Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Mặc khêu gợi, chủ động trò chuyện không đồng nghĩa với ‘bật đèn xanh’ cho tội phạm tình dục

Thứ tư, 28/05/2025 07:00 (GMT+7)

Ranh giới giữa quan hệ tự nguyện và hiếp dâm vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm tình dục.

Một sự việc mới xảy ra đang gây tranh cãi ở Hà Nội khi chị C viết đơn tố cáo anh A có hành vi tấn công tình dục, hiếp dâm không thành với chị sau cuộc nhậu cùng bạn bè chung. Tuy nhiên trong đơn giải trình với cơ quan, anh A cho biết chị C đã chủ động nhắn tin cho người tổ chức cuộc nhậu với nội dung: Chỉ tham gia nếu có anh A. A khẳng định chị C đồng thuận và còn cho rằng chị C có mục đích trong việc viết đơn tố cáo mình. Người này chỉ nhận mình đã sai vì đi quá giới hạn với người khác giới trong khi đang có gia đình.

Nhiều vụ việc liên quan đến tấn công tình dục thường xoay quanh câu hỏi: “Làm thế nào để xác định sự đồng thuận?”. Sự phức tạp này không chỉ nằm ở góc độ pháp lý mà còn liên quan đến văn hóa, định kiến xã hội và nhận thức cá nhân.

Thế là nào tự nguyện đồng thuận?

Trước vụ việc của C, cũng có rất nhiều vụ gây tranh cãi khi nạn nhân và bị cáo có hai góc nhìn khác nhau khi thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Trong khi nạn nhân cho rằng mình bị ép buộc thì nhiều bị cáo khẳng định nạn nhân tình nguyện quan hệ bất chấp họ đang say xỉn hoặc không tỉnh táo để đưa ra quyết định đồng thuận.

H.Y (33 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ quan điểm, với cô nếu bản thân không tự nguyện quan hệ trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo thì mọi hành vi quan hệ tình dục phát sinh đều được coi là quấy rối. Tuy nhiên, cô cũng bày tỏ, không dễ để chứng minh rõ ràng rằng điều này.

K.H (20 tuổi, sinh viên ngành luật) cho hay, cô từng đọc tài liệu về vụ án hiếp dâm mà nạn nhân là một phụ nữ đã tố cáo một diễn viên hài ép quan hệ tình dục nhiều lần dù nạn nhân liên tục tỏ thái độ miễn cưỡng. Tuy nhiên, cô vẫn không phản kháng quyết liệt mà vẫn tiếp tục để tình trạng diễn ra. Vụ việc gây nhiều tranh cãi và cuối cùng vẫn không thể đưa ra kết luận sau nhiều năm.

Vụ việc đặt ra câu hỏi: Liệu sự im lặng hoặc phản ứng nửa vời có được coi là đồng thuận?

“Vụ này cho thấy sự thiếu rõ ràng trong giao tiếp giữa hai bên, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, sự đồng ý phải được thể hiện rõ ràng, không phải suy đoán.

Đồng thuận thực sự không phải là sự im lặng. Nó phải đáp ứng các tiêu chí tự nguyện, không bị ép buộc hay đe dọa, các bên phải tỉnh táo và phải có sự đồng ý liên tục ở mỗi thời điểm quan hệ tình dục”, K.H chia sẻ quan điểm.

Brock Turner bị bắt vì tấn công tình dục một phụ nữ trong khuôn viên trường. Ảnh: Ảnh: Dayton Daily News.

Theo tổ chức RAINN (Mạng lưới chống tấn công tình dục Mỹ), “hiếp dâm” được định nghĩa là hành vi tình dục diễn ra mà “không có sự đồng ý” của một hoặc nhiều bên tham gia. Trong khi đó, “tự nguyện quan hệ” đòi hỏi tất cả các bên phải “chủ động, tự nguyện, và có năng lực để đưa ra quyết định”. Sự đồng thuận phải là một lời "có" rõ ràng, được đưa ra trong trạng thái tỉnh táo, không chịu áp lực, đe dọa, hay thao túng.

