Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Dựng lại 'tấm khiên' pháp lý để ngăn vòng xoáy tái nghiện, tái phạm tội

Thứ ba, 15/04/2025 13:59 (GMT+7)

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, đề xuất xử lý hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy như quy định trước đây là cần thiết nhằm ngăn chặn vòng xoáy tái nghiện, phạm tội đang bào mòn trật tự xã hội và đe dọa thế hệ trẻ.

Theo thống kê của ngành công an, tỷ lệ người nghiện ma túy quay lại sử dụng sau cai nghiện lên tới 60-70%. Không ít trong số đó sớm rơi vào con đường trộm cắp, cướp giật, giết người hoặc buôn bán ma túy để có tiền thỏa mãn cơn nghiện.

Việc xử lý hành chính bằng phạt tiền hoặc đưa đi cai nghiện bắt buộc nhiều khi không đủ sức răn đe. Những người này thường coi pháp luật như “vòng quay lặp lại”, thậm chí còn trở nên chai sạn và nguy hiểm hơn sau mỗi lần ra trại.

Lực lượng chức năng triệt phá xưởng sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Công an cung cấp

Hai vụ án chấn động từ hệ lụy của ma túy

Từ khi Điều 199 Bộ luật Hình sự 1999 bị bãi bỏ – điều khoản từng cho phép xử lý hình sự người sử dụng ma túy đá tái phạm – những bi kịch từ “ngáo đá” cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn, năm này qua năm khác.

Năm 2019, Trương Tín (ngụ quận Bình Tân, TP HCM), sau khi sử dụng ma túy, lên cơn ảo giác, đã sát hại chính bà ngoại, mẹ và dì ruột vì nghĩ họ là robot muốn giết mình.

Không dừng lại ở đó, Đặng Văn Tuấn, sau khi mãn án tù vì buôn ma túy, đã giết em dâu rồi sống cùng thi thể nạn nhân suốt 2 ngày trong căn nhà ở quận 1, TP HCM, chỉ vì ghen tuông trong cơn “phê”.

Tại Bình Dương, từ 2019 đến nay, hàng chục vụ “ngáo đá” gây rối công cộng, tấn công người thân, giết người, đốt nhà… liên tiếp xảy ra. Có người leo lên trụ điện, có kẻ đâm chết mẹ ruột rồi tự sát, thậm chí như Võ Văn Quyên (25 tuổi) cắn đứt cơ thể cụ ông 84 tuổi rồi tử vong vì sốc thuốc.

Gần đây nhất, các vụ án ở Hà Nội, Cần Thơ tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh. Một đối tượng dùng dao tấn công 8 người ở chung cư, một kẻ khác dùng kéo đâm 4 người giữa ban ngày.

Ma túy đá không chỉ tàn phá thân xác mà còn biến con người thành “quái vật” mất kiểm soát. Bao nhiêu nữa thì đủ để xã hội thức tỉnh?

Đã đến lúc dựng lại “bức tường” pháp lý

Dưới góc độ tội phạm học, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, đã đến lúc cần dựng lại “bức tường” pháp lý để ngăn chặn vòng xoáy tái nghiện – phạm tội – tái phạm, đang từng ngày bào mòn trật tự xã hội và đe dọa trực tiếp đến thế hệ trẻ. "Tái hình sự hóa không phải để đóng sập cánh cửa với người nghiện, mà là dựng lại một hàng rào đủ mạnh để họ không tiếp tục trượt dài", ông nhận định.

Trước năm 2009, hành vi sử dụng ma túy từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 199 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, kể từ khi điều khoản này bị bãi bỏ, cách tiếp cận “phi hình sự hóa” đã được áp dụng, hướng đến nhân văn và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tuy vậy, trong điều kiện hệ thống hỗ trợ còn yếu, việc giảm nhẹ chế tài đã vô tình tạo ra một khoảng trống nguy hiểm.

Chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, đã đến lúc dựng lại “bức tường” pháp lý để ngăn ngừa tội phạm. Ảnh: NVCC

Theo thống kê của Bộ Công an, cả nước hiện có hơn 226.000 người nghiện và người sử dụng trái phép ma túy có hồ sơ. Đáng lo ngại, khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi 15–25, trong đó có nhiều em chỉ mới 13 tuổi. Tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn rất cao, có nơi lên đến 80–90%, biến công tác cai nghiện trở nên kém hiệu quả, thậm chí vô vọng.

Từ thực tiễn điều tra, nhận thấy nhiều vụ trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người đều có điểm chung là thủ phạm nghiện ma túy. Khi không còn rào cản pháp lý đủ mạnh, người nghiện sau cai dễ dàng quay lại con đường cũ, kéo theo nhiều người khác cùng sa ngã.

Tái hình sự hóa lần này không nhằm quay lại mô hình xử lý tràn lan như trước năm 2009, mà chỉ tập trung vào nhóm người đã từng cai nghiện nhưng vẫn cố tình tái sử dụng ma túy – nhóm có nguy cơ tái phạm cao nhất, và thường liên quan đến các vụ phạm pháp hình sự.

Trong bối cảnh ma túy biến tướng ngày càng tinh vi, xuất hiện dưới dạng bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử… ngay cả người sử dụng cũng không nhận thức được mình đang dùng chất cấm. Điều này khiến việc kiểm soát càng trở nên cấp bách.

Việc hình sự hóa có chọn lọc là liều thuốc đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa và can thiệp có kiểm soát. Nó không khép lại cánh cửa phục hồi, mà giữ lại những ai còn có thể cứu.

Chúng ta đã chậm hơn 15 năm để chứng kiến vòng xoáy tái nghiện lan rộng từ đô thị đến nông thôn, từ nhà máy đến trường học. Nếu không hành động kịp thời, chính sách pháp luật sẽ tiếp tục tụt lại sau thực tiễn, và người phải trả giá đầu tiên không phải là người nghiện, mà là những nạn nhân vô tội của tội phạm do người nghiện gây ra.

Không có chính sách nào là hoàn hảo. Nhưng giữa việc tiếp tục "nhẹ tay" để nhìn người nghiện trượt dốc không phanh, hay sử dụng công cụ pháp luật để cưỡng chế và định hướng lại hành vi, tôi tin rằng chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động.

Đã đến lúc dựng lại “bức tường pháp lý” – không phải để chia cách, mà để giữ lại những ai còn có thể cứu. Bởi giữ được họ, cũng chính là giữ lấy sự bình yên cho từng mái nhà, từng con đường, từng góc phố.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất xử phạt hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng phải thực hiện các điều trên theo quy định của luật Phòng, chống ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2-3 năm. Tái phạm thì bị phạt tù từ 3-5 năm.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn