Đăng nhập Đăng ký

hoặc

Vui lòng nhập thông tin cá nhân

Đặt lại mật khẩu

Nhập email của bạn để lấy lại mật khẩu

Email không đúng

Cảnh báo mới về việc chụp CT gây ung thư

Thứ năm, 17/04/2025 09:50 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới công bố trên JAMA Internal Medicine, tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới thuộc hệ thống tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho thấy việc chụp CT trong năm 2023 có thể dẫn tới 103.000 ca ung thư trong tương lai, tính theo suốt vòng đời của những người bị phơi nhiễm.

Chụp CT gây ung thư ngang uống rượu

Chụp CT (Computed Tomography) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt lớp (3D) bên trong cơ thể.

Bức xạ có mặt khắp nơi – trong không khí chúng ta hít thở, nước chúng ta uống, tường nhà và văn phòng, từ lò vi sóng, tại phòng khám nha khoa, và khi ta đến bệnh viện nếu bị gãy xương. Và người ta thường nói rằng một mức phơi nhiễm nhất định là an toàn. Nhưng nếu điều đó không hoàn toàn đúng thì sao? Có thể là như vậy, ít nhất là với một phương pháp chẩn đoán phổ biến: chụp cắt lớp vi tính, thường gọi là chụp CT.

Và nếu các thực hành hiện tại vẫn tiếp diễn với tần suất và liều lượng bức xạ như hiện nay, các nhà nghiên cứu tin rằng ung thư liên quan đến CT có thể chiếm 5% tổng số ca ung thư mới mỗi năm, tương đương với các yếu tố nguy cơ nghiêm trọng khác như tiêu thụ rượu (5,4%) và thừa cân (7,6%).

“CT thường cứu mạng bệnh nhân, nhưng tác hại tiềm ẩn của nó thường bị bỏ qua, và ngay cả những rủi ro ung thư rất nhỏ cũng sẽ dẫn đến số lượng ca ung thư đáng kể trong tương lai, bởi tần suất sử dụng CT ở Mỹ là rất lớn”, Tiến sĩ Rebecca Smith-Bindman, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ khoa Dịch tễ và Thống kê sinh học, ĐH California, San Francisco cho hay.

Chụp CT có thể là nguyên nhân gây ra hàng trăm ngàn ca ung thư mỗi năm ở Mỹ. Ảnh: Fortune

An toàn của chụp CT từ lâu đã gây tranh cãi, đặc biệt bởi những gì người ta biết về nguy cơ ung thư từ bức xạ liều thấp đến trung bình chủ yếu đến từ các nghiên cứu về nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật Bản hoặc các cộng đồng phơi nhiễm do sự cố hạt nhân.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng đã có bằng chứng chụp CT gây tổn thương DNA ở người trưởng thành, và một phân tích từ năm 2009 ước tính khoảng 29.000 ca ung thư trong tương lai sẽ phát sinh từ việc chụp CT thường quy (việc sử dụng máy chụp CT một cách định kỳ hoặc rộng rãi để kiểm tra sức khỏe, không nhất thiết dựa trên triệu chứng cụ thể) ở Mỹ vào năm 2007. Từ đó đến nay, số ca chụp CT hàng năm đã tăng hơn 30%.

Nghiên cứu mới này là một trong nhiều nghiên cứu gần đây đặt dấu hỏi về sự an toàn của việc chụp CT.

CT hoạt động tương tự như X-quang, nhưng không tạo ra ảnh phẳng 2D, mà tạo ra hàng chục đến hàng trăm hình ảnh khi máy quay quanh cơ thể bạn đang nằm. Theo tài liệu của hệ thống y tế hàng đầu thế giới Cleveland Clinic, CT cho phép bác sĩ nhìn thấy những gì X-quang thông thường không thể hiện: xương, cơ, nội tạng, mạch máu, một số loại ung thư, gãy xương, bệnh tim, cục máu đông, rối loạn đường ruột, sỏi thận, chảy máu trong, chấn thương não và tủy sống.

CT sử dụng bức xạ, cụ thể là bức xạ ion hóa – tức dạng năng lượng có thể gây thay đổi ở cấp độ nguyên tử khi tương tác với sinh vật sống. Liều cao có thể gây tổn thương tế bào hoặc cơ quan, thậm chí gây tử vong.

Nhà vật lý y khoa Lawrence Dauer (Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, New York) giải thích: “Liều bức xạ đo bằng đơn vị millisievert (mSv), và mỗi ca chụp CT thường dao động từ 1 đến 10 mSv. Để dễ hình dung, người Mỹ trung bình mỗi năm nhận khoảng 3 mSv từ bức xạ tự nhiên (ví dụ: tia vũ trụ từ không gian).”

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu ẩn danh từ 143 bệnh viện và cơ sở ngoại trú tại Mỹ, thuộc cơ sở dữ liệu UCSF International CT Dose Registry. Dựa trên dữ liệu từ 2016–2022, họ ước tính có 93 triệu lượt chụp CT được thực hiện trên khoảng 62 triệu bệnh nhân trong năm 2023. Từ đó, họ dự đoán 103.000 ca ung thư tương lai sẽ xuất hiện, đặc biệt là ung thư phổi, đại tràng, bàng quang, vú (ở nữ), và bệnh bạch cầu.

Làm gì để phòng tránh tác hại của chụp CT?

Dù nghiên cứu hiện tại không đưa ra hướng dẫn cụ thể, nhưng các nghiên cứu trước, như trên tạp chí New England Journal of Medicine, đã đề xuất: Giảm liều bức xạ CT tối đa có thể, đặc biệt khi chụp cho trẻ em; ưu tiên các phương pháp thay thế như siêu âm và MRI nếu có thể.

Chỉ chụp CT khi thật sự cần thiết, đặc biệt nếu không có triệu chứng. Nhà vật lý y khoa Dauer kết luận: “Chúng tôi vẫn cân nhắc các lựa chọn thay thế trong những trường hợp phù hợp. Không phải lúc nào cũng thay được CT bằng MRI (chụp cộng hưởng từ – một kỹ thuật tạo hình ảnh y khoa cực kỳ chi tiết bên trong cơ thể mà không dùng tia X hay phóng xạ), nhưng nếu hợp lý và chính đáng, ta nên làm vậy”.

Thanh Bình
Nguồn: sohuutritue.net.vn