Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Chiếc đồng hồ báo thức được tặng biến nhân viên quèn trở thành ông chủ

Thứ hai, 31/03/2025 07:10 (GMT+7)

Sếp tặng một chiếc đồng hồ báo thức nhân kỷ niệm 7 năm anh làm việc cho công ty. Đó là chất xúc tác cho ba thay đổi lớn trong cuộc đời, biến Zhang từ nhân viên quèn trở thành ông chủ.

Nathan Huixiang Zhang, ở thời điểm hiện nay 52 tuổi, nhận được một chiếc đồng hồ báo thức như một món quà kỷ niệm 7 năm làm việc tại Canada.

Điều đó khiến anh suy ngẫm về cuộc sống của mình và thực hiện ba thay đổi lớn: Anh bỏ việc, trở về Trung Quốc, mở hai nhà hàng sau này trở nên nổi tiếng ở Bắc Kinh.

Zhang bỏ việc ở Canada về Trung Quốc lập nghiệp. Ảnh: BI

Sau 7 năm làm việc tại một công ty viễn thông Canada trong lĩnh vực nhập liệu và quản lý dự án, Zhang nhận được món quà kỷ niệm là một chiếc đồng hồ báo thức. Cử chỉ này khiến anh nhận ra đã đến lúc quay về Trung Quốc.

"Tôi cảm thấy như một người đã chết”, Zhang nói với Business Insider về công việc của mình, cho biết anh không còn cảm thấy thử thách gì trong công việc nữa.

Zhang chuyển từ Trung Quốc đến Edmonton, Canada, vào năm 1999 cùng vợ với kế hoạch xây dựng một cuộc sống mới. Nhưng vào ngày nhận được món quà đó, khi ngồi trong văn phòng, anh nhận ra đây không phải là nơi mình thuộc về.

Anh muốn xây dựng một cuộc sống mới ở Trung Quốc – không phải quê hương, mà ở Bắc Kinh, một thành phố đầy những nhà văn và nghệ sĩ đã truyền cảm hứng cho anh từ khi còn nhỏ.

Khi về nhà sau giờ làm hôm đó, Zhang nói chuyện với vợ và cô ấy đồng ý với quyết định chuyển về Trung Quốc. Ba tháng sau khi nộp đơn từ chức, họ đến Bắc Kinh cùng hai con nhỏ (3 và 5 tuổi).

Vợ anh sau đó hoàn thành bằng tiến sĩ, còn các con theo học tại một trường tiểu học địa phương. Năm 2013, cặp đôi quyết định ly thân. Năm sau, vợ anh sang Canada cùng các con.

Tại Bắc Kinh, Zhang cuối cùng cũng cảm thấy như ở nhà. Trong những năm tiếp theo, anh xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội giúp anh khám phá và theo đuổi con đường sự nghiệp mới.

Ban đầu, Zhang làm việc tại một đài truyền hình và tham gia các dự án xã hội trong thành phố.

Năm 2015, anh quyết định mở một nhà hàng. White Tiger Village là một quán nướng rộng 40m², ba bàn nhỏ và một quầy bar dài.

Nhà hàng White Tiger Village đầu tiên, thời điểm 2015: Ảnh: BI

Zhang giữ chi phí ban đầu ở mức thấp, khoảng 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng), bằng cách nhờ bạn bè giúp đỡ. Một nhà thiết kế đồ họa anh quen biết đã hỗ trợ thiết kế logo và thực đơn, trong khi một người bạn khác lo phần nội thất.

Nhà hàng đóng cửa vào năm 2017 do vướng các quy định xây dựng, nhưng đến năm 2021, Zhang mở lại một phiên bản khác của White Tiger Village tại một khu vực hiện đại ở phía đông Bắc Kinh. Nhà hàng kết hợp ẩm thực Trung Quốc và phong cách phương Tây. Thời gian sống ở Canada đã ảnh hưởng đến cách Zhang vận hành nhà hàng.

White Tiger phiên bản 2021 đã bóng bẩy hơn: Ảnh: BI

"White Tiger Village là nhà hàng đầu tiên ở Bắc Kinh phục vụ món ăn Trung Quốc theo phong cách phương Tây”, Fiona Wu, chuyên gia bán hàng trong ngành phong cách sống ở Bắc Kinh, nói với Business Insider.

Nhà hàng đi theo mô hình bistro, không gian nhỏ gọn, ấm cúng và thực đơn đơn giản nhưng chất lượng, phục vụ các đĩa nhỏ kèm rượu vang. Nó cũng trở thành một trung tâm sáng tạo, tổ chức các sự kiện như chiếu phim, trò chuyện nghệ thuật và biểu diễn âm nhạc.

Một số món ăn nổi bật của nhà hàng là đậu phụ lên men (đậu phụ thối) nghiền với một loại thảo mộc địa phương, nặn thành viên và chiên giòn hay món rushan – váng sữa bò kéo thành tấm mỏng, cuộn nhân và chiên.

Món đậu phụ lên men (đậu phụ thối) của nhà hàng. Ảnh: White Tiger Village

Zhang cho rằng sự phổ biến của các món ăn này một phần do giá cả hợp lý, dao động từ 42 đến 78 nhân dân tệ (148-275 ngàn đồng).

Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp ẩm thực khác, Zhang cảm nhận rõ sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Anh cho biết số người gọi đồ uống có cồn ít hơn, trong khi lợi nhuận nhà hàng phụ thuộc nhiều vào khoản này. Chi phí mở White Tiger Village phiên bản mới lên tới 2 triệu nhân dân tệ (hơn 7 tỷ đồng).

Mùa đông năm 2022, Zhang mở nhà hàng thứ hai có tên In-Between, nằm trong một con hẻm nhỏ gần khu mua sắm Tam Lý Đồn, Bắc Kinh.

Khác với White Tiger Village, In-Between mang phong cách giản dị hơn – nơi thực khách có thể ghé qua thưởng thức một bát mì hay xiên thịt nướng kèm ly rượu vang.

Tháng 3 vừa qua, khi phóng viên Business Insider gặp Zhang tại nhà hàng, anh mặc áo sơ mi hoa, khoác một chiếc áo xanh navy viền trắng, đội mũ beanie trắng của thương hiệu Ami Paris. Hôm đó, một nhân viên nghỉ làm nên Zhang phải tự phục vụ bàn.

Trong lúc Zhang pha cà phê và dọn lên những bát mì gà, nấm, rau mầm, người ta có thể thấy rõ hình xăm tên con anh trên tay.

Mặc dù công việc kinh doanh nhà hàng mang lại nhiều trách nhiệm, Zhang nói rằng giờ đây anh có cơ hội sáng tạo hơn. "Khi làm việc văn phòng, tôi cảm thấy vô dụng”, anh nói. "Ở Bắc Kinh, tôi cảm thấy mình có ích”.

Trúc Mai
Nguồn: sohuutritue.net.vn