Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Mặt tối 'ngành công nghiệp thú cưng’ đang bùng nổ ở Trung Quốc

Thứ hai, 31/03/2025 07:08 (GMT+7)

Các khiếu nại trên khắp Trung Quốc về các doanh nghiệp "nhận nuôi" mèo đang phơi bày mặt tối của ngành công nghiệp thú cưng đang nở rộ.

Cần một người bạn đồng hành, nữ sinh đại học Xiaomo ngay lập tức bị thu hút bởi chú mèo Anh lông ngắn nhỏ nhắn và "đã nhận nuôi ngay tại chỗ", cô nói với Sixth Tone.

Nhưng mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ. Chú mèo con, vốn đã bị bệnh khi cô mang về, đã chết trong vòng một tuần. Tuy nhiên, điều đó không giúp Xiaomo thoát khỏi hợp đồng, vì cô vẫn phải trả gần 250 nhân dân tệ (34 USD) mỗi tháng cho cửa hàng, ngay cả khi cô không chọn một con vật thay thế.

“Họ nói rằng đây là nhận nuôi mèo miễn phí, nhưng thực tế họ dụ dỗ chúng tôi mua hàng và ký hợp đồng mua thức ăn cho mèo”, Xiaomo viết trên mạng xã hội. Cô từ chối sử dụng tên đầy đủ để bảo vệ danh tính.

Cô chỉ là một trong số nhiều người tiêu dùng Trung Quốc có tài chính hạn hẹp, cảm thấy bị mắc kẹt bởi mô hình kinh doanh đang nhanh chóng lan rộng ở Trung Quốc do nhu cầu nuôi thú cưng tăng cao.

Các cửa hàng trên khắp đất nước, thường đặt tại các trung tâm thương mại và gắn mác “công ty nhận nuôi thú cưng”, cung cấp động vật miễn phí với điều kiện khách hàng đồng ý mua thức ăn và phụ kiện trong tương lai. Các doanh nghiệp này đã trở thành đối tượng của nhiều vụ kiện tụng, cảnh báo của chính phủ và gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng.

Một sự kiện “nhận nuôi thú cưng” được tổ chức tại Trịnh Châu năm 2022. Ảnh: VCG

Một hashtag phàn nàn về một công ty như vậy đã thu hút hơn 18 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Trên nền tảng đối thủ Xiaohongshu (RedNote), một hashtag của những người tìm kiếm sự giúp đỡ để hủy hợp đồng sau khi thú cưng nhận nuôi bị bệnh hoặc chết cũng đã có hàng chục nghìn lượt xem. Người dùng thậm chí còn đùa gọi những hợp đồng này là “khoản vay mèo”.

Sự gia tăng của vấn đề này phản ánh tầm quan trọng của thú cưng trong xã hội Trung Quốc: số lượng mèo nuôi đã vượt 70 triệu vào năm 2024, theo nền tảng thông tin PetData, cùng với khoảng 50 triệu con chó nuôi.

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm trên 13% trong thập kỷ qua, đạt giá trị 300 tỷ nhân dân tệ (hơn 1.000 tỷ đồng) vào năm ngoái, theo PetData. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập và ngày càng nhiều người sống một mình.

Những tranh chấp về mô hình “nhận nuôi” phản ánh một vấn đề nghiêm trọng hơn: trong một nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tiêu dùng, các hình thức lừa đảo và thao túng khách hàng mới đang xuất hiện. Khi chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu kích thích tiêu dùng làm ưu tiên kinh tế hàng đầu trong năm nay, các quan chức đang đàn áp các hành vi gian lận để đảm bảo người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn khi chi tiêu.

Xiaomo cho biết hợp đồng “nhận nuôi” có vẻ rẻ hơn so với giá mua một con mèo thông thường. Nhưng nếu vi phạm hợp đồng, điểm tín dụng của cô trên ứng dụng thanh toán sẽ bị giảm, gây khó khăn khi sử dụng các dịch vụ khác của ứng dụng như thuê xe đạp.

