Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Để đạt GDP 8%, mỗi người dân và doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi

Thứ sáu, 25/04/2025 14:40 (GMT+7)

Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định, để đạt tăng trưởng GDP 8%, tiêu dùng nội địa cần tăng 12%, đồng nghĩa với mỗi người dân, doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái.

Sáng nay (25/4), Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia thảo luận, đề xuất các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và phân phối nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cơ hội "vàng" đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi

Tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Nhadautu

Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8%, với ba phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm khoảng 60-65%.

Ông Tuấn nhận định, thị trường trong nước, với hơn 100 triệu người tiêu dùng đóng vai trò là một trong những trụ cột chiến lược quan trọng cho tăng trường và ổn định kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt tăng trưởng GDP 8%, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt 12%.

“Đây là con số rất thách thức. Bởi 10 năm gần đây, chưa năm nào tăng trưởng triêu dùng vượt mức 9%. Để đạt tăng trưởng tiêu dùng đạt mục tiêu 12%, điều đó đồng nghĩa với mỗi người dân, doanh nghiệp phải chi tiêu gấp rưỡi so với năm ngoái”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước, Bộ Công thương. Ảnh: Nhadautu

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng nhấn mạnh vai trò của tiêu dùng nội địa đối với tăng trưởng GDP. Từ năm 2018 trở lại đây, tỷ trọng của tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dung chiếm trên 50% GDP cả nước. Các con số đó cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế.

Đánh giá về tác động của thuế quan Mỹ đối với thị trường tiêu dùng, ông Thắng nhận định thuế quan toàn cầu không tác động trực tiếp, nhưng ảnh hưởng gián tiếp đến giá cả, tâm lý chi tiêu và kỳ vọng thị trường. Nhiều nguyên liệu, linh kiện Trung Quốc được dùng trong sản xuất hàng tiêu dùng tại Việt Nam khiến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá bán lẻ nội địa. Với các nhóm hàng có chuỗi cung ứng toàn cầu (điện tử, hàng điện máy, xe cộ…), giá cả có thể bị đẩy lên, từ đó ảnh hưởng sức mua.

“Đáng chú ý, về tâm lý, tâm lý lo ngại lạm phát quay lại, giá hàng hóa 'chưa tăng hôm nay nhưng sẽ tăng trong vài tháng tới' khiến người dân dè chừng chi tiêu, nhất là với các khoản lớn”, thành viên HĐQT Eximbank nói.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, thuế quan của Mỹ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt.

Giải bài toán để doanh nghiệp Việt “thắng trên sân nhà”

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

GS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, cần đặt vấn đề khảo sát thị trường nội địa gắn với khu vực tư nhân nội địa, vốn chiếm 84% thị trường lao động. Nếu khu vực này không ổn, động lực tăng trưởng sẽ không được đảm bảo. Những vấn đề căn cơ không được bàn đến nơi đến chốn.

Tỷ lệ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam cao, nhưng cấu trúc thị trường gặp nhiều "điểm nghẽn", tốc độ lưu thông thị trường chậm, vòng quay tiền ở Việt Nam thấp. Ông Thiên đề xuất phân tích, bàn thảo tác động của chính sách thuế quan Mỹ ảnh hưởng đến thị trường nội địa Việt Nam ra sao.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đối với chương trình kích cầu nội địa, cần bàn xu hướng, triển vọng, tác động của thị trường thương mại điện tử trong bối cảnh thị trường thế giới biến động như hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp về thay đổi mô hình phát triển kinh tế.

GS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Nhadautu

Ở góc độ khác, GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự VAFIE đề xuất cần thực hiện 7 giải pháp: Đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường; đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường; các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường; doanh nghiệp cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu, hiện có rất ít thương hiệu mạnh, cần khuyến khích DN xây dựng hình ảnh; nâng cao năng lực quản trị của DN; tăng cường đầu tư R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, theo GS Mại, cần khuyến khích DN trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt doanh nghiệp quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Nhìn nhận dưới góc độ thực trạng TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, về tiêu dùng - thị trường nội địa, vài năm gần đây cách làm chính sách phụ thuộc nhiều vào khẩu hiệu mà lại thiếu bằng chứng khoa học. Những nghiên cứu gần đây để có chính sách vừa căn cơ vừa trước mắt thì lại rất yếu.

Đối với các giải pháp, vị chuyên gia nhấn mạnh, cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát duy trì tương đối. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập danh nghĩa thì tiêu dùng tăng khó. Niềm tin người tiêu dùng thấp do họ cần lo cho tương lai. Ổn định vĩ mô do đó rất quan trọng, lạm phát cao là ảnh hưởng người nghèo.

Việt Nam đang thảo khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược dưới dạng Nghị định. Đây có thể là nghị định đầu tiên ở các nước ASEAN bàn tới kiểm soát thương mại chiến lược và chuỗi cung ứng, những mặt hàng quan trọng.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tới chuyển giao công nghệ, chuỗi cung ứng và xuất xứ. Điều này là điểm tích cực cho thấy tinh thần hợp tác của Việt Nam để xử lý quan hệ thương mại với các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam.

 “Với hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đang đề nghị giảm thuế cho doanh nghiệp theo kết quả kinh doanh Ví dụ, một đơn vị đóng góp thuế năm 2025 là 100 tỷ, nếu năm sau đóng 150 tỷ thì sẽ hưởng phần giảm thuế trong 50 tỷ đó. Cần hỗ trợ doanh nghiệp tiêu dùng thì mới có công việc, lao động có tiền mới tiêu”, TS. Võ Trí Thành thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng nêu các giải pháp kích cầu, phát triển thị trường tiêu dùng dựa trên dự thảo Kế hoạch tổng thể và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025, bao gồm:

Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa với các chiến dịch truyền thông trên nhiều nền tảng, các trương trình xúc tiến thương mại và thúc đẩy du lịch nội địa;

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước với các chính sách tài chính ưu đãi, nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường kết nối cung cầu.

Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường dựa trên các yếu tố hệ thống cảnh báo sớm, chương trình bình ổn thị trường và tăng cường logistics.

Thứ tư, chú trọng phát triển hạ tầng thương mại hiện đại bằng cách nâng cấp chợ truyền thống, phát triển bán lẻ hiện đại kết hợp tổ chức sự kiện thương mại quốc gia.

Thứ năm thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững nhằm đảm bảo các yếu tố thanh toán không dùng tiền mặt, bán lẻ thông minh và tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG.

Ngọc Anh
Nguồn: sohuutritue.net.vn