Cục trưởng Xuân Bắc: 'Địa đạo' là phim nhất định phải xem
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Xuân Bắc bày tỏ sự xúc động sau khi thưởng thức phim điện ảnh "Địa đạo" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
hoặc
Vui lòng nhập thông tin cá nhân
Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu
Trong đêm khuya, sau suất chiếu đầu tiên của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” tại Hà Nội, đồng nghiệp nhắn hỏi: “Phim có hay không?”. Tôi đáp: “Em nghĩ bộ phim sẽ thay đổi cách chúng ta xem chiến tranh. Một tác phẩm kiệm lời về thời chiến”.
Năm 1967, giữa tâm điểm của chiến dịch "tìm và diệt", đội du kích do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông phải bảo vệ nhóm tình báo chiến lược. Trong bóng tối bức bối của địa đạo, họ giành giật từng tấc hầm, từng hơi thở sống còn để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngay từ cảnh mở đầu, khi nữ du kích Ba Hương (Hồ Thu Anh) bơi lặng lẽ men theo triền sông - nơi xác đồng đội trôi lập lờ, mùi tử khí hoà trong nước – tôi lập tức liên tưởng đến Cánh đồng hoang, một bộ phim kinh điển trong thể loại này. Những tưởng bộ phim sẽ tiếp nối mạch cảm thức quen thuộc của dòng chiến tranh, nhưng không, Địa đạo rẽ một lối đi khác.
Thay vì tạo khoảng cách an toàn giữa khán giả và chiến trường, Địa đạo ném người xem thẳng vào tâm lửa. Cảm giác ngột ngạt ấy gợi nhớ đến trường đoạn mở màn nghẹt thở của Giải cứu binh nhì Ryan. Nhưng Địa đạo không dựa vào đại cảnh hoành tráng hay kỹ xảo phô trương, dù có sự hỗ trợ chuyên nghiệp về 3D từ Việt Phương và cộng sự. Trong lòng địa đạo chật hẹp, ẩm thấp, từng nhịp thở, tiếng tim đập, cả nỗi sợ lẫn cái chết len lỏi trong từng khuôn hình. Người xem không chỉ quan sát mà như thể chính mình cũng đang lóp ngóp bò qua bóng tối, chật vật tìm chút ánh sáng và không khí giữa màn đêm quánh đặc. Kết thúc 128 phút phim, tôi không chỉ mệt mỏi về cảm xúc, mà còn cảm thấy như vừa trải qua một thử thách vật lý. Địa đạo không kể chuyện theo kiểu truyền thống, nó buộc người xem sống cùng lịch sử.
Ngồi bên tôi hôm đó là nhà văn Ngô Thảo và vợ chồng NSND Lan Hương – Đỗ Kỷ. Hai nghệ sĩ gạo cội và “pho sử sống về chiến chinh” cũng phải thốt lên: “Phim thật quá”. Diễn xuất của dàn diễn viên phần đa là Gen Z nhưng chân thực đến độ lời thoại của họ nhiều lúc trở nên mơ hồ – phần vì giọng địa phương, phần vì diễn xuất quá nhập tâm, như thể các nhân vật đang sống thật, không diễn nữa. Nếu có cả phụ đề tiếng Việt, bộ phim có lẽ sẽ dễ tiếp cận hơn với khán giả miền Bắc chăng? Nhưng cũng có thể, đó là chủ ý của đạo diễn!
Nếu đúng thế, nó thật tương thông với một nhận định cũ, rằng "chiến tranh không cho con người ta có thời gian để suy nghĩ". Đó là chuỗi hành động dồn dập cao trào, nơi lời nói bị bóp nghẹt bởi tiếng súng, chỉ còn lại những mệnh lệnh cụt ngủn, những mẩu đối thoại vội vã. Và xét ở khía cạnh ấy, Địa đạo đã chạm vào bản chất trần trụi của chiến tranh.
