Jollibee cùng đối tác Việt Nam mua lại chuỗi cà phê Coffee Bean
Chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng của Philippines Jollibee sẽ chi khoảng 350 triệu USD để mua lại chuỗi cà phê Coffee Bean & Tea Leaf đang làm ăn thua lỗ. Các nhà phân tích nói thương vụ này cũng xác định lại thị phần thức ăn và đồ uống tại Việt Nam của Jollibee.
Theo hồ sơ cáo bạch của Jollibee nộp Ủy ban Chứng khoán Philippines, Jollibee sẽ góp 100 triệu USD cho 80% cổ phần vào một liên doanh mới sẽ lập tại Singapore. Số 20% cổ phần còn lại sẽ do CTCP Viet Thai International đang điều hành chuỗi nhà hàng Phở 24 và cà phê Highlands góp vốn.
Chuỗi nhà hàng lớn nhất của Philippines sẽ chi thêm khoảng 250 triệu USD để hoàn tất thương vụ này. Một phần trong khoản vốn 350 triệu USD sẽ được dùng để trả nợ. Năm ngoái, Coffee Bean đạt doanh thu hơn 313 triệu USD, lỗ 21 triệu USD và nợ khoảng 83,5 triệu USD.
Thương vụ khủng nhưng không lạc quan
Theo số liệu của hãng tin tài chính Bloomberg, thương vụ mua lại Coffee Bean là vụ chuyển nhượng lớn nhất của chuỗi nhà hàng Philippines kể từ sau khi Jollibee bỏ ra hơn 210 triệu USD để mua lại chuỗi thức ăn nhanh Smashburger tại Hoa Kỳ trong năm 2018.
“Đây là thương vụ đa quốc gia lớn nhất của Jollibee. Thương vụ này cho phép Jollibee trở thành nhân tố quan trọng trên thị trường cà phê đang phát triển nhanh. Jollibee sẽ ưu tiên thúc đẩy Coffee Bean tăng trưởng tại châu Á” - CEO Jollibee, Tony Tan Caktiong nói. Ông cũng nói rằng Coffee Bean sẽ giúp doanh số toàn cầu của Jollibee tăng thêm 14% và số lượng cửa hàng trong hệ thống tăng hơn 25%.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường chứng khoán có phần đi ngược sự lạc quan của Jollibee. Trong phiên giao dịch sáng 25/7/2019 tại thị trường chứng khoán Manila, giá cổ phiếu của Jollibee giảm hơn 8% - đợt sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2016. “Thị trường đang hoài nghi là thương vụ sẽ mang lại tăng trưởng lợi nhuận cho Jollibee. Cần nhớ rằng khoản lỗ năm 2018 của Coffee Bean tương đương 12% lợi nhuận của Jollibee trong năm ngoái” - chuyên viên phân tích Rachelle Cruz thuộc hãng chứng khoán AP Securities nhận định.
Cũng vì thương vụ này, đợt gọi vốn đầu tiên của Highlands Coffee trên thị trường Singapore trong tháng 7 này đã được dời lại.
Coffee Bean thành lập năm 1963 tại Los Angeles, Hoa Kỳ và hiện có 1.189 cửa tiệm tại 27 nước, trong đó 75% là các tiệm nhượng quyền (franchise).
Phân bổ lại thị trường chuỗi cà phê?
Các chuyên gia phân tích nói với Báo Người Tiêu Dùng rằng thương vụ mới nhất trong lĩnh vực ẩm thực sẽ đem lại một số thay đổi trên thị trường chuỗi quán cà phê bởi Highlands hiện đang đứng đầu về lợi nhuận trong năm 2018. Còn Coffee Bean tuy thuộc vào top 10 có doanh số cao nhất hiện vẫn đang lỗ.
Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Highlands đứng đầu trong các chuỗi cà phê nổi tiếng tại Việt Nam với tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm 2018. Vượt qua Coffee House, Starbucks, Phúc Long và Trung Nguyên, chuỗi cà phê Highlands đạt doanh số hơn 1.600 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng gần 31% so với năm 2017 và giữ vững vị trí số một.
Số lượng cửa hàng của Highlands tăng hơn 3 lần trong 5 năm qua, từ 60 cửa hàng trong năm 2014 đã lên hơn 200 vào đầu năm nay.
Trong hai năm 2017-2018, doanh thu của Highlands đã vượt quá con số ngàn tỷ. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Highlands chỉ đạt 129 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 132 tỷ của năm trước đó.
Nguyên nhân chính là chi phí thuê mặt bằng và tiền quảng cáo đã nhảy vọt từ 600 tỷ đồng trong năm 2017 lên gần 850 tỷ đồng trong năm ngoái. Bản báo cáo của VIRAC nói rằng “thương hiệu đi lên nhờ tính phủ rộng của các cửa tiệm thay vì khẩu vị của khách hàng”. Thực đơn đồ uống đơn giản và dễ chọn, cửa tiệm có mặt khắp các tòa nhà hay trung tâm thương mại lớn nhỏ. Một yếu tố khác là Highlands đã bỏ hẳn thực đơn các món cơm và mì xào từ giữa năm 2018, món duy nhất còn lại là bánh mì và đồ ngọt!
Coffee Bean dù được đánh giá là “chuỗi cà phê sang” - tương tự như Starbucks, có sự phát triển khiêm tốn. Hiện hệ thống này có 13 cửa tiệm tại TP.HCM và hai quán tại Hà Nội. Tuy thuộc top 10 về chuỗi cà phê có doanh thu cao tại Việt Nam, nhưng chuỗi cà phê sang này báo lỗ 29 tỷ đồng trong tổng doanh số 108 tỷ đồng trong năm 2018.
Tình trạng lỗ của Coffee Bean tại Việt Nam là mẫu số chung của cả hệ thống này trên toàn thế giới. Hãng International Food & Beverage Holdings - chủ sở hữu Coffee Bean và chuỗi Subway - từng vạch ra biện pháp cắt lỗ, bổ sung nguồn vốn “bằng việc mời gọi các nhà đầu tư chiến lược trở thành cổ đông mới trong công ty”. Trong khi đó, Duy Baker - nhà kinh doanh và tư vấn về chuỗi cà phê tại TP.HCM - nói rằng “vốn từ tập đoàn mẹ Jollibee và kinh nghiệm điều hành Highlands của đối tác Việt Nam sẽ giúp cho chuỗi cà phê cao cấp chuyển mình, ít nhất là tại TP.HCM”.
Trong khi đó, ở mảng thức ăn nhanh, Jollibee vẫn đang chật vật cạnh tranh với các chuỗi Lotteria, KFC, McDonalds và Burger King tại Việt Nam trong một thị trường dù có tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm nhưng “ai tham gia cũng lỗ và càng mở rộng càng lỗ”. Điển hình là Lotteria với hơn 100 cửa hàng tại 30 tỉnh thành, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng nhưng khoản lỗ lũy kế lên đến 400 tỷ đồng trong năm ngoái.
Từng là niềm tự hào của nhà sáng lập Lý Quý Trung, chuỗi cửa hàng Phở 24 sau khi về tay Viet Thai International - Jollibee Food có vẻ im ắng. Báo cáo mới nhất vào tháng 5/2019 của một hãng tư vấn ẩm thực nói chuỗi phở này đã mở thêm hơn 10 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội sau chuyển nhượng.
Ricky Hồ
-
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 115 triệu USD
-
Eximbank giới thiệu giải pháp tài chính thông minh khi mua xe ô tô
-
Dòng tiền FDI chuyển hướng sang dự án khu công nghiệp, văn phòng
-
Gửi tiết kiệm kỳ hạn này, lãi cao bất ngờ
-
Eximbank bị kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng
-
Giá vàng biến động khó lường