Gần 600 loại sữa giả tung hoành 5 năm: Mẹ ân hận vì 'đầu độc con từng ngày'
Gần 600 loại sữa giả bị phanh phui: Người nổi tiếng tiếp tay, niềm tin người tiêu dùng bị đánh cắp, trẻ em và người bệnh đối mặt nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Sữa giả, thuốc giả, thực phẩm không kiểm định… đang ngang nhiên tung hoành trên thị trường. Dù liên tục được cảnh báo, nhiều người tiêu dùng vẫn dễ dãi tin theo, tiếp tay cho “chợ đen online” ngày càng phát triển.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2024, hơn 1.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái đã được phát hiện, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, như: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị điện tử...
Đáng lo ngại hơn, những mặt hàng bị làm giả ngày càng mở rộng không chỉ là quần áo hay mỹ phẩm, mà cả thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, sữa bột, mỹ phẩm cao cấp, thuốc lá điện tử… tất cả đều có thể bị làm giả và bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử.
Nhà cung cấp thường đưa ra những lời quảng cáo hoa mỹ, đôi khi kèm theo các chứng nhận giả mạo để tạo lòng tin. Những sản phẩm này không chỉ gây hại sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ trở nên hoài nghi, thậm chí là mất lòng tin vào các sản phẩm chính hãng.
Một trong những vụ việc gây chấn động mới đây là sản phẩm kẹo rau củ Kera được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội như một “giải pháp thay rau”. Với lời hứa hẹn “một viên kẹo tương đương một đĩa rau”, sản phẩm được các KOLs như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục tích cực quảng bá, thu hút hàng trăm nghìn người tiêu dùng.
Thế nhưng, kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 đã vạch trần sự thật: Trong 100g kẹo Kera chỉ có 0,51g chất xơ tương đương 1/6 quả chuối. Chưa hết, sản phẩm còn chứa Sorbitol, chất không được công bố trên bao bì, vi phạm nghiêm trọng về minh bạch thông tin.
Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt là đơn vị công bố sản phẩm, còn khâu sản xuất do Công ty CP Asia Life (Đắk Lắk) thực hiện. Chỉ trong 4 tháng, đã có hơn 160.000 hộp kẹo được sản xuất, với 135.000 hộp đã bán ra thị trường. Khi vụ việc vỡ lở, người tiêu dùng bức xúc, đồng loạt yêu cầu hoàn tiền và tẩy chay.
Chưa dừng lại ở đó, những ngày qua dư luận lại tiếp tục xôn xao khi Bộ Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả trong gần 5 năm nhưng không bị phát hiện. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, có tới 573 sản phẩm thuộc đường dây này đã lưu hành, hướng đến nhóm người dễ tổn thương như bệnh nhân tiểu đường, suy thận, phụ nữ mang thai.
Nhiều chỉ số dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa bột chỉ đạt 30 - 70% so với công bố, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thực phẩm. Đường dây này đã thu lợi bất chính lên tới 500 tỷ đồng.
Hay mới đây nhất, ngày 16/4, Công an Thanh Hóa đã bắt 14 đối tượng trong đường dây sản xuất thuốc giả quy mô 200 tỷ, thu giữ hàng chục nghìn hộp thuốc và gần 10 tấn tang vật.
Theo khảo sát của VINASTAS (Hiệp hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam), 35% người tiêu dùng từng mua phải hàng giả qua mạng xã hội. Dễ dãi tin vào người nổi tiếng, ham giá rẻ, tin vào các chương trình sale “mồi” khiến nhiều người rơi vào bẫy.
Chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy Quang Linh với Hằng Du Mục quảng cáo kẹo Kera trên mạng xã hội như một “giải pháp thay rau”. Lại đang kèm chương trình sale nên đã đặt luôn 3 hộp. Ai ngờ, Vài ngày sau thì thấy báo chí đưa tin quảng cáo không đúng về sản phẩm. Đúng là mất cả tiền, mất cả niềm tin lại còn hại cho sức khỏe”.
Tương tự, anh Trần Minh Hậu (nhân viên văn phòng tại TP HCM) từng mua sữa giảm giá từ một gian hàng TMĐT vì thấy quảng cáo rầm rộ và có hình ảnh người nổi tiếng. "Khi mua về uống, tôi thấy sữa có mùi lạ, sau mới biết nằm trong danh sách hàng bị thu hồi điều tra. Cũng tại tôi đã không kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm”, anh Hậu nói.
Những câu chuyện như trên không hề hiếm. Từ kẹo Kera, sữa bột cho người bệnh đến mỹ phẩm “xách tay” tràn lan, người tiêu dùng đang tự đẩy mình vào nguy cơ chỉ vì tâm lý “tiện là mua” - “sale là quất”. Điều đáng nói, nhiều người còn mặc định rằng, người nổi tiếng không thể sai, một niềm tin nguy hiểm trong thời đại ai cũng có thể trở thành KOL chỉ bằng lượt theo dõi ảo.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng buôn bán hàng giả hiện nay dùng đủ mọi chiêu: Thuê người nổi tiếng quảng cáo, dựng video review giả, tạo ra tài khoản ảo để tăng tương tác, thậm chí dùng AI tạo hình người nổi tiếng để tăng độ tin cậy.
Nhiều sản phẩm được “gắn mác” thiên nhiên, an toàn, có
kiểm nghiệm nhưng thực chất không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào. Một cú
click chuột có thể mở ra cả dây chuyền gian dối mà người dùng hoàn toàn không hề hay biết.
Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực siết chặt quản lý, người tiêu dùng chính là tuyến phòng thủ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong cuộc chiến chống hàng giả.
Theo khuyến cáo của Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO), người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua sắm, không nên dễ dàng tin vào lời quảng cáo, đặc biệt là từ những người không có
chuyên môn. Thứ hai, cần kiểm tra kỹ thông tin về người bán, đọc đánh giá từ
người dùng thực tế, và ưu tiên chọn mua tại các sàn thương mại điện tử có chính
sách bảo vệ quyền lợi khách hàng rõ ràng. Cuối cùng, nếu phát hiện sản phẩm có
dấu hiệu giả mạo hoặc kém chất lượng, cần nhanh chóng phản ánh tới cơ quan chức
năng để xử lý kịp thời.
Hàng giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn đe dọa sức khỏe, làm xói mòn niềm tin người tiêu dùng, và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp chân chính. Khi kẻ xấu ngày càng tinh vi, thì người mua càng cần tỉnh táo. Bởi một cú click thiếu kiểm soát có thể phải trả giá bằng cả sức khỏe và sự an toàn của chính mình.
"Người tiêu dùng Việt cần trang bị kiến thức, tư duy phản biện và tinh thần cảnh giác để không trở thành mắt xích yếu nhất trong cuộc chiến chống hàng giả vốn đang nóng lên từng ngày", đại diện VICOPRO nhấn mạnh.