Táo bạo hơn cả, chính là những cảnh tình yêu giữa thời khắc bom rung đạn nổ. Đặc biệt là cảnh cuối – một cảnh yêu đương tráng lệ - từ tôi dùng khi trò chuyện với những người bạn cùng đưa tin về bộ phim. Nếu trước đây, phim chiến tranh Việt thường đặt tình yêu vào khoảng lặng khi mặt trận tạm yên tĩnh, thì Địa đạo quăng tình yêu vào giữa hiểm nguy, khiến nó trở thành bản năng sinh tồn. Không lãng mạn hóa chiến tranh, yêu đương là lời phản kháng tuyệt vọng trước cái chết, rồi sau đó, mở ra sự sống.
Đâu đó sẽ có một vài tranh cãi. Nhưng nếu thử tháo bỏ gọng kính định kiến, sẽ thấy những cảnh ấy là một lát cắt táo bạo, chạm đến tận cùng của kiếp người trong thời loạn. Nó giàu tính ẩn dụ, đậm đặc cảm xúc. Đạo diễn không chỉ khắc họa chiến tranh như một guồng xoáy hủy diệt, mà còn như phép thử tột cùng, nơi con người bám víu từng hơi thở để chứng minh mình vẫn còn sống.
Và có lẽ, những ai quen với kiểu dẫn chuyện tuyến tính, với nhân vật rõ nét, có thể cảm thấy bộ phim hơi rời rạc. Sự hy sinh lướt qua màn ảnh rất nhanh, không tôn vinh dài dòng. Kể cả sự hy sinh của chú Sáu, nhân vật lãnh đạo cấp cao, cũng là một trong những phân cảnh tôi ấn tượng nhất, cũng chỉ gói gọn trong vài nhịp máy kiêu hùng. Nhưng chiến tranh là thế, cái chết ập đến không báo trước, không có thời gian tiếc thương. Vẫn phải sống tiếp, phải vượt qua trận càn này.
Bộ phim nhiều lần đặc tả bản đồ ba tầng địa đạo, chi tiết giúp khán giả hình dung sự tinh vi của mê lộ lòng đất. Nhưng cũng chính sự chuyển dịch không gian ấy khiến tôi đôi khi mất phương hướng. Có thể đó là dụng ý nghệ thuật, để khán giả cùng chìm vào cảm giác lạc lối, hoang mang như nhân vật. Nhưng cũng khiến trải nghiệm trở nên thiếu trực quan. Về mặt dàn dựng, tôi tin Địa đạo là một bài toán hóc búa về hậu kỳ, ráp nối được mê cung ấy giữa chiến trường hỗn loạn đòi hỏi một tư duy gần như toán học chứ không chỉ là nghệ thuật.
Kết phim, sẽ có người tán dương, có người hẫng hụt cho rằng phim thiếu một thông điệp rành mạch. Nhưng Địa đạo cần một cách xem mới. Nó chọn cách kể của điện ảnh đương đại: không ngợi ca anh hùng, không thần thánh hóa cuộc chiến, mà phơi bày sự tàn khốc, lạnh lùng nhưng cũng đầy ám ảnh về thân phận.
Tôi tin Địa đạo sẽ chạm đến đông đảo khán giả, cả trong và ngoài nước. Hơn thế, không thể phủ nhận đây là một cột mốc quan trọng của dòng phim chiến tranh Việt Nam. Thật trùng hợp, bộ phim ra mắt đúng dịp 30/4 năm nay, như một lời nhắc nhớ sau nửa thế kỷ, nhưng với một góc nhìn táo bạo và đương đại.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng trả lời trước báo chí rằng anh chưa bao giờ phải trăn trở về sự lựa chọn của mình, phong cách làm phim cũng như lối sống của bản thân. Anh tự do làm những gì mong ước, và đó là hạnh phúc. Có lẽ Địa đạo chính là bộ phim như thế, không chiều lòng tất cả, nhưng sẽ còn ở lại rất lâu với những ai đón nhận nó.