nhà thiết kế Nicole McLaughlin (chẳng hạn như áo vest có khay đựng đồ ăn vặt), đến video của TikToker Erin Miller quay lại cảnh cô bỏ hàng loạt món đồ chơi thời thơ ấu vào chiếc quần túi hộp cỡ lớn JNCO theo phong cách “bà tiên Mary Poppins”. Và câu hỏi tiếp tục được lặp lại: Tại sao trang phục của nữ giới lại có ít túi hơn nam giới?
Theo Hannah Carlson, giảng viên thiết kế thời trang tại Trường Thiết kế Rhode Island, đồng thời là tác giả cuốn sách Pockets: An Intimate History of How We Keep Things Close (tạm dịch: “Túi: Lịch sử về cách ta giữ mọi thứ bên mình”), lựa chọn thiết kế này phản ánh sự bất công trong ngành công nghiệp thời trang. Kể từ khi chi tiết túi trong được tích hợp cùng với quần áo, những thiết kế dành cho phụ nữ đã luôn bị chỉnh sửa khác hơn, và đó là một dấu hiệu của sự bất bình đẳng giới kéo dài hàng trăm năm trong ngành công nghiệp thời trang.
Việc thiếu vắng những chiếc túi đi kèm với trang phục nữ giới tưởng chừng là điều khó hiểu, bởi túi đơn thuần chỉ là một chi tiết mang tính chất thực dụng. Nhưng như Carlson chia sẻ: “Tôi tin rằng các vật thể như thế này thường phản ánh những điều chúng ta ngại nói ra thành lời. Chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội theo chế độ phụ hệ, và các vật dụng quanh ta — bao gồm cả trang phục — đều được tạo ra trong bối cảnh đó”.
Những chiếc túi đơn thuần chỉ là một chi tiết mang tính chất thực dụng.
“Một cơn bão hoàn hảo”
Một trong những hình thức túi quần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1550, khi những chiếc túi có dây rút được may bên trong quần ống túm của nam giới. Trước đó, cả nam giới và nữ giới đều sử dụng các loại túi xách riêng để mang theo vật dụng cá nhân. “Việc nam giới từng sử dụng túi xách thời trang là điều mà chúng ta thường không nhớ tới”, Hannah Carlson giải thích.
Tuy nhiên, khi kỹ thuật may đo phát triển và trang phục dành cho nam giới được thiết kế riêng, “túi mới thật sự đóng vai trò quan trọng”.
Nhưng phần lớn phụ nữ không có cơ hội được tiếp cận với những tiến bộ mới này, khi họ vẫn phải tiếp tục sử dụng những chiếc ví đeo kèm với thắt lưng. Trong khi đó, thời trang nam dần tích hợp nhiều loại túi khác nhau, thể hiện rõ nhất qua bộ suit ba mảnh kiểu Âu — vốn được phát triển từ áo choàng kaftan của người Ba Tư vào cuối thế kỷ 17.
Carlson nhận thấy rằng phải mất hàng thế kỷ sau thì trang phục nữ mới có được những chiếc túi thực sự hữu dụng. Thay vào đó, phụ nữ phải xoay xở với các túi vải hình giọt nước được may lên váy, hoặc túi buộc vào thắt lưng dễ bị tuột. Trong một giai đoạn ngắn vào thập niên 1870 và 1880, các nhà may từng thiết kế túi phía sau phần váy độn (bustle), buộc người mặc phải vòng tay ra sau để lấy đồ. Vào thế kỷ 18, khi một số nữ kỵ sĩ ở Pháp và Anh bắt đầu mặc trang phục cưỡi ngựa có túi, họ bị gọi là “Amazon” — tên gọi của những nữ chiến binh trong thần thoại Hy Lạp — và bị chỉ trích vì trang phục mang dáng dấp nam tính.
Túi khi ấy dần trở thành biểu tượng của tinh thần phiêu lưu và sự mạnh dạn — và do đó, gắn liền với hình ảnh nam giới. Điều này được phản ánh qua hàng loạt vật dụng được thiết kế thu nhỏ để nhét vừa túi: dao gấp, đồng hồ bỏ túi hay súng ngắn... Theo Carlson, việc mang theo vật dụng cá nhân từng được xem là dấu hiệu của sự linh hoạt và thực dụng — nhưng nhận định này lại không dành cho phụ nữ. Những chiếc túi buộc thắt lưng phổ biến trong thế kỷ 17 và 18 từng bị các họa sĩ biếm họa so sánh với bộ phận sinh dục nữ, hoặc trở thành trò cười trong văn học đương thời, khi kích cỡ của chúng bị xem là khả nghi vì có thể giấu giếm điều gì đó bên trong.
Túi quần cũng gợi nhiều liên tưởng đối với nam giới — từ hành vi phạm pháp, lệch lạc tình dục đến thái độ nổi loạn — càng củng cố thêm hình ảnh túi như một đặc trưng của trang phục nam. Tuy nhiên, về bản chất, chi tiết túi chỉ đóng vai trò chức năng, trong khi trang phục nữ lại được thiết kế với mục đích trang trí là chính, “đẹp là được”. Quan niệm này được định hình rõ nét trong thời kỳ Khai sáng — thời điểm nam giới bắt đầu từ bỏ giày cao gót và các chi tiết trang trí cầu kỳ, thay vào đó là kiểu ăn mặc giản dị và chuẩn hóa hơn.
“Thời trang nam đã được hệ thống hóa sớm hơn thời trang nữ khoảng một thế kỷ”, Carlson chỉ ra. Chi tiết túi đi kèm trang phục nữ đơn giản bị loại bỏ. Thay vào đó, túi xách tay dần trở thành một thị trường chuyên biệt dành cho việc chứa đựng vật dụng của phụ nữ.
“Đó là sự kết hợp của hoàn cảnh lịch sử, yếu tố ngẫu nhiên và định kiến giới — như một cơn bão hoàn hảo”, Carlson nhận định.
“Đó là sự kết hợp của hoàn cảnh lịch sử, yếu tố ngẫu nhiên và định kiến giới — như một cơn bão hoàn hảo”, Carlson nhận định.
Thiết kế tôn dáng hay thực dụng?
Những lời kêu gọi bổ sung chi tiết túi trong trang phục nữ không phải là điều mới mẻ — thực tế, chúng từng gắn liền với phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ vào đầu thế kỷ 20. Khi ấy, trong khi nam giới có thể “tự do dạo bước như chim sơn ca”, theo lời phàn nàn của nhà hoạt động Elizabeth Cady Stanton được trích dẫn trong cuốn Pockets, thì phụ nữ lại bị gò bó bởi việc phải xách hoặc cầm theo vật dụng cá nhân.
Đáp trả luận điểm từ phe chống đối nữ quyền cho rằng bầu cử không phải là một “quyền tự nhiên” dành cho phụ nữ, nhà thơ Alice Duer Miller đã sử dụng hình ảnh chiếc túi như một ẩn dụ đanh thép trong tác phẩm năm 1915 Are Women People? A Book of Rhymes for Suffrage Time (tạm dịch: “Phụ nữ có phải là con người không? Tuyển tập thơ về thời kỳ đấu tranh bầu cử”).
Tuy nhiên, khi thời trang nữ tại phương Tây dần hiện đại hóa vào thế kỷ 20 — cho phép phụ nữ thoát khỏi những chiếc corset và váy phồng gò bó, từ đó chuyển sang nhiều kiểu dáng linh hoạt hơn — chi tiết túi bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn. Những thay đổi này càng được đẩy mạnh trong thời kỳ chiến tranh, khi ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và quân đội, đòi hỏi trang phục của họ cũng phải thực dụng hơn — bao gồm cả việc có túi.
Trên các trang tạp chí như Vogue và Harper’s Bazaar, những chiếc túi đi kèm với quần áo được thiết kế dưới góc nhìn hiện đại: từ túi có nắp bấm, túi kiểu ví xu gắn trên áo khoác, đến các mẫu túi thiết kế riêng cho lập trình viên máy tính (thiết kế của Bonnie Cashin, minh họa bởi Andy Warhol năm 1958), hay túi dùng để đựng bóng tennis trên sân đấu.
Năm 1940, nhà thiết kế thời trang lừng danh Elsa Schiaparelli từng cho ra mắt một mẫu áo khoác dạ tiệc màu vàng với phần túi trước cỡ lớn thay thế cho túi xách, phòng trường hợp người mặc cần dùng tay để đeo mặt nạ phòng độc.
Dù vậy, những tiêu chuẩn kép mang tính phân biệt giới quanh chiếc túi vẫn tiếp tục tồn tại một cách phi lý. Trong Thế chiến thứ hai, 150.000 nữ tình nguyện viên thuộc Quân đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ (WAC) — lực lượng phục vụ trong các vai trò phi chiến đấu — được phát riêng túi xách tay bằng da, trong khi bộ quân phục của họ lại may kèm các nắp túi giả.