Vì lý do đó, hai tuần sau khi chú mèo đầu tiên chết, dù vẫn còn đau buồn, Xiaomo đã chấp nhận lời đề nghị của cửa hàng để nhận một chú mèo khác. Lần này, cô đưa nó đi khám sức khỏe bằng tiền của mình — và phát hiện nó bị nhiễm ve tai. Dù đã vệ sinh thường xuyên, chú mèo thứ hai vẫn ngừng ăn uống và chết vì mất nước.

Xiaomo cố gắng gửi đơn khiếu nại qua đường dây nóng bảo vệ người tiêu dùng của chính phủ, nhưng được khuyên nên thương lượng với cửa hàng. Vì hợp đồng quy định trách nhiệm về sức khỏe của thú cưng thuộc về người nhận nuôi, việc kiện tụng có vẻ khó khăn.

Một phần của vấn đề là xác định hợp đồng “nhận nuôi” thú cưng thuộc luật nào.

Các hợp đồng này kết hợp giữa yếu tố mua bán và tặng quà, vốn được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự Trung Quốc. Theo luật sư Xu Guipeng của Công ty Luật Chongqing Hezong, người tặng quà hoặc người bán có trách nhiệm với khiếm khuyết của sản phẩm.

“Các điều khoản yêu cầu người tiêu dùng mua thức ăn cho mèo trong hợp đồng không phải là bất hợp pháp”, ông nói với truyền thông trong nước. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp cố tình che giấu, gây hiểu lầm hoặc lừa dối người tiêu dùng, họ có quyền yêu cầu hủy hợp đồng thông qua tòa án hoặc trọng tài.

Trong một vụ tranh chấp năm 2023 giữa một công ty nhận nuôi thú cưng và khách hàng nhận phải động vật bị bệnh, tòa án ở tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc) phán quyết rằng công ty có nghĩa vụ hợp đồng cung cấp thú cưng khỏe mạnh. Đồng thời, tòa tuyên bố việc khách hàng từ chối mua thức ăn cho mèo sau khi thú cưng chết là “phù hợp với lẽ thường”.

Tòa quyết định khách hàng chỉ phải thanh toán bốn tháng của hợp đồng. Cả hai bên đều không kháng cáo. “Việc nhận nuôi thú cưng miễn phí dễ dẫn đến các vấn đề như nhận nuôi thú cưng bị bệnh”, tòa án cho biết, bao gồm cả “sự gia tăng tình trạng bỏ rơi thú cưng của những người trẻ mua sắm theo cảm tính.”

Luật sư Wei Wei của Công ty Luật JAVY tại Bắc Kinh cho biết một số tòa án địa phương khác cũng đã xác định những hợp đồng nhận nuôi này thực chất là hợp đồng mua bán, và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với khiếm khuyết của thú cưng. Bà cũng cho biết điều khoản hợp đồng buộc người tiêu dùng chỉ được mua sản phẩm có thể bị đội giá cao có thể là bất hợp pháp.

“Nếu thú cưng bị bệnh, tòa án hoặc cơ quan chính phủ có thể áp dụng các biện pháp như hoàn tiền, đổi sản phẩm hoặc bồi thường thiệt hại”, bà nói với Sixth Tone.

Khi các khiếu nại về việc “nhận nuôi thú cưng miễn phí” lan rộng, một số chính quyền địa phương đã đưa ra cảnh báo công khai.

Tháng 8/2024, Hội đồng Bảo vệ Người tiêu dùng của thành phố Trùng Khánh (tây nam Trung Quốc) khuyến nghị người dân chỉ nhận nuôi thú cưng từ các cửa hàng “có uy tín”, yêu cầu giấy chứng nhận sức khỏe hoặc tiêm phòng trước khi nhận nuôi, xem xét hợp đồng kỹ lưỡng và lưu giữ hồ sơ mua hàng.

Trúc Mai
Nguồn: sohuutritue.net.vn