Trong các vụ án hiếp dâm, một thách thức lớn là việc xác minh sự đồng thuận khi lời khai của nạn nhân và bị cáo mâu thuẫn. Ví dụ điển hình là vụ án Brock Turner (2015) tại Mỹ. Turner, một sinh viên Đại học Stanford, bị cáo buộc tấn công tình dục một phụ nữ bất tỉnh sau bữa tiệc. Dù nạn nhân không thể phản kháng do say rượu, Turner vẫn khẳng định cô "đồng ý". Tòa án đã bác bỏ lập luận này, kết án Turner phải ngồi tù.

Nhiều quốc gia như Canada, Thụy Điển, và một số bang ở Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn "đồng thuận tích cực" (Affirmative Consent). Theo đó, việc im lặng, thiếu phản kháng, hoặc đồng ý trong tình trạng say xỉn đều không được coi là hợp lệ. Điều này phản ánh nguyên tắc: “Chỉ có sự đồng ý chủ động mới tạo nên tính hợp pháp của hành vi tình dục”.

Mặc gợi cảm không phải "bật đèn xanh"

Luật sư Chia Boon Teck gây tranh cãi với phát ngôn đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm. Ảnh: CNA.

Một luật sư người Singapore tên Chia Boon Teck từng gây phẫn nộ dư luận khi bào chữa cho cựu diễn viên Lev Panfilov. Theo đó, người này bị kết tội hiếp dâm một phụ nữ quen qua ứng dụng hẹn hò Tinder.

Nam luật sư nói: "Người phụ nữ đó cũng không phải là cô gái ngây thơ gì cho lắm". Phát ngôn này ngay lập tức bị phản ứng từ phía dư luận vì cho rằng luật sư đang đổ lỗi cho nạn nhân trong vụ án hiếp dâm.

Bày tỏ quan điểm, D.H (30 tuổi, Hà Nội) bức xúc: “Tại sao người ta có thể đổ lỗi cho nạn nhân. Trang phục không phải và không bao giờ là ngôn ngữ thể hiện sự đồng ý”.

Củng cố cho quan điểm của D.H, một nghiên cứu của Đại học Kansas (2017) chỉ ra, không có mối liên hệ giữa trang phục và nguy cơ bị tấn công trong các vụ án quấy rối. Thủ phạm nhắm vào cơ hội, không phải những gì nạn nhân mặc.

Bên cạnh đó, D.H cũng cho biết, việc thích một người cũng không đồng nghĩa với việc đồng thuận quan hệ tình dục, thậm chí ngay cả khi cả hai đã xác lập quan hệ yêu đương.

“Ngay cả khi hai người yêu nhau đã từng quan hệ tình dục trước đó không có nghĩa là họ mặc định đồng ý ở những lần tiếp theo”, D.H nói.

Theo nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi, loại bỏ văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân, thay đổi tư duy "đồng ý ngầm" từ trang phục hay hành vi là một trong những điều cốt lõi để ngăn chặn những vụ án quấy rối, xâm hại.

Vụ việc nhà thơ Dạ Thảo Phương tố ông Lương Ngọc An cách đây 3 năm cũng từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, ngày 6/4/2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương đã đăng tải một bài viết dài trên trang Facebook cá nhân, tố cáo ông Lương Ngọc An đã cưỡng hiếp và vu khống bà.

Theo bà Phương, suốt thời gian từ tháng 7/1999 đến tháng 4/2000, bà đã bị ông An nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức như một nô lệ tình dục. Tuy nhiên, do thiếu vốn sống và sợ hãi, bà chưa dám nói ra cho gia đình, cơ quan hay. Sau sự việc ngày 14/4/2000, bà Phương đã viết đơn tố cáo ông An, tuy nhiên lại bị ông An tố ngược lại. Ông An cho rằng giữa hai người có mối quan hệ tình cảm và do mình muốn chia tay nên cả hai mới xảy ra “xô xát”. Bà Phương bác bỏ luận điệu về một mối quan hệ tình cảm, tình dục đồng thuận mà ông An đưa ra.

Ông Lương Ngọc An từng lên tiếng duy nhất một lần trên mạng xã hội, hồi tháng 4/2022, cho biết: "Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì. Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng. Giữa cái lý với cái tình, khi không thể đồng hành thì tránh đi chẳng phải tốt hơn sao". Ông cũng thông báo đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng việc bị bà Dạ Thảo Phương "vu khống".

Tháng 5/2022, ông An thôi giữ chức vụ phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ.

Băng Tâm
Nguồn: sohuutritue.net.vn