Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Hành khách có quyền yêu cầu hoàn tiền ngay nếu bị delay trên 5 giờ

Thứ năm, 24/04/2025 07:31 (GMT+7)

Không ít hành khách lỡ lịch trình, mệt mỏi chờ đợi trong tình trạng thiếu thông tin và hỗ trợ cần thiết khi hãng bay delay. Theo luật sư, khởi hành trễ từ 5 giờ trở lên, hành khách có quyền yêu cầu hoàn tiền trực tiếp tại sân bay.

Khốn khổ vì bị delay nhiều giờ

Từ ngày 20/4/2025, Vietjet bắt đầu áp dụng hình thức tự phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất sau khi chấm dứt hợp đồng với Công ty SAGS. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao gặp nhiều trục trặc, khiến phần lớn các chuyến bay trong hai ngày 20–21/4 bị chậm giờ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành khách và chất lượng dịch vụ hàng không.

Trên mạng xã hội, tài khoản Nguyễn Thu Trang bức xúc: "Khi họ delay giờ bay hơn 5 tiếng (mình liên tục check giờ bay nên tranh thủ ngồi vật vờ để sạc điện thoại), ngồi xó dựa cột,vì đông quá không có chỗ để ngồi. Tiếp theo là lạc hành lí 2 tiếng (chủ động đi tìm hành lí ở tất cả các băng chuyền). Đứng đợi vài lượt chóng cả mặt mà vẫn chưa thấy vali mình đâu! Cuối cùng là họ vứt lăn lóc 1 xó... một trải nghiệm để đời đấy".

Tài khoản Mã Mạnh Dũng chia sẻ: "Đã trễ 4 - 5 lần không nói rồi mà đến giờ bay bị trễ tiếp không thèm báo lại gì luôn. Mình thanh niên thì còn chịu được chứ trên chuyến bay còn nhiều các cụ già, trẻ em nhỏ trông rất tội, đói khát cả chục tiếng, mãi mới được chai nước và mẩu bánh mỳ. Cơ mà ra nhà ga thấy cả nghìn người và nhiều chuyến khác cũng đang bị giống chuyến của mình. Một đêm không ngủ tại sân bay Tân Sơn Nhất...".

"Hôm qua thấy rần rần vụ Vietjet delay làm khổ khách hàng, mình đã thấy điềm. Hôm nay chính thức trở thành nạn nhân! Tuần trước bạn mình hí hứng bảo có chuyến bay thẳng Côn Đảo rồi. Chỉ có duy nhất VietJet khai thác chặng này. Sáng dậy chuẩn bị ra sân bay thì được thông báo “hãng lùi lịch từ 23/4 sang 27/4 mới bay” và không có thêm bất kỳ lý do hay sự hỗ trợ nào", tài khoản Hiên Hoàng bày tỏ.

Hành khách mệt mỏi, vạ vật ở sân bay. Ảnh: MXH

Theo ông Uông Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sự cố chậm chuyến đến từ nhiều nguyên nhân. Ngoài khó khăn trong giai đoạn tiếp quản dịch vụ mặt đất, sân bay Tân Sơn Nhất còn đang điều chỉnh hoạt động để phục vụ công tác huấn luyện, chuẩn bị cho dịp lễ 30/4 – 1/5, kéo theo ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay. Thêm vào đó, thời tiết xấu tại Nội Bài chiều 21/4 cũng khiến một số chuyến bay bị chậm.

Để khắc phục tình trạng này, Cục Hàng không yêu cầu Vietjet tăng cường nhân lực và thiết bị tại sân bay Tân Sơn Nhất theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, hãng đã gửi lời xin lỗi đến hành khách và công bố chính sách hỗ trợ bằng e-voucher: 500.000 đồng cho mỗi khách bay nội địa và 1 triệu đồng cho khách bay quốc tế bị ảnh hưởng từ 2 tiếng trở lên trong hai ngày 20 và 21/4.

Được hoàn tiền vé ngay tại sân bay

Theo luật sư Nguyễn Huy Thắng, trưởng văn phòng luật sư Huy Thắng, pháp luật hiện hành quy định rõ: trong trường hợp chuyến bay bị chậm hoặc hủy chuyến không do lỗi của hành khách, hãng hàng không có nghĩa vụ chủ động thông báo, xin lỗi, hỗ trợ đầy đủ và bồi thường theo quy định.

Cụ thể, theo Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi Thông tư 19/2023), chuyến bay khởi hành muộn từ 15 phút trở lên đã được coi là chậm chuyến. Khi đó, hãng bay phải thông báo kịp thời, cung cấp thông tin đầy đủ bằng phương thức phù hợp; đồng thời bố trí ăn uống, nghỉ ngơi và phương tiện đi lại phù hợp với thời gian chờ đợi của hành khách tại sân bay.

Trường hợp chuyến bay bị trễ từ 2 giờ trở lên, hành khách có quyền được đổi sang chuyến bay hoặc hành trình khác mà không phải chịu bất kỳ phụ phí hay điều kiện ràng buộc nào. Nếu trễ từ 5 giờ trở lên, hành khách được quyền yêu cầu hoàn lại toàn bộ tiền vé hoặc phần chưa sử dụng mà không bị từ chối và việc hoàn tiền phải được thực hiện trực tiếp tại sân bay, văn phòng đại diện hoặc đại lý chỉ định.

Ngoài ra, nếu chuyến bay bị chậm kéo dài – tức trễ từ 4 giờ trở lên so với giờ khởi hành dự kiến – hãng hàng không còn phải bồi thường bằng tiền mặt, không hoàn lại, cho hành khách đã có vé và được xác nhận chỗ. Mức bồi thường cụ thể tùy theo cự ly bay: từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với chuyến bay nội địa, và từ 25 đến 150 đô la Mỹ đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ theo Thông tư số 14/2015 và Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.

Nếu không được giải quyết thỏa đáng, hành khách có thể gửi đơn khiếu nại. Ảnh: MXH

Nếu không được giải quyết thỏa đáng, hành khách có thể gửi đơn khiếu nại đến hãng, Cục Hàng không Việt Nam hoặc tiến hành khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để bảo vệ quyền lợi, hành khách nên giữ lại đầy đủ vé máy bay, thẻ lên tàu, hóa đơn ăn uống, chi phí đi lại và các khoản phát sinh khác do chuyến bay bị chậm. Ghi lại thông báo từ hãng hoặc lời giải thích của nhân viên sân bay cũng là bằng chứng quan trọng nếu cần khiếu nại hay khởi kiện.

Theo luật sư Thắng, hiểu rõ quyền lợi là cách tốt nhất để hành khách tự bảo vệ mình và góp phần thúc đẩy sự minh bạch, có trách nhiệm từ các hãng hàng không trong việc tuân thủ quy định pháp luật.

Trịnh Hải
Nguồn: sohuutritue.net.vn