Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Giá vàng miếng tăng sốc, áp sát mốc 123 triệu đồng/lượng

Thứ tư, 23/07/2025 11:19 (GMT+7)

Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh, tiến sát mốc 123 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng bứt phá, vượt mốc 120 triệu đồng/lượng tại nhiều doanh nghiệp.

Chỉ trong 3 ngày qua, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng tới 1,5 triệu đồng. Còn sáng nay 23/7, đà tăng chưa dừng lại khi SJC tiếp tục nâng giá thêm 700.000 đồng/lượng, đưa giá bán lên mức kỷ lục 122,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh, tiến sát mốc 123 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa

Không chỉ riêng SJC, các “ông lớn” trong ngành kim hoàn như PNJ, DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu… đều đồng loạt điều chỉnh giá vàng miếng lên ngang bằng mức này. Đáng chú ý, Công ty Mi Hồng - vốn thường có mức giá thấp hơn thị trường, sáng nay cũng điều chỉnh giá mua lên 121,7 triệu đồng/lượng, chỉ giữ nguyên giá bán ở mức 122,7 triệu đồng/lượng.

Diễn biến này tiếp tục củng cố đà tăng “nóng” của thị trường vàng trong nước, trong bối cảnh giá vàng thế giới đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trong khi vàng miếng tăng phi mã thì vàng nhẫn cũng không kém cạnh. Sáng nay, SJC niêm yết vàng nhẫn 99,99 loại 1-5 chỉ ở mức 115,5 - 118 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng so với hôm qua. Tại PNJ, giá nhẫn trơn hiện quanh mức 116,6 - 119,2 triệu đồng/lượng, còn Phú Quý cũng nâng giá lên 116,2 - 119,2 triệu đồng/lượng.

Hai cái tên đáng chú ý là Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải, khi đồng loạt đẩy giá vàng nhẫn tròn trơn lên mốc 117,2 - 120,2 triệu đồng/lượng, tức chỉ còn cách giá vàng miếng khoảng 2 triệu đồng, mức chênh lệch rất hiếm thấy trước đây.

Trái ngược với sự sôi động trong nước, giá vàng thế giới đang tỏ ra đuối sức sau đợt tăng mạnh đêm qua. Hiện tại, giá vàng giao ngay xoay quanh ngưỡng 3.420 USD/ounce, tương đương khoảng 108,6 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí). Như vậy, vàng miếng trong nước hiện đắt hơn vàng thế giới khoảng 14 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cũng cao hơn từ 9 đến 11 triệu đồng/lượng.

Sự chênh lệch này tiếp tục đặt ra câu hỏi về tính bền vững của giá vàng trong nước, nhất là khi lực mua vật chất chưa có dấu hiệu quá mạnh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tâm lý “ôm vàng” vẫn đang chiếm ưu thế, khi nhà đầu tư lo ngại biến động tỷ giá và bất ổn kinh tế toàn cầu.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo, với mức chênh lệch quá cao như hiện nay, người mua cần hết sức cẩn trọng, bởi nếu vàng đảo chiều, rủi ro tài chính sẽ rất lớn, nhất là với những ai đang “lướt sóng” mà không tính kỹ bài toán thuế, phí và biên độ mua - bán.