“Các nhà thiết kế quân phục không biết cách làm túi hữu dụng cho phụ nữ; họ bỏ hẳn túi ngực, vì cho rằng thật bất lịch sự khi phụ nữ thò tay vào ngực áo”, Carlson giải thích. Vì tổ chức này từng bị báo chí và công chúng chế giễu, “nên quân phục bắt buộc phải giữ dáng vẻ nữ tính tối đa”.
Sau chiến tranh, nhờ làn sóng nữ quyền thứ hai vào những năm 1960, quần dài dần được chấp nhận rộng rãi hơn trong trang phục nữ giới. Tuy nhiên, kích thước túi thì không theo kịp tiến bộ này. Một nghiên cứu năm 2018 do trang The Pudding thực hiện đã chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về kích cỡ túi khi so sánh quần jeans ôm sát và quần jeans dáng suông giữa nam và nữ. Trong đó, thiết kế quần nữ thường không đủ chỗ để chứa các vật dụng cơ bản — thậm chí không nhét vừa cả bàn tay người mặc.
Sự phát triển ồ ạt của thời trang nhanh càng khiến vấn đề thêm phức tạp, khi các chi tiết không thiết yếu — bao gồm cả túi — bị giản lược hoặc loại bỏ để giảm giá thành sản phẩm.
Và đến nay, một điều đã được mặc định sâu sắc: túi là điều hiển nhiên trong trang phục nam, nhưng lại bị xem là thứ “có cũng được mà không có cũng không sao” với thời trang nữ.
Ngành công nghiệp thời trang “mặc định rằng phụ nữ sẽ mang theo túi xách tay và không để tâm đến những chiếc túi đi kèm với quần áo”, Carlson chia sẻ.
Túi vẫn tiếp tục bị xem là chi tiết không cần thiết, khi các nhà thiết kế thường tập trung vào những trang phục làm tôn lên đường cong cơ thể phụ nữ, bỏ qua thiết kế thực dụng đi kèm để mang theo đồ đạc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là túi luôn bị lãng quên, đặc biệt là với sự trở lại của chiếc quần túi hộp. Các nhà thiết kế thời trang cũng đã được khen ngợi vì đưa chi tiết túi trở lại sàn diễn. Tuy vậy, việc thiếu vắng của chúng trong lịch sử khiến túi trở thành một chi tiết đáng chú ý, từ không gian để chứa đựng những vật dụng trở thành một biểu tượng của sự thực dụng trong thời trang.
Cuối cùng, Carlson nhận định rằng quan niệm “thiết kế tôn dáng quan trọng hơn sự tiện dụng” vẫn còn tồn tại. Dù mỗi thập kỷ luôn tồn tại những vấn đề lớn hơn liên quan đến quyền của phụ nữ, chiếc túi vẫn là một lời nhắc nhở tuy nhỏ nhưng rõ rệt về sự bất bình đẳng giới cùng với những phiền toái mà phụ nữ vẫn luôn phải chịu đựng.
Ban tổ chức Nam vương Du lịch Thế giới tại Việt Nam lên tiếng phản bác quyết định đơn phương thay đổi kết quả của ban tổ chức quốc tế, gọi đây là hành động "thiếu cơ sở pháp lý" và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thí sinh cũng như uy tín cuộc thi.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức phát động phong trào thi đua học tập tấm gương dũng cảm của liệt sĩ Nguyễn Đăng Khải trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo sự lan tỏa, khí thế tấn công trấn áp tội phạm.
Ban tổ chức Nam vương Du lịch Thế giới tại Việt Nam lên tiếng phản bác quyết định đơn phương thay đổi kết quả của ban tổ chức quốc tế, gọi đây là hành động "thiếu cơ sở pháp lý" và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thí sinh cũng như uy tín cuộc thi.
BTV Quang Minh khẳng định không quảng cáo sữa giả, đồng thời gửi lời xin lỗi đến khán giả sau lùm xùm liên quan đến quảng cáo sữa HIUP. Anh đã làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.
Ca sĩ Hòa Minzy lên tiếng sau khi một ý kiến cho rằng cô nên tập trung nghệ thuật, nhường con đường kinh doanh online cho các mẹ bỉm sữa và người buôn bán nhỏ lẻ.
Tác phẩm điện ảnh “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã xuất sắc giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 22 (Asian Film Festival – AFF22), diễn ra tại thủ đô Rome, Italy từ ngày 8 - 16